Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 5/12/2008 19:51'(GMT+7)

Thu phí bản quyền tác phẩm photocopy: Vô lý và bất khả thi

Đối tượng thu phí phô tô tài liệu

Đối tượng thu phí phô tô tài liệu

Học sinh, sinh viên là đối tượng chính

Thực ra, việc thu phí bản quyền các tác phẩm photocopy không phải là điều gì mới lạ. Trong âm nhạc, các tác phẩm truyền qua mạng, qua các hình thức khác như karaoke, biểu diễn phòng trà… đã thực hiện thu phí từ lâu. Với sách, để chép trái phép tác phẩm, chỉ cần máy photocopy, máy scan hoặc các thiết bị sao chụp điện tử khác là làm được ngay.

Hiện tượng này đã xảy ra khá nhiều và từng bị xử lý, điển hình là việc Sở Thông tin-Truyền thông TPHCM vừa ra quyết định xử phạt một trung tâm ngoại ngữ tại TPHCM về việc sao chụp trái quy định các cuốn sách dạy ngoại ngữ có bản quyền. Hàng chục trung tâm khác cũng bị phát hiện sao chép sách không xin phép chủ sở hữu.

Đối tượng chính của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam lần này là các tiệm photocopy, cửa hàng in ấn… và điều đáng chú ý nhất là trung tâm dự kiến tập trung thu phí những người thường xuyên photocopy tác phẩm văn học như học sinh, sinh viên. Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học, cho rằng, việc photocopy sách sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu tác phẩm, nên việc thu phí bản quyền trên các bản sao chụp là cần thiết.

Khi Công ước Berne chuẩn bị áp dụng tại Việt Nam, nhiều chuyên gia vê luật bản quyền thế giới đã nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của Công ước Berne là mọi việc phải đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu, tác giả. Việc photocopy tác phẩm có bản quyền để phát không cho học viên cũng vi phạm bản quyền vì làm ảnh hưởng đến mức tiêu thụ của sản phẩm có bản quyền.

Thế nhưng, các chuyên gia quốc tế cũng cho biết thêm, trên thế giới ít khi nào người ta quan tâm đến chuyện đó vì hỗ trợ giáo dục có thể được thông cảm. Các chủ sở hữu chỉ đề nghị nên mua sách có bản quyền nhằm giúp học sinh học tốt hơn và bất đắc dĩ mới phải dùng bản photocopy.

Hoàng Tuấn Anh, sinh viên năm 1 Trường ĐH Sư phạm TPHCM, khẳng định: “Sinh viên bây giờ chẳng ai đi photocopy hay in sách văn học cả, chỉ photocopy sách tham khảo do không tìm được sách mới, tài liệu chuyên môn… Sách văn học nếu photocopy hay in chỉ có những tác phẩm ngày xưa, giờ không ai bán. Sách văn học mà photocopy thì giá gần bằng sách bán giảm giá rồi, in vi tính thì còn đắt hơn”.

Thu phí: bất khả thi

Không thể xác định số sinh viên, học sinh hay tiệm photocopy vi phạm. Chính vì thế, trung tâm đành đề ra một dạng thu phí kỳ lạ: thu phí trên số máy! Theo bà Lam Luyến, các chủ cửa hàng photocopy sẽ phải trả một khoản phí bản quyền khi mua máy photocopy, máy in.

Điều này bất hợp lý vì không thể khẳng định rằng cứ mua máy là chắc chắn sẽ sao chụp tác phẩm có bản quyền. Chưa kể điều này có thể gây ra một tai hại khác là việc đóng phí xem như đã hợp pháp hóa việc in ấn, sao chép sách có bản quyền! Việc thu phí như vậy sẽ vô tình tiếp tay cho in lậu được hợp pháp tung hoành?

Với học sinh - sinh viên tình hình càng tệ hơn, cũng theo bà Lam Luyến, mỗi học sinh, sinh viên có thể sẽ phải đóng phí bản quyền 10.000-20.000 đồng/năm. Với hàng triệu sinh viên - học sinh trên cả nước, số tiền này không nhỏ, nhưng để hỗ trợ các nhà văn tái tạo sức lao động lại rất khó xác định. Số tiền thu được sẽ không thể phân chia một cách hợp lý cho các nhà văn và đương nhiên sẽ khó lòng đóng góp cho việc phát triển văn học nước nhà.

Bảo vệ bản quyền văn học là việc làm đúng đắn và cần thiết nhưng bảo vệ kiểu này thật lạ lùng và khó hiểu...

Theo điều tra riêng của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, mỗi năm học sinh tiểu học photocopy khoảng 200-250 trang, trung học 400-500, đại học 1.000-1.500. Thế nhưng trung tâm lại không thể khẳng định bao nhiêu trong đó là photocopy từ sách có bản quyền.

Theo SGGPĐT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất