Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 19/11/2011 10:17'(GMT+7)

Huyện vùng cao Mai Châu, Hòa Bình trên đường xây dựng nông thôn mới

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mai Châu là huyện miền núi cao của tỉnh Hòa Bình, với diện tích tự nhiên gần 575 km, dân số trên 52.000 người, gồm 7 dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Mường, Kinh, Dao, Tày, Mông, Hoa. Đây là huyện thuộc diện nghèo của tỉnh Hòa Bình nên việc xây dựng nông thôn mới vô cùng khó khăn.

Từ đây, Đảng bộ huyện Mai Châu nhận rõ, ý thức xây dựng nông thôn mới phải được gắn kết hữu cơ với sản xuất hàng hóa, với xóa đói giảm nghèo, tạo cho bà con các dân tộc tư duy sản xuất hàng hóa, đầy lùi dần, đến xóa bỏ phương thức sản xuất tự cung tự cấp vốn có lâu đời.

Xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí của Trung ương đối với vùng đồng bằng đã khó, đối với huyện dân tộc vùng cao, vùng xa, dân trí thấp như Mai Châu lại càng khó bội phần. “Lựa cơm gắp mắm”, Mai Châu chọn phát triển hạ tầng giao thông làm khâu đột phá cho phát triển kinh tế xã hội. Chủ tịch huyện Mai Châu, Vì Văn Rứa cho biết: Huyện đang tập trung khai thác, quản lý hợp lý, tiết kiệm nguồn lực Trung ương và địa phương, phục vụ hiệu quả chủ trương phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông nông thôn, khắc phục tình trạng chắp vá, mạnh ai lấy làm.

Huyện đã sử dụng lồng ghép sáng tạo và hiệu quả nguồn vốn trong các chương trình, dự án quốc gia như vốn xây dựng cơ bản, vốn 135, vốn cứng hóa, vốn lụt bão, vốn trái phiếu Chính phủ. Phát huy thế mạnh địa phương, huyện thực hiện dân chủ phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", huy động đa dạng nguồn lực trong cộng đồng để làm đường, xây cống, dựng chợ, nhất là đường nội xóm, đường liên xã. Người người thi đua hiến đất làm đường, xây trường, dựng chợ. Nhà nhà góp công, góp sức làm cho đường nối đường, xóm làng khang trang. Trưởng phòng kinh tế và hạ tầng huyện Mai Châu, Hà Hiển Nhiên cho biết: Chưa kể 9 tháng đầu năm 2011, cả năm 2010, bà con trong huyện đã đóng góp hơn 332.640 ngày công xây dựng, phát triển giao thông nông thôn, cho nhiều công trình hạ tầng nông thôn khác. Tính ra, vốn bà con các dân tộc đóng góp khá lớn, bằng tiền được hơn 4 tỷ đồng…So với nhiều địa phương đồng bằng, thành thị thì vốn đóng góp đó chưa nhiều nhưng thể hiện rõ quyết tâm xây dựng bộ mặt nông thôn mới của người dân Mai Châu.

Đến nay, Mai Châu có 58,5 km đường quốc lộ thường xuyên được duy tu bảo dưỡng, 59 km đường tỉnh lộ luôn được hoàn thiện và nâng cấp, 91 km đường huyện lộ có điều kiện kéo dài, nới rộng. Hầu hết các loại đường này đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Đặc biệt, 15,25 km đường liên xã và gần 330 km đường liên xóm thường xuyên được kéo dài, lới rộng khang trang. Cùng với đó, đường xá, mở ra đến đâu, quán xá, cửa hàng, cửa hiệu, cơ sở sản xuất, chợ búa mọc lên đến đó. Không khí làm ăn, sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện được đẩy lên bước mới. Củ khoai, củ sắn, mớ rau, con gà, con vịt, con lợn, con bò… do bà con sản xuất tiêu thụ dễ hơn, đẩy lùi nhanh hơn cái tự cung tự cấp. Ở đây, bây giờ ít ai nói đến “xóa đói” mà người ta chỉ nói đến cách giảm nghèo.

Cuộc sống của người dân xã vùng cao Nà Mèo bây giờ là một minh chứng. Trên địa bàn xã có 280 ha luồng, hơn 300 ha lúa, ngô, khoai sọ, rong, riềng và các loại rau, tạo nguồn nông sản đáng kể, giúp người dân tiếp cận với kinh tế thị trường, nâng tổng giá trị sản xuất hàng năm lên gần 6,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt 5 triệu đồng. Hộ nghèo của xã giảm từ hơn 40% năm 2006 xuống còn hơn 14%./.

Theo TTXVN

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất