Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là nước đang phát triển đầy tiềm năng, có thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu dân số vàng.
Lực lượng lao động dồi dào
Đó là thông tin tại "Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025" do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIV.
Trong phần kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 – 2020, Thủ tướng đã nhấn mạnh, phát triển văn hoá, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng, tăng hơn 1,3 lần so với năm 2015, chiếm gần 33% lực lượng lao động vào năm 2020. Hệ thống y tế dự phòng và mạng lưới y tế cơ sở được củng cố; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong khám, chữa bệnh và quản lý y tế; triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.200 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 76,5% năm 2015 lên 90,7% năm 2020.
Đặc biệt, tại phần phương hướng nhiệm vụ phát triển năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng cũng tự hào trước sự vững mạnh của đất nước: "Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của ta đã lớn mạnh hơn nhiều; kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng lên; tình hình chính trị - xã hội ổn định; vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên".
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Nằm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năng động với vị trí chiến lược quan trọng, Việt Nam được đánh giá là nước đang phát triển đầy tiềm năng, có thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu dân số vàng; có không gian phát triển rộng mở với 13 hiệp định thương mại tự do đã ký kết".
Nhưng cũng nhiều thách thức
Dựa trên tình hình thực tế hiện nay của Việt Nam, nhiều ĐBQH cũng quan tâm đến vấn đề tốc độ già hóa dân số nhanh đã ảnh hưởng đến nhiều vấn đề trong xã hội, trong đó có mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Nêu ý kiến về vấn đề khám, chữa bệnh ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP Hà Nội) – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói: "Việt Nam chúng ta đã chuyển tiếp thành công từ mô hình kinh tế tập trung sang một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa năng động, hội nhập và kết nối với nền kinh tế toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới năm 2018, khoảng 70% dân số Việt Nam được xếp vào nhóm an toàn về kinh tế, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu. Việt Nam đã đạt được những thành quả rõ rệt về sức khỏe, đặc biệt là nâng cao tuổi thọ của người dân".
Chăm sóc sức khỏe ban đầu phải được xem là giải pháp và mục tiêu hàng đầu của ngành y tế trong nhiều năm tới, nhằm nâng cao chất lượng dân số, tăng tuổi thọ người dân, gắn liền với thời gian sống mạnh khỏe cao, cải thiện thể lực, chiều cao của thế hệ trẻ. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên ông Nguyễn Quang Tuấn cũng nêu ra những khó khăn, thách thức: "Những thay đổi về nhân khẩu học, dịch tễ học và xã hội đặt ra những thách thức, đổi mới đối với ngành Y tế. Việt Nam hiện tại là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, với nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên, dự kiến sẽ tăng 2,5 lần vào năm 2050. Điều này khiến gánh nặng bệnh tật cho bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam tăng mạnh, từ 46% tổng gánh nặng bệnh tật vào năm 1990 lên tới 74% vào năm 2017. Nhu cầu về nguồn lực để sàng lọc điều trị ung thư và các bệnh tim mạch cùng với các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường cũng tăng lên".
Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐBQH Phan Ngọc Thọ (đoàn Thừa Thiên – Huế) cho rằng, việc cải thiện và nâng cao chất lượng thể chất, sức khỏe của người dân là nhiệm vụ chiến lược quốc gia quan trọng, hướng tới một quốc gia hùng cường. Đặc biệt chăm sóc sức khỏe ban đầu phải được xem là giải pháp và mục tiêu hàng đầu của ngành y tế trong nhiều năm tới, nhằm nâng cao chất lượng dân số, tăng tuổi thọ người dân, gắn liền với thời gian sống mạnh khỏe cao, cải thiện thể lực, chiều cao của thế hệ trẻ.
Tại Nghị trường, ĐBQH Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam) cũng nêu lên thực trạng, Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, theo dự báo đến năm 2035 là khoảng 20%, đến năm 2050 là khoảng 25%.
Hiện công tác chăm sóc người cao tuổi cũng đã rất được chú trọng thông qua nhiều hoạt động, mô hình cũng như chính sách của Đảng, Nhà nước. Đại biểu Trần Tất Thế cũng dẫn chứng: "Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi tham gia đóng bảo hiểm y tế khoảng 95% trên tổng số người cao tuổi. Điều này minh chứng rằng, Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến chế độ, chính sách đối với người cao tuổi"./.
Theo giadinh.net.vn