Thứ Ba, 1/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 1/10/2011 10:18'(GMT+7)

Thiệt hại ban đầu từ bão số 5

Bão số 5 đã gây ra nhiều  thiệt hại về tài sản và sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ninh. Ảnh: TTĐT Q.N

Bão số 5 đã gây ra nhiều thiệt hại về tài sản và sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ninh. Ảnh: TTĐT Q.N

Theo thông tin nhanh của Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Quảng Ninh, tính tới 16 giờ chiều 30.9, tổng số thiệt hại do cơn bão số 5 trên địa bàn tỉnh: 293 nhà bị tốc mái, 10 tàu thuyền và 1 sà lan bị chìm, 33 bè nuôi thủy sản bị vỡ. Trên 1.669ha hoa màu bị hư hại, 11 cột điện và cột viễn thông bị đổ. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu khoảng 50 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão số 5 tại Hải Phòng. Ảnh: Chinhphu.vn


Trong khi đó, thông tin nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lũ lụt & tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng, tính đến 21 giờ ngày 30/9, bão số 5 đã gây thiệt hại ban đầu về tài sản, diện tích hoa màu tại các địa phương, không có thiệt hại về người. Cụ thể là: cống Sông Trên (đê Hữu Văn Úc huyện Tiên Lãng) bị sụt đất và nứt mái đê khu vực mang cống. Huyện đã huy động nhân lực, vật tư xử lý bước đầu. 1 nhà ươm cây giống bị sập; 6 nhà bị tốc mái; 6 chòi canh thủy sản bị sập đổ. 9.948,7 ha lúa bị đổ (trong đó, An Dương 133 ha, Tiên Lãng 3.200 ha, Kiến Thụy 950 ha, Thủy Nguyên 4.000 ha, Kiến An 2,0 ha, Cát Hải 13,7 ha, An Lão 1250 ha, Đồ Sơn 200 ha, Vĩnh Bảo 200 ha); 60.000 cây ăn quả chủ yếu là chuối bị gãy, đổ; 5 cột điện gãy, đổ; 1 pông tông đỗ trong âu cảng Bạch Long Vỹ bị đắm.

* Trong khi đó, một số địa phương khác lân cận cũng bị ảnh hưởng đáng kể từ bão số 5:

Tại Hà Nội: do ảnh hưởng của trận mưa kéo dài kèm theo gió lớn vào chiều 30/9, nhiều cây to ở Hà Nội bị bật rễ, gây thiệt hại về tài sản cũng như làm cho một số người bị thương do cây đổ vào khi đang tham gia giao thông, gây ách tắc giao thông, rất nguy hiểm. Vào khoảng 14h30, trước cửa nhà 96 phố Hòa Mã, một cây bồ đề cao chừng 5m đã bất ngờ bật gốc, đổ ngang đường. Chủ ngôi nhà này cho biết, cây bồ đề này được trồng từ năm 1975. Rất may vụ việc đã không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, phần thân cây đè lên 2 xe máy BKS 29 K3 - 3234 và 29 N3 - 5116 đang dựng ngay dưới gốc cây. Phần ngọn của cây cũng đã đập trúng xe ô tô 7, khiến toàn bộ đầu xe bị bẹp. Vụ việc cũng khiến lưu thông trên tuyến phố này bị tắc nghẽn do toàn bộ phần cành lá xum xuê đã bịt kín toàn bộ lòng đường, buộc các phương tiện phải quay đầu tìm lối đi khác. Trước đó, vào khoảng 12giờ, một cây phượng vàng ở ngõ 40 đường Võ Thị Sáu cũng bật gốc đổ ngang khiến một người đang tham gia giao thông bị thương phải vào viện. Cây đổ nằm chắn ngang đường đúng giờ cao điểm khiến giao thông bị tắc nghẽn…

Tại Thái Bình: mặc dù bão số 5 không đổ bộ trực tiếp vào Thái Bình, nhưng gió giật mạnh kèm theo mưa đã gây ra những thiệt hại ban đầu. Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, toàn tỉnh không có thiệt hại nào về người. Tuy nhiên, bão gây ra gió mạnh giật cấp 8, cấp 9 đã làm đổ ngã hơn 40.000 ha lúa mùa, trong đó hơn 10.000 ha lúa đã chín đang trong thời kỳ thu hoạch; khoảng 9.000 ha cây màu và gần 1.000 ha cây ăn quả bị hư hại.

Đặc biệt ở 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy, mưa bão đã làm cho gần 2.000 ha đầm nuôi ngao cùng với trên 3.500 ha đầm nuôi trồng thủy sản ngoài đê bị thiệt hại. Bão số 5, kèm theo mưa cộng với triều cường cũng đã làm sạt lở 200 m kè Hà My thuộc hệ thống đê biển số 7 huyện Thái Thụy. Tuy nhiên ngay trong sáng 30/9, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo huyện Thái Thụy và các lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục sự cố kè Hà My. Bão số 5 còn gây sạt lở, hư hỏng nhiều mái kè, mái đê ở kè Tân Thành 1, Tân Thành 3 trên tuyến đê hữu sông Trà Lý (huyện Vũ Thư); một số đoạn kè chưa được cứng hóa trên các tuyến đê biển số 5, số 6 ở huyện Tiền Hải và đê biến số 8 ở huyện Thái Thụy... thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Tại Nam Định: bão số 5 với sức gió giật cấp 7 , lượng mưa phổ biến từ 20-30 mm. Tuy nhiên bão số 5 không gây nhiều thiệt hại tại các địa phương trong tỉnh. Theo báo cáo cập nhật đến 9h ngày 1/10 của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có 5.000 ha lúa mùa bị đổ nghiêng, trong đó phần lớn là các giống lúa đặc sản tập trung tại các huyện ven biển, gây thiệt hại gián tiếp đến sản xuất lúa vụ này do làm lây lan và phát triển nhanh bệnh bạch lá, nhất là đối với những diện tích lúa trỗ sau ngày 20/9.

Về đê điều, thuỷ lợi, bão số 5 đã làm sạt lở kênh xả tiêu ngoài đê thuộc khu vực trạm bơm Hồng Hà (bối Hồng Hà) thuộc huyện Mỹ Lộc với khối lượng sạt lở khoảng 1.500 m3, mỗi bờ sạt sâu vào khoảng 4-5 m, tổng chiều dài đoạn sạt 150 m, trong đó 10 m ăn sâu vào chân bối, 20 m sát vào nhà dân. Tại huyện Hải Hậu, chính quyền đã huy động 200 người để xử lý sạt lở mái kè bãi tắm Thịnh Long với khối lượng 70 m3 đá hộc, 20 rọ thép.

Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo các địa phương đang khẩn trương chỉ đạo, tập trung xử lý, khắc phục hậu quả do bão số 5 gây ra; tập trung cho công tác tiêu thoát nước và khắc phục diện tích lúa xuân bị đổ. Đối với các diện tích lúa bị đổ, diện tích nào chín phải tranh thủ gặt ngay, chủ động tháo nước mặt ruộng, tạo điều kiện cho lúa mùa tiếp tục phát triển./.

ST 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất