Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình cung cầu, giá cả
trên thị trường cả nước thời gian trước Tết, cận Tết và trong 3 ngày Tết
tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Do
sức mua tăng mạnh nên giá nhiều loại mặt hàng tăng nhưng không xảy ra
hiện tượng tăng giá đột biến. Ngay từ ngày hôm qua (mùng 2 Tết) các chợ
dân sinh, nhỏ lẻ cũng bắt đầu hoạt động trở lại. Giá nhiều loại thực
phẩm nhất là rau xanh, cá, tôm tăng khá cao so với ngày thường nhưng
không có tình trạng khan hàng, sốt giá như những năm trước.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 năm nay, thực hiện chỉ đạo của
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ
ngành hữu quan chỉ đạo các đơn vị thực hiện tích cực công tác đảm bảo
phục vụ Tết. Theo đó, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đã được
các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị
chu đáo. Hàng hóa phục vụ Tết trên thị trường phong phú về chủng loại,
đa dạng về mẫu mã, nguồn cung dồi dào kết hợp với các chương trình
khuyễn mại giảm giá đã kích thích sức mua của người tiêu dùng. Cùng với
đó, nhiều địa phương đã triển khai việc bán hàng bình ổn và tổ chức bán
hàng phục vụ Tết, đặc biệt cho địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu,
vùng xa. Việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại các địa phương đã
đem lại hiệu ứng tích cực cho thị trường, đặc biệt tại các thành phố lớn
như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, không khí mua bán trên thị
trường Tết năm nay kém sôi động hơn so với cùng thời điểm các năm trước
đây, dù rằng giá cả các mặt hàng không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ so với
thời điểm trước Tết.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong dịp
Tết Nguyên Đán công tác quản lý thị trường cũng được kiểm soát chặt chẽ
hơn nên tại các địa phương trong cả nước đều tăng cường công tác kiểm
tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất
lượng nhập lậu qua biên giới và lưu thông trên thị trường, ngăn chặn và
xử lý các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng
pháo trái phép. Nhờ vậy, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng
nhập lậu đã giảm, riêng các loại pháo không còn bày bán và sử dụng công
khai; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng, hàng
hóa phong phú, đảm bảo chất lượng.
Những ngày sau
Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Bộ Công Thương dự báo giá lương thực sẽ ổn định
hoặc giảm nhẹ nhờ lượng dự trữ lúa gạo dồi dào, xuất khẩu không cao, nhu
cầu tiêu dùng trong nước giảm sau Tết. Nhằm bình ổn giá dịp sau Tết,
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các
biện pháp bình ổn giá; đặc biệt là công tác bảo đảm cân đối cung cầu
hàng hóa, dịch vụ, không để thiếu hàng, sốt giá; tăng cường kiểm tra
thực hiện pháp luật về giá, thuế, phí trên địa bàn địa phương; hạn chế
tình trạng lợi dụng dịp Tết để tăng giá, phí bất hợp lý./.
Uyên Hương