Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Ba, 1/12/2020 16:5'(GMT+7)

Việt Nam có cơ hội và cần quyết tâm hành động để chấm dứt cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ phát biểu tại Hội nghị

Sáng ngày 01/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS và mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12. Tới dự có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

THÀNH TỰU ẤN TƯỢNG SAU 30 NĂM NỖ LỰC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí đó là: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Nếu thời điểm cách đây 13 năm, khi đó mỗi năm chúng ta phát hiện được khoảng hơn 30.000 trường hợp nhiễm HIV thì hiện nay chỉ có khoảng 10.000 trường hợp. Cũng những năm đó mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS thì vài ba năm trở lại đây mỗi năm chỉ có khoảng 2.000 trưởng hợp tử vong. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3% và theo ước tính của các chuyên gia, chỉ tính riêng trong vòng 15 năm qua chúng ta đã tránh cho được khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV và cứu được khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS. Đây là những con số rất ấn tượng và được Cơ quan cđiều phối của Liên hợp quốc về phòng chống AIDS (UNAIDS) đánh giá Việt Nam là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức và Thụy sỹ có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới.

Báo cáo của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sớm được ban hành, cập nhật, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai hiệu quả công tác này. Tổ chức mạng lưới phòng, chống AIDS phát triển, thay đổi phù hợp và đáp ứng tốt các nhiệm vụ theo từng thời kỳ. Hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV ngày càng đa dạng và hiệu quả. Cùng với việc tiếp tục triển khai cung cấp bơm kim tiêm miễn phí tại 52 tỉnh, phát bao cao su miễn phí tại 55 tỉnh, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở 63 tỉnh/thành phố cho hơn 52.000 bệnh nhân, ba năm gần đây, cả nước đã triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho hơn 13.000 người. Đến nay, công tác tư vấn xét nghiệm HIV được triển khai đa dạng, bảo đảm tính sẵn có và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Hiện cả nước có hơn 1.200 phòng xét nghiệm sàng lọc, bao phủ 100% tuyến huyện.

Điều trị ARV ngày càng được mở rộng, đạt chất lượng hàng đầu thế giới. Số lượng bệnh nhân được điều trị tăng nhanh qua các năm. Đến hết tháng 9/2020, cả nước đang điều trị cho 150.984 bệnh nhân HIV tại 446 cơ sở điều trị và 652 cơ sở cấp phát thuốc. Nhiều mô hình điều trị đã được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả điều trị như: mô hình kết hợp vừa điều trị thuốc kháng HIV vừa điều trị MMT; điều trị phối hợp Lao/HIV; xét nghiệm và điều trị; cung cấp các can thiệp dự phòng tại cơ sở điều trị HIV; mô hình Treatment 2.0; điều trị nhanh, điều trị trong ngày và cấp phát thuốc nhiều tháng; mô hình điều trị cho cặp bạn tình dị nhiễm. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở trẻ được điều trị dự phòng bằng ARV liên tục giảm từ năm 2012 đến nay, trong 4 năm gần đây đều dưới mức 2,5%. Số người nhiễm HIV, mắc AIDS, tử vong liên quan đến AIDS giảm 2/3 trong 15 năm qua.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và Bộ Y tế . Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã biểu dương các địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã nỗ lực, đóng góp nhiều công sức vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Phó Thủ tướng đánh giá cao và hoan nghênh sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết và sự tận tụy, hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng và người dân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời cũng biểu dương vai trò và sự nỗ lực của Bộ Y tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS trong suốt chặng đường vừa qua, đã góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và ứng phó hiệu quả với dịch HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đại dịch HIV/AIDS xuất hiện trên thế giới cách đây gần 40 năm và lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam cách đây gần 30 năm. 30 năm qua, Đảng và Nhà nước quan tâm, coi trọng công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Hôm nay, nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12 và 20 năm Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm của Chính phủ được thành lập. Nhìn lại công cuộc phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới, chúng ta thấy rằng các quốc gia đã cùng nhau ứng phó có hiệu quả với đại dịch này. Rất nhiều tiến bộ khoa học trong phòng, chống HIV/AIDS đã được phát minh, rất nhiều sáng kiến và mô hình tốt đã được triển khai và nhân rộng và kết quả là đã có hàng trăm triệu người trên thế giới tránh khỏi lây nhiễm HIV. Hàng chục triệu người trên thế giới đã tránh khỏi tử vong do HIV/AIDS.

CÒN NHIỀU THÁCH THỨC PHẢI VƯỢT QUA ĐỂ ĐẠT TỚI MỤC TIÊU CHẤM DỨT ĐẠI DỊCH VÀO NĂM 2030

Tuy nhiên, sau gần 40 năm thế giới ứng phó, đại dịch HIV/AIDS vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Dịch HIV/AIDS vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống của các quốc gia, dân tộc. Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2020, thế giới hiện có 38 triệu người nhiễm HIV đang sống chung với HIV và khoảng hơn 35 triệu người đã tử vong vì AIDS. Mỗi ngày qua đi thế giới có khoảng 5.000 người nhiễm mới HIV và mỗi năm thế giới lại có khoảng 1,7 triệu người nhiễm mới và khoảng 700 ngàn người tử vong do AIDS.

Mặc dù nhiều kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian tới cũng còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức:

Một là, dịch HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm nước ta vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; khoảng 2.000 người tử vong. Vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục tiếp tục tăng, nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), dẫn đến việc kiểm soát dịch HIV càng trở nên khó khăn hơn (tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng từ 2,3% năm 2012 lên 12,7% năm 2019, một số địa phương năm 2020 báo cáo phát hiện được 100 người nhiễm HIV thì có 30 tới 40 người nhiễm MSM thậm chí có tỉnh báo cáo tới 60% người nhiễm HIV mới được phát hiện là nam quan hệ tình dục đồng giới. Hiện số MSM cả nước ước tính có khoảng 200.000 người). Mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS khi còn 1.000 trường hợp nhiễm HIV mới một năm. Như vậy phải giảm số nhiễm HIV được phát hiện giảm đi 10 lần vào năm 2030, đây là mục tiêu chắc chắn đầy tham vọng và thách thức.

Hai là, tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến, đó là rào cản cho những người nghi ngờ nhiễm HIV tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế như: dịch vụ xét nghiệm và người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ điều trị, tuân thủ điều trị. 

Ba là, một số các khó khăn khác như kinh phí, nhân lực...

Trước mắt cần đạt mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 tiến tới chấm dứt cơ bản được dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Để hướng tới một thế giới an toàn và thịnh vượng, mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, thời gian tới, Việt Nam phải tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát phòng chống và kiểm soát các đại dịch đang diễn ra../.


Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất