Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật TP. Ðà Nẵng, đến ngày 4/8, Ðà Nẵng ghi nhận 3.616 ca mắc
SXH, tỷ lệ 311 ca mắc/100 nghìn dân, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm
2018, không có trường hợp chết do SXH.
TP. Ðà Nẵng có số ca mắc/100 nghìn
dân, cao thứ hai trong cả nước. Các quận, huyện có số ca mắc SXH là:
Thanh Khê (896 ca, tăng 3,7 lần), Hải Châu (665 ca, tăng 3,3 lần), Liên
Chiểu (492 ca, tăng 1,5 lần), Sơn Trà (455 ca, tăng 2,9 lần), Hòa Vang
(390 ca, tăng 4,5 lần), Cẩm Lệ (302 ca, tăng hai lần),
Ngũ Hành Sơn (295 ca, tăng 2,4 lần), trong đó huyện Hòa Vang có tỷ lệ ca
mắc SXH tăng cao nhất, tăng 4,5 lần so với năm 2018.
Thạc sĩ, bác sĩ
Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Ðà Nẵng cho
biết, thời tiết nắng nóng kết hợp những đợt mưa thất thường; khí hậu ẩm
tạo điều kiện cho vật trung gian truyền bệnh SXH phát triển… Bên cạnh
đó, ý thức của một bộ phận người dân trong việc phòng, chống loăng
quăng, bọ gậy, diệt muỗi và phối hợp ngành y tế trong quá trình xử lý
hóa chất chưa cao.
Giám đốc Sở Y tế TP. Ðà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, để
công tác phòng, chống bệnh SXH trong mùa cao điểm được thực hiện hiệu
quả, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không nên "khoán
trắng" cho ngành y tế. Ðảng ủy, UBND các cấp cần tập trung chỉ đạo quyết
liệt, kiểm tra giám sát và huy động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ
chức chính trị xã hội tích cực tham gia vận động người dân dọn bỏ các
vật dụng phế thải; đậy kín các vật dụng chứa nước mưa, nước sinh hoạt;
khơi thông cống rãnh, hố nước tù, đọng; tổ chức các chiến dịch tuyên
truyền, vận động người dân tự diệt loăng quăng, bọ gậy và có biện pháp
xử lý đối với các gia đình có loăng quăng, bọ gậy mà không phun hóa
chất.
Tại cuộc họp vừa qua với các sở, ngành liên quan nhằm tìm giải pháp
phòng, chống dịch SXH, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung
Chinh cho biết, thành phố sẽ tiến hành chiến dịch cao điểm trong các
ngày 11 và 25/8, huy động toàn bộ lực lượng phun thuốc, dọn vệ sinh môi
trường. Chiến dịch này sẽ được thực hiện đi vào chiều sâu, nơi nào có
người dân thì nơi đó phải có việc phòng, chống dịch SXH; lưu ý tại những
nơi có việc tồn đọng nước thải phát sinh các ổ loăng quăng, dịch bệnh,
như nhà hàng, trại chăn nuôi, bãi tập kết rác thải, các khu nhà trọ, khu
tập thể. Các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở điều trị được yêu cầu bảo
đảm các phương tiện, thiết bị, thuốc men để sẵn sàng điều trị các
trường hợp SXH trên địa bàn, quyết tâm không để xảy ra trường hợp chết
vì SXH.
TP. Ðà Nẵng đã có Văn bản số 5289/UBND-SYT về khẩn trương triển khai
các biện pháp phòng, chống bệnh SXH trong thời gian tới.
Theo đó, UBND
thành phố yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý
triệt để các ca bệnh, ổ dịch SXH theo quy trình của Bộ Y tế.
Phối hợp
các địa phương, đơn vị chủ động phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực,
cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, nơi công cộng có nguy cơ bùng
phát dịch SXH cao, hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong công
tác diệt loăng quăng, bọ gậy và truyền thông phòng, chống dịch bệnh.
Tổ
chức tốt việc thu dung, phân loại và điều trị người bệnh theo hướng dẫn
của Bộ Y tế, hạn chế thấp nhất các trường hợp tai biến và chết do bệnh
SXH.
UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm về công tác diệt loăng quăng,
bọ gậy trên địa bàn, bảo đảm triển khai sâu rộng đến các tổ dân phố và
báo cáo kết quả của hai đợt ra quân để xây dựng kế hoạch triển khai các
đợt tiếp theo.
Sau các đợt ra quân, tiếp tục duy trì thường xuyên hoạt
động diệt loăng quăng, bọ gậy tại địa phương, nhất là tại các khu vực có
nguy cơ bùng phát dịch SXH cao.
Sở Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các
trường học tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường trong và ngoài khu vực
trường học, phối hợp với ngành y tế thực hiện phun hóa chất diệt muỗi
tại các trường học có nguy cơ bùng phát dịch SXH cao theo chỉ định của
ngành y tế, nhất là vào thời điểm trước khi bắt đầu năm học mới.
Thành
Ðoàn Ðà Nẵng chủ động tổ chức ra quân vệ sinh môi trường tại các lô đất
trống, phối hợp các địa phương trong chiến dịch diệt loăng quăng, bọ
gậy.
Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề
triển khai thường xuyên các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bệnh
SXH cho học sinh, sinh viên, yêu cầu học sinh, sinh viên tham gia các
hoạt động phòng, chống bệnh tại địa phương nơi cư trú…
Hiện nay, tại một số bệnh viện trên địa bàn TP. Ðà Nẵng, số ca mắc SXH tăng mạnh dẫn đến một số khoa, phòng quá tải,
nhiều trường hợp mắc SXH Dengue hoặc SXH có dấu hiệu cảnh báo. Bên cạnh
đó, nhiều ca mắc SXH nặng tại một số địa phương lân cận cũng chuyển về
điều trị tại Ðà Nẵng. Ðây cũng là nguy cơ khiến dịch SXH bùng phát nếu
không kịp thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh,
tăng cường giám sát, phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời./.
Anh Đào (nhandan.com.vn)