Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 21/11/2011 21:30'(GMT+7)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Năm 2012 ưu tiên tín dụng cho sản xuất nông nghiệp

* Phóng viên (PV): Thưa Thống đốc, năm 2012, chính sách tín dụng sẽ được ưu tiên cho những lĩnh vực nào ?

* Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt hơn 10% và những tháng cuối cùng của năm 2011 đang phấn đấu đưa tỷ lệ này lên khoảng 12 – 13%. Tuy nhiên, nếu tính trên toàn thể, kể cả các khoản đầu tư có bản chất tín dụng thì mức tăng trưởng của cả năm có thể đạt 15%.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra ở mức 15-17% cho năm 2012. Trên tinh thần đó, NHNN sẽ điều hành và chỉ đạo các NHTM bám sát để đảm bảo mục tiêu đó, góp phần ổn định kinh tế, tiếp tục kiềm chế lạm phát những năm tiếp theo... Bên cạnh việc tiếp tục bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế còn phải phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%.

Năm 2012, lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của hệ thống tín dụng vẫn là nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là khôi phục sản xuất tại những vùng vừa bị thiên tai, bão lụt thời gian qua. Tiếp đó là các lĩnh vực: phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Xác định, nông nghiệp nông thôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách tín dụng của NHNN 2012, thời gian tới, các ngân hàng trong hệ thống không chỉ đáp ứng nhu cầu cho vay bình thường mà còn hướng tới hoạt động xây dựng cơ sở chế biến về lúa gạo, nông thủy sản, hải sản và tạo hệ thống kho vận hợp lý. Những hỗ trợ này nhằm mục tiêu gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trong thời gian tới.

* PV: Là lĩnh vực được ưu tiên, nhưng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn chưa thu hút các ngân hàng tham gia. Thống đốc đánh giá vấn đề này như thế nào ?

* Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn không có rủi ro cao, đảm bảo ổn định cao nhất nhưng lại đòi hỏi chi phí của hoạt động ngân hàng cao hơn. Đặc biệt, hoạt động cho vay khu vực này thường là các khoản nhỏ lẻ và đòi hỏi các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đi đến tận các thôn, xã thậm chí ở cả vùng sâu, vùng xa... nên làm phát sinh chi phí hoạt động ngân hàng. Lý do này cũng khiến nhiều ngân hàng chưa quan tâm đúng mức đến mảng tín dụng này.

Vì vậy, để góp phần giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong lĩnh vực này, trong khuôn khổ họ phải chịu nâng cao chi phí phục vụ thì NHNN sẽ có hỗ trợ nhất định với các chính sách phù hợp. Với các ngân hàng hoạt động tích cực, có dư nợ lớn ở khu vực nông nghiệp phát triển nông thôn hoặc có nhiều chương trình hỗ trợ lớn thì có thể NHNN ưu tiên về dự trữ bắt buộc hoặc tái cấp vốn với lãi suất ưu tiên hơn so với các lĩnh vực khác.

Hoạt động tín dụng của ngân hàng trong lĩnh vực này sẽ giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) làm trụ cột với chỉ tiêu cụ thể là dư nợ tín dụng cho vay nông nghiệp phát triển nông thôn chiếm từ 75-80% tổng dự nợ. Ngoài ra, NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng khác tập trung đầu tư vào lĩnh vực này; quy định các tổ chức tín dụng khác phải dành 20% dư nợ trong tổng dư nợ phục vụ lĩnh vực này. Nếu TCTD nào không có điều kiện phục vụ lĩnh vực này thì phải chuyển số vốn tương ứng về cho Agribank để thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang xem xét để có quy định cụ thể hơn về cho vay lĩnh vực phi sản xuất trong đó có các khoản vay dành cho nhóm đối tượng có thu nhập vừa và thấp để mua nhà ở. Việc xây dựng nhà ở mang tính an sinh xã hội cho đối tượng có thu nhập trung bình và thấp ở thành thị cũng như công nhân khu công nghiệp sẽ là lĩnh vực được ngân hàng quan tâm trong phát triển tín dụng thời gian tới.

* PV: Hiện các doanh nghiệp sản xuất đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay do lãi suất cao. Vậy sang năm 2012, lãi suất cho vay liệu có hạ nhiệt không thưa ông?

*Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Suốt những tháng qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã nỗ lực rất lớn nhằm kiểm soát lạm phát và dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện từ tháng 8 với xu hướng lạm phát được giảm dần. Tuy nhiên, trên thực tế, lạm phát hiện vẫn ở mức khá cao. Từ nay đến cuối năm, Việt Nam đang nỗ lực kìm chân lạm phát ở mức 18,5%.

