PV: Xin ông cho biết lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định mới về đào tạo liên thông?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Để thực hiện Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo, điều chỉnh 36 văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Các văn bản cũ đã được rà soát lại để sửa đổi những quy định không còn phù hợp với Luật mới, trong đó có quy chế đào tạo liên thông.
Trong thời gian qua, chúng ta thực hiện đào tạo liên thông theo Quyết định 06/2008/QĐ-BGDĐT. Trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy có những vấn đề bất cập cần phải được chấn chỉnh. Do đó, Bộ ban hành Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT nhằm thực hiện Luật Giáo dục Đại học, đồng thời đảm bảo chất lượng đào tạo và quyền lợi người học.
Cụ thể là, Luật Giáo dục 2005 và Luật Giáo dục sửa đổi 2009 quy định người học được công nhận những kết quả học tập trước để rút ngắn thời gian học tập ở bậc cao hơn hay chuyển sang học ngành khác. Quyết định 06 cụ thể hóa quy định này với tên gọi là đào tạo liên thông.
Trong thời gian thí điểm vừa qua do quy chế chưa cụ thể khiến xã hội hiểu nhầm đào tạo liên thông là một hệ đào tạo mới với chương trình riêng, tuyển sinh riêng, đánh giá chất lượng riêng…
Điều này đã dẫn đến hệ lụy là chất lượng đào tạo không đảm bảo, người sử dụng lao động từ chối tuyển dụng, gây thiệt thòi quyền lợi cho người học.
Giáo dục đại học chỉ có hệ chính quy và thường xuyên
PV: Vậy bản chất việc đào tạo liên thông là như thế nào trong giáo dục đại học hiện nay thưa ông?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Luật Giáo dục Đại học mới đây khẳng định giáo dục đại học chỉ có hai hệ là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
Đào tạo liên thông chỉ là cách tổ chức đào tạo, trong đó thừa nhận kết quả học tập đã có của người học ở bậc đào tạo trước đó khi tham gia học tập ở bậc cao hơn, nhằm giảm thời gian học tập, chứ không phải là hệ đào tạo mới.
Do đó đào tạo liên thông phải tuân thủ theo quy định hoặc của hệ chính quy, hoặc của hệ thường xuyên, chứ không có quy định riêng.
Nói cụ thể hơn, người học nếu trúng tuyển vào học liên thông thì cùng học theo một chương trình, cùng theo một thước đo chất lượng như những sinh viên khác.
Lợi thế của người học liên thông là thời gian đào tạo được rút ngắn theo quy định của Luật Giáo dục do được được công nhận những kiến thức đã học ở các cấp đào tạo trước đó.
Thí sinh có nguyện vọng học liên thông được tạo thuận lợi
PV: Tuy nhiên, hiện nay dư luận vẫn rất băn khoăn về hình thức tuyển sinh liên thông theo quy định mới. Ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Như tôi vừa nói, giáo dục đại học chỉ có 2 hệ đó là hệ chính quy và hệ thường xuyên. Giáo dục thường xuyên có thể được tổ chức theo phương thức vừa làm vừa học hay từ xa. Để được tham gia học tập, người học phải thỏa mãn các điều kiện đầu vào. Theo quy định hiện hành, người học phải tham gia kỳ thi tuyển sinh dành cho hệ chính quy hay kỳ thi dành cho hệ vừa làm vừa học.
Thông tư mới không hề gây khó khăn đối với thí sinh có nguyện vọng học liên thông lên bậc học cao hơn, mà ngược lại còn tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh thể hiện năng lực của mình, tùy theo thế mạnh của từng người.
Theo đó, người học có thể thể hiện năng lực bằng 1 trong 2 cách: hoặc bằng kiến thức cơ bản hoặc bằng kiến thức chuyên môn. Nếu muốn thể hiện năng lực kiến thức cơ bản thì có thể dự thi ngay sau khi tốt nghiệp. Nếu muốn thể hiện năng lực chuyên môn thì thí sinh phải có thời gian hoạt động nghề nghiệp đủ lớn để tích lũy kinh nghiệm.
Thông tư quy định rõ đối với thí sinh có bằng chưa đủ 36 tháng, muốn thi liên thông thì đăng ký thi chung với thí sinh tham dự kỳ thi đại học, cao đẳng hằng năm do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức, theo khối thi tương ứng với ngành mình định học liên thông. Các trường căn cứ kết quả thi của thí sinh để tuyển chứ không tổ chức thi riêng. Đối với những thí sinh đã có bằng sau thời gian trên thì tham gia kỳ thi tuyển sinh liên thông do trường tổ chức.
Khi trúng tuyển, sinh viên liên thông học chung chương trình với các sinh viên khác ở những năm cuối nên kiến thức tích lũy được ở đầu vào phải đạt ở một mức nhất định thì mới có thể học tiếp được.
Không có hệ đào tạo cấp bằng chính quy cho người vừa làm vừa học
PV: Những người đã đi làm có thể tham gia học liên thông chính quy không, thưa ông?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Luật Giáo dục Đại học quy định: hệ chính quy phải được đào tạo tập trung toàn thời gian tại cơ sở đào tạo, vì vậy người học không thể vừa đi làm, vừa đi học được. Người theo học liên thông hệ chính quy cũng tuân thủ quy định này.
Nhiều người hiểu nhầm liên thông là một hệ đào tạo mới, lẫn lộn giữa hệ chính quy và hệ thường xuyên, dẫn đến tình trạng cấp bằng chính qui cho đối tượng đào tạo vừa làm vừa học. Theo quy định của pháp luật hiện hành, không có hệ đào tạo nào như vậy.
Nhà nước tạo cơ hội cho mọi người dân có thể học tập suốt đời. Tùy theo hoàn cảnh của mình mà chọn hình thức học tập phù hợp, hoặc là chính quy, hoặc là thường xuyên.
Chấn chỉnh bất cập của đào tạo liên thông không thể chậm chễ hơn
PV:Có ý kiến cho rằng việc thực hiện quy chế đào tạo liên thông mới cần có lộ trình, xin ông cho biết ý kiến về đề xuất này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Những quy định nào không còn phù hợp với Luật thì phải được sửa đổi. Bộ đã nhận thấy sự bất cập của đào tạo liên thông và việc ban hành quy chế mới về vấn đề này đã được ưu tiên đặt ra từ rất sớm, đồng thời với thời gian soạn thảo Luật Giáo dục Đại học.
Dự thảo quy chế đào tạo liên thông mới đã được đưa ra bàn bạc với các cơ sở giáo dục đại học từ hơn một năm qua và tham khảo ý kiến rộng rãi trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã hội cũng ủng hộ những quy định mới nhằm chấn chỉnh lại việc tổ chức đào tạo liên thông.
Việc ban hành thông tư mới quy định về đào tạo liên thông là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn, để chấn chỉnh những bất cập hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo quyền lợi người học.
PV: Vậy ông có lời khuyên nào dành cho thí sinh muốn học liên thông?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Liên thông không phải là hình thức tổ chức đào tạo 2 giai đoạn như thời kỳ trước đây khi có các trường đại học đại cương.
Các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, các trường nghề không phải là các cơ sở đào tạo để chuẩn bị đầu vào cho đại học. Các trường này có sứ mệnh riêng của nó là đào tạo lực lượng kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật lành nghề…, lực lượng lao động đông đảo đóng vai trò rất quan trọng trong mọi nền kinh tế.
Thông tư tổ chức đào tạo liên thông mới khuyến khích các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng hay các hệ nghề, tìm việc làm phù hợp. Khi có công việc ổn định, các bạn có thể thi vào học hệ đào tạo thường xuyên liên thông, một mặt nâng cao kiến thức và mặt khác duy trì được công việc đang làm.
Nếu không chọn con đường liên thông vừa học vừa làm thì sau 3 năm tích lũy kinh nghiệm các bạn có thể thi liên thông chính quy với kiến thức chuyên môn mình đã có. Trong trường hợp này các bạn phải rời bỏ công việc mình đang làm vì học chính quy thì phải tập trung toàn bộ thời gian theo quy định.
Tuy nhiên thông tư cũng tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho các bạn trẻ có kiến thức cơ bản vững vàng, quyết tâm học xong đại học rồi mới tìm việc làm. Trong trường hợp này các bạn có thể tham gia dự thi liên thông ngay năm vừa tốt nghiệp hay những năm sau đó không phân biệt bằng tốt nghiệp loại khá giỏi hay trung bình. Nếu trúng tuyển, thời gian học tập sẽ được rút ngắn đáng kể theo qui định của Luật Giáo dục. Khi tốt nghiệp các bạn sẽ được nhà trường cấp bằng chính qui với bảng điểm đầy đủ các môn học (bao gồm cả những môn đã học ở bậc học trước) để đảm bảo quyền lợi, tránh việc phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng hay học tập lên các bậc cao hơn về sau.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(Theo: Trần Mạnh/VGP)