Theo Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y
tế) Nguyễn Hoàng Long, hiện nay trên thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc
chữa khỏi HIV/AIDS, cho nên điều trị bằng thuốc ARV vẫn được coi là hữu
hiệu nhất. Điều trị thuốc ARV làm ức chế sự nhân lên của vi-rút HIV, do
đó duy trì được lượng vi-rút thấp nhất trong máu, từ đó duy trì được
tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Số lượng vi-rút HIV trong mẫu
máu xét nghiệm của người nhiễm HIV càng cao thì khả năng giảm miễn dịch
và lây truyền càng lớn. Thuốc ARV có thể làm giảm số lượng vi-rút HIV
của người nhiễm xuống thấp đến mức không thể đếm được khi xét nghiệm và
như vậy sẽ không lây nhiễm HIV sang bạn tình. Khi đó, người nhiễm HIV
tiếp tục có khả năng sống khỏe mạnh và lâu dài. Trước sự hữu ích của
phác đồ điều trị này, Bộ Y tế đã giới thiệu rộng rãi thông điệp mới,
nhằm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và khuyến
khích những người có HIV tuân thủ điều trị theo phác đồ mới. Phác đồ mới
được công bố tại Hội nghị quốc tế về AIDS năm 2018 và nhanh chóng được
gần một nghìn tổ chức y tế và tổ chức cộng đồng tại gần 100 quốc gia
công nhận và ủng hộ.
Thông điệp này không chỉ có ý nghĩa với những người sống chung với
HIV mà còn ý nghĩa quan trọng với những người không nhiễm HIV. Bởi thông
điệp sẽ là công cụ mới, phương tiện mới để phòng, chống HIV, bên cạnh
những biện pháp trước đây là bao cao-su, thuốc dự phòng lây nhiễm. Nếu
những người nhiễm HIV được điều trị đầy đủ, liên tục thì khả năng lây
nhiễm sang những người không nhiễm HIV gần như bằng không.
Hiện nước ta có 135 nghìn trong tổng số khoảng 250 nghìn người nhiễm
HIV/AIDS đang điều trị ARV và có thể sử dụng chiến lược K=K nhằm mở rộng
độ bao phủ điều trị. Các đánh giá cho thấy, sẽ rất hiệu quả khi Việt
Nam đang là một trong những nước đạt tỷ lệ ức chế vi-rút HIV thuộc hàng
cao nhất thế giới. Một người có HIV được điều trị bằng thuốc ARV và khi
đạt tải lượng vi-rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ
lây truyền vi-rút HIV sang người khác qua đường tình dục từ không đáng
kể đến không có nguy cơ. Đồng thời giúp làm giảm sự kỳ thị và phân biệt
đối xử liên quan đến HIV và khuyến khích những người nhiễm HIV tuân thủ
điều trị.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, 47 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội (có vợ và hai
con gái), nhiễm HIV một năm trước do tiêm chích ma túy, cũng là người
bệnh đầu tiên được sử dụng phác đồ điều trị ARV ngay từ ngày phát hiện
nhiễm HIV. Anh chia sẻ: ngay khi phát hiện nhiễm HIV, tôi may mắn được
sử dụng thuốc ARV. Sau một năm điều trị, hiện nay chỉ số vi-rút HIV
trong máu ở dưới 200 (dưới ngưỡng có khả năng để lây bệnh). Nếu tuân thủ
phác đồ này, tôi sẽ tránh lây nhiễm HIV sang cho vợ. Như vậy là gia
đình tôi sẽ an toàn. Giờ thì tôi yên tâm làm việc, hòa nhập cộng đồng và
sống tốt hơn.
Đối với những người không lây nhiễm HIV, việc hiểu biết về thông điệp
mới này cũng là công cụ tốt để có thể dự phòng. Điều quan trọng là họ
cần phải động viên, khuyến khích, hợp tác với những người đang sống với
HIV để họ điều trị thật tốt. Bởi những người sống chung với HIV có thể
hoàn toàn sống khỏe mạnh, có đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội khi bản
thân họ không là nguồn lây nhiễm bệnh.
Được biết trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực đánh giá chương
trình và hệ thống y tế hỗ trợ cho công tác dự phòng, điều trị và chăm
sóc HIV ở Việt Nam”, Trường đại học Y Hà Nội đã hỗ trợ cho một số tỉnh,
thành phố như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Điện Biên… thực hiện
truyền bá thông điệp K=K tới cộng đồng. Hiện nay chiến dịch quốc gia K=K
đang tập trung ở trung ương và 11 tỉnh, thành phố với các tài liệu
truyền thông, sự kiện cộng đồng, các hoạt động truyền thông xã hội từ đó
lồng ghép thông điệp K=K vào điều trị ARV là dự phòng trong chiến lược
phòng, chống HIV/AIDS. Các tỉnh, thành phố khác sẽ lồng ghép thông điệp
này trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế
giới phòng, chống HIV/AIDS./.