Kể từ tháng 8 đến nay, NHNN và các NHTM rất nỗ lực để đưa mặt bằng lãi suất huy động xuống 14% và duy trì lãi suất cho vay phổ biến quanh ngưỡng 16 - 17% hoặc 18% tùy nhóm ngành nghề... Việc tiếp tục được giảm lãi suất là nhu cầu tất yếu của nền kinh tế, tuy nhiên, phải tiến hành trong bối cảnh phải kiểm soát được tốc độ tăng lạm phát. Với tốc độ giảm lạm phát trong những tháng qua thì CPI sẽ giảm. Đây cũng là cơ sở để ngân hàng xem xét, cân đối đưa ra mức lãi suất hợp lý hơn vào thời gian tới nhằm tạo khả năng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Nếu giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng tín dụng thường đạt xấp xỉ 30% thì tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 là thấp nhất trong lịch sử 10 năm qua - chỉ bằng một nửa mức trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tốt với mức tăng trưởng kinh tế từ 5,8 – 6% nhờ kiểm soát được nhập siêu do đầu tư toàn xã hội giảm. Yếu tố này có được là do tín dụng ngân hàng giảm. Đáng ghi nhận là năm 2011 mặc dù lạm phát cao nhưng áp lực lên tỉ giá lại dịu so với nhiều năm khác, nhất là từ tháng 4 trở lại đây.

Điều này càng khẳng định, nền kinh tế sẽ tiếp tục có các tín hiệu tích cực và đạt hiệu quả cao nếu kiểm soát được tăng trưởng tín dụng ngân hàng và hướng luồng tín dụng tập trung đúng vào các trọng tâm thiết yếu của nền kinh tế. Theo thống kê, riêng tín dụng đầu tư cho sản xuất đã tăng 15,5%; cho xuất khẩu đã đạt kỷ lục trong 10 năm qua, lên tới 58%; trung bình tín dụng cho nông nghiệp cũng tăng hơn 30%. Năm nay, đời sống sản xuất nông nghiệp cũng đạt nhiều thành tựu to lớn nhờ các ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho vay lĩnh vực này.

* PV: Chính sách thắt chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã khiến thị trường “tê liệt” trong thời gian qua. Vậy năm tới chính sách cho vay đối với lĩnh vực nhạy cảm này có được nới lỏng không thưa Thống đốc ?

* Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Để thực hiện mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô, năm 2012 hoạt động tiền tệ của ngân hàng cũng phải rất chặt chẽ. Tuy nhiên, ngân hàng cũng sẽ có cách nhìn đầy đủ hơn về nhóm phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng. Cơ sở để khẳng định điều này là năm 2011 chúng ta đã chặn đứng được lạm phát thì sang năm mới có điều kiện để xem xét các lĩnh vực có nhu cầu vốn cao ở mức độ hợp lý hơn.

Trong nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam hiện nay thì thị trường bất động sản cũng rất quan trọng - là động lực cho phát triển kinh tế xã hội nhưng phải kiểm soát để thị trường hoạt động, phát triển theo xu hướng tích cực, tránh sự vượt ngưỡng tạo thành “ bong bóng” và gây rủi ro cho xã hội. Tuy nhiên, nếu để thị trường "đóng băng" sẽ có hệ lụy nhất định và ảnh hưởng đến nền kinh tế, an ninh xã hội. Do đó, các “bong bóng” này buộc phải xì hơi từ từ và năm 2011 bắt đầu được tháo van, đồng thời tiếp tục kéo sang cả năm 2012. Chính phủ, NHNN và các ngành liên quan phải phối hợp và tìm hướng giải quyết thực tế để “bong bóng” bất động sản không tiếp tục phồng to mà phải dần xẹp đi và đưa vào quỹ đạo hoạt động hợp lý. NHNN cũng đang cứu để đưa ra các chính sách phù hợp. Ví dụ, chúng ta đang xây dựng nhiều căn hộ, nếu không tạo ra tín dụng tiêu dùng hợp lý thì thị trường mua bán căn hộ cũng bị đình trệ, rơi vào khó khăn. Vì vậy, NHNN sẽ nghiên cứu bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu của kinh tế vĩ mô, nhưng cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

Không riêng gì bất động sản, lĩnh vực tiêu dùng cũng vậy. Hiện sản xuất chủ yếu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu một phần. Bởi vậy, nếu thị trường tiêu dùng không được khuyến khích thì sẽ kìm hãm sản xuất ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, nếu khuyến khích tiêu dùng quá mức, hơn cả tích lũy thì cũng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Do đó, ngay cả tín dụng tiêu dùng, NHNN cũng sẽ xem xét để có chính sách phù hợp hơn theo hướng: chặt chẽ nhưng vẫn khuyến khích thị trường phát triển cân đối.


Tôi cho rằng, các bước thực hiện trong thời gian tới của toàn hệ thống ngân hàng phải chặt chẽ, tránh lặp lại những hạn chế thời gian qua. Các tỷ lệ hoạt động cho vay tiêu dùng, sản xuất... sẽ được xem xét ở mức độ hợp lý hơn, phù hợp với mặt bằng kinh tế và các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2012.

* PV: Trân trọng cảm ơn Thống đốc !

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất