Chủ Nhật, 29/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 18/12/2010 12:1'(GMT+7)

Thống nhất trong quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế

Phát thuốc cho người bệnh có thẻ BHYT ở Bệnh viện Đa Khoa huyện Giồng Riềng (An Giang)

Phát thuốc cho người bệnh có thẻ BHYT ở Bệnh viện Đa Khoa huyện Giồng Riềng (An Giang)

Theo Bộ Y tế, sau 18 năm triển khai thực hiện chính sách BHYT, kể từ năm 1992 đến nay, nhất là từ khi Luật BHYT được ban hành và có hiệu lực, BHYT đã phát triển một cách vượt bậc. Sau một năm triển khai thực hiện các chính sách BHYT, có thêm gần mười triệu người dân tham gia BHYT, đưa số người tham gia BHYT tăng từ 5,6% dân số năm 1993 lên 58% dân số vào năm 2009. Con số này chứng tỏ BHYT đã và đang đi vào cuộc sống, được người dân đón nhận và tham gia ngày càng nhiều hơn. Quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được mở rộng và bảo đảm, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới sáu tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế. Số lượt người khám, chữa bệnh BHYT năm sau luôn tăng cao so với năm trước, chi phí từ Quỹ khám, chữa bệnh cho người bệnh góp phần tạo ra nguồn tài chính công đáng kể cho công tác khám, chữa bệnh BHYT. Ðáng chú ý, theo nhận định của Bộ Y tế, với mức giá viện phí như hiện nay, năm 2010 và những năm tiếp theo, Quỹ BHYT sẽ cân đối thu chi và có kết dư, chấm dứt tình trạng bội chi quỹ kéo dài trong vài năm gần đây. Dự báo năm 2010, tổng thu: 26.292 tỷ đồng, tổng chi: 17.837 tỷ đồng, sau khi bù trừ quỹ thiếu của các năm trước, dự kiến năm 2010 quỹ kết dư khoảng 5.385 tỷ đồng.

Sau một năm thực hiện Luật BHYT, nhiều vướng mắc phát sinh đã được Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) và các cơ quan liên quan bàn biện pháp tháo gỡ. Tuy vậy, đến nay vẫn còn một số vướng mắc chưa được giải quyết, như việc phối hợp liên ngành trong việc xác định đối tượng chưa kịp thời, ảnh hưởng việc khám, chữa bệnh nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới sáu tuổi... Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Ths Tống Thị Song Hương cho biết thêm: Sự phối hợp giữa Sở Y tế và BHXH các tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT tại địa phương còn hạn chế, cho nên nhiều vướng mắc, vấn đề phát sinh trong việc mở rộng đối tượng, tổ chức khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT chưa được điều chỉnh, giải quyết kịp thời. Việc thực hiện quy định cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh ở một số địa phương còn khó khăn nhất là với nhóm người nghèo, người mắc bệnh mãn tính.

Ðặc biệt, vướng mắc trong thanh toán BHYT cho các trường hợp tai nạn giao thông do khó khăn trong việc xác định tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Vấn đề này chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan có liên quan giải quyết kịp thời, mặc dù đã được đề cập ngay sau khi triển khai Luật BHYT (từ 1-7-2009). Mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Y tế trong kỳ họp Quốc hội lần thứ bảy vừa qua, nhưng xem ra bài toán vẫn chưa có lời giải. Một vấn đề cũng rất đáng được quan tâm là đến nay gần hết năm 2010 nhưng nhiều bệnh viện chưa được thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh năm 2009, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh viện nợ tiền thuốc của các công ty dược.

Nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về BHYT, nhất là bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành tập trung, toàn diện về chất lượng dịch vụ y tế và quản lý quỹ BHYT, tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu, mới đây Bộ Y tế có kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thay đổi mô hình tổ chức BHYT, tập trung đầu mối quản lý nhà nước về BHYT (trong đó có quỹ BHYT). Thành lập Hội đồng quản lý BHYT và giao Bộ trưởng Y tế là Chủ tịch Hội đồng quản lý BHYT. Thực tế, với mô hình tổ chức hệ thống BHYT như hiện nay (không chuyên nghiệp, phân tán, chồng chéo), là nguyên nhân của những vướng mắc và hạn chế trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHYT trong thời gian vừa qua. Theo quy định của Luật BHYT, Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng và trình Chính phủ các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, việc thực hiện có nhiều khó khăn vì Bộ Y tế được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHYT nhưng không chỉ đạo, quản lý trực tiếp hệ thống tổ chức thực hiện, không quản lý kinh phí, không có đủ thông tin, số liệu để tổng hợp, phân tích, đánh giá. Các vướng mắc tại các địa phương không được giải quyết kịp thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHYT ở địa phương, nhưng hạn chế trong việc điều hành cơ quan BHXH tỉnh trong việc thu phí, phát hành thẻ, thanh toán chi phí KCB BHYT do cơ quan BHXH tỉnh chỉ đạo hoạt động theo ngành dọc.

(Theo Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất