Thứ Năm, 26/5/2016 8:38'(GMT+7)
Thiếu quản lý, "comment" trên báo vẫn còn kích động, sai sự thật
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, thông
tin đối ngoại trên báo chí hiện vẫn thiếu chọn lọc, cách giật tít kích
động, sai khái niệm thuật ngữ hay thậm chí sai sự thật. Đặc biệt, bình
luận (comment) trên các tờ báo mạng điện tử là vấn đề theo ông vẫn chưa
được quản lý chặt.
Phản bác thông tin sai sự thật hiệu quả chưa cao
Phát biểu trong hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho
báo chí tổ chức sáng 25/5, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, những
năm gần đây, công tác bảo vệ, phát huy quyền con người đã có những bước
tiến bộ đáng khích lệ.
Một số thành tựu được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhắc tới là
hệ thống pháp luật đảm bảo thực thi quyền con người đã hoàn thiện hơn,
vị thế uy tín của Việt Nam được nâng cao tại Liên hợp quốc và được các
nước công nhận.
Minh chứng cho sự công nhận này, ông cho rằng, những phát biểu của Tổng
thống Hoa kỳ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam cũng đã khẳng định
quyền tự do và tiến bộ Việt Nam.
Tuy vậy, chính Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn, việc tuyên
truyền về quyền con người, đảm bảo thực thi quyền con người trên báo chí
thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu.
Vấn đề được người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra là việc
phối hợp tuyên truyền trong nhiều vụ việc còn thiếu chặt chẽ, thiếu nhịp
nhàng, kịp thời.
Một trong những hạn chế nữa được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu ra là
việc đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật về Việt Nam còn bị
động và sức thuyết phục chưa cao. Bộ trưởng nhấn mạnh thực tế, việc phản
bác trên chỉ tập trung vào một số cơ quan báo chí, còn lại thì chưa
nhiều.
Đặc biệt, ông cho rằng, "thông tin đối ngoại trên báo chí còn thiếu chọn
lọc." Vấn đề được nêu lên hiện tại là từ ngữ, cách giật tít kích động,
dùng sai khái niệm thuật ngữ hay cá biệt có báo đưa thông tin sai sự
thật vì thiếu kiểm chứng.
Bộ trưởng chỉ rõ với các báo điện tử hiện tại, việc thiếu quản lý chặt
chẽ vẫn để các bình luận (comment) đưa vào dụng ý "này khác" và cả những
nội dung kích động, sai sự thật.
Ở phía khác, ông cũng thừa nhận, công tác cung cấp thông tin đảm bảo các
cơ quan báo chí có tác phẩm viết về nhân quyền cũng chưa kịp thời.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư ít cùng với lực lượng phóng viên chuyên viết
về lĩnh vực nhân quyền còn mỏng, theo Bộ trưởng, cũng là điều khiến công
tác tuyên truyền vẫn còn hạn chế.
(Nguồn: TTXVN)
Sẽ cung cấp thông tin đầy đủ
Góp ý thêm cho vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng
thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền đánh giá, công tác tuyên truyền về
nhân quyền và đảm bảo thực thi quyền con người "còn manh mún."
Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ông Sơn nhấn
mạnh lại việc phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành là chưa chặt chẽ.
"Hiện tại, mạnh ai người đó làm, chưa có tổng thể, chưa có cơ quan tư
lệnh điều hành, chỉ đạo việc này," Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn nhận
xét.
Theo ông Sơn, thực tế, việc thông tin về giải quyết vấn đề nhân quyền
mới chỉ dựa vào một số sự vụ cụ thể. Đây là việc theo ông xuất phát thêm
từ nguyên nhân là báo chí chưa có thông tin, dữ liệu để viết bài.
Bởi vậy, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn đặt ra vấn đề làm sao cung cấp
thông tin tới các cơ quan báo chí khi xử lý các đối tượng cụ thể.
Ông thừa nhận, có thể chứng cứ hoạt động của các đối tượng cụ thể vẫn
trong quá trình điều tra nên thông tin có thể không cập nhật, công bố
ngay được. Tuy vậy, Thiếu tướng Sơn cũng cho rằng, cần hình thành cơ chế
giữa các bộ và cơ quan liên quan để chuyển tải thông tin đúng quy định.
Ở hướng khác, Thiếu tướng Sơn đề nghị, nội dung cần thông tin trong thời
gian tới làm làm sao để người dân cùng hiểu được, Việt Nam hiện cũng là
thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Đây là vấn đề ông cho
rằng cần thông tin một cách "mạnh mẽ." Ngoài ra, những công việc mà
Việt Nam với vị trí tại Liên hợp quốc đã làm được theo ông cũng là nội
dung cần quan tâm.
Góp ý thêm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn
mạnh lại việc thiếu chủ động cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ
quan chức năng. Ông thẳng thắn "cứ đề nghị các cơ quan báo chí viết về
nhân quyền nhưng viết gì thì không ai chỉ ra."
Đây cũng là vấn đề ông đặt ra với Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin
và Truyền thông cùng với một số cơ quan liên quan để cùng phối hợp, cung
cấp thông tin đầy đủ cho các cơ quan báo chí.
Riêng với hội nghị cung cấp thông tin về nhân quyền cho báo chí, Bộ
trưởng cũng giao các đơn vị liên quan tổ chức hàng tháng và sớm tổ chức
hội nghị tập tuấn cho phóng viên./.
Theo TTXVN