Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 1/12/2022 8:40'(GMT+7)

Thúc đẩy chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí của ngành Văn hóa hiện nay

Toàn cảnh Hội nghị - Hội thảo chuyển đối số của ngành VHTTDL sáng 26/10. Ảnh: BTC

Toàn cảnh Hội nghị - Hội thảo chuyển đối số của ngành VHTTDL sáng 26/10. Ảnh: BTC

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu 

Chuyển đổi số được coi là xu thế tất yếu của báo chí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hơn nữa, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, nên cần phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung của xã hội.

Trên thế giới, sự tiên phong và thành công trong việc thực hiện chuyển đổi số, đưa mô hình đưa tin truyền thống sang nhiều định dạng mới có thể kể đến New York Times, tờ báo hơn 170 năm tuổi ở Mỹ, và South China Morning Post, tờ báo gần 120 năm tuổi ở Trung Quốc. Đây cũng chính là hai minh chứng điển hình cho thấy việc các tòa soạn “cổ thụ” nhanh nhạy trong việc chuyển số, và không những giữ chân được độc giả cũ mà còn thu hút được nhiều độc giả mới trong bối cảnh bùng nổ thông tin, nhiều thách thức về mạng xã hội.

Ở Việt Nam, nhờ việc thích ứng và có những bước chuyển mình trong bối cảnh chuyển đổi số, không ít báo mạng điện tử như Vietnamplus, VnExpress, Lao động, Tuổi trẻ, Tổ quốc... đã nhanh chóng tạo được sức hút với bạn đọc, đồng thời cho thấy khả năng truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và và đa dạng. Nhiều sản phẩm báo chí ứng dụng chuyển đổi số tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, lôi cuốn và tạo cảm giác gần gũi với bạn đọc. Việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí cũng hỗ trợ rất nhiều cho các nhà báo, phóng viên, thuận lợi hơn trong việc thu thập thông tin, tiến hành phân tích dữ liệu, sản xuất nội dung...

Vào tháng 11/2021, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. 

Theo dự thảo chiến lược, một trong những mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 là 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu,...

Tóm lại, mục tiêu cơ bản của chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là phát triển hệ thống báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện và đa dịch vụ, đặc biệt đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và định hướng dư luận xã hội. Đồng thời phát triển các sản phẩm số báo chí, thay đổi về cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm của bạn đọc.

Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí đang là vấn đề thời sự và đang được rất nhiều các tòa soạn, cơ quan quan tâm. 

Tại Hội nghị diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề: “Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam: Xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời?” do Hội Nhà Báo Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 11/2022 tại Thanh Hóa, hầu hết các Tổng Biên tập tại các các cơ quan báo chí đều cho rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay. 

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định trong bối cảnh chuyển đổi số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ, các cơ quan báo chí không còn con đường nào khác là số hóa và chuyển đổi số. Nếu không muốn bị tụt hậu hay bị mất đi độc giả, khán thính giả, chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi.

Thế nhưng, nhiều cơ quan báo chí nêu quan điểm về vấn đề hạ tầng, kinh phí để đầu tư cho chuyển đổi số là rất lớn, trong khi phần lớn các cơ quan báo chí đều phải tự thân mà vận động. 

Việc thực hiện chuyển đổi số như thế nào, đặc biệt là với các cơ quan báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như báo Văn hóa, báo điện tử Tổ Quốc..., là thách thức không nhỏ.

Nhìn chung, các cơ quan báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều đã ứng dụng số hóa tương đối thành công ở một số mặt, chẳng hạn như ứng dụng phần mầm SMS vào quản trị quy trình sản xuất; thực hiện chuyển đổi số giúp các bài viết được đăng đăng tải theo các tiêu chí chất lượng; xây dựng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện như trong bài có các video, âm thanh, đồ họa...; thông tin trong bài viết được số hoá đảm bảo được tính khoa học, phù hợp tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí. 

Những vấn đề đặt ra

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), muốn thực hiện chuyển đổi số thì các cơ quan báo chí cần phải tiến hành thay đổi ngay từ quy trình cung cấp dịch vụ đến con người. Trong quá trình chuyển đổi số, điều quan trọng nhất không phải là thay đổi bộ máy hay quy trình, mà đó là cần sự thay đổi từ con người. Bởi nếu con người không chịu thay đổi thì việc chuyển đổi số sẽ không hiệu quả. 

Chuyển đổi số tạo ra nhiều thời cơ, nhưng đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thứ nhất, tác động của xu hướng phát triển của truyền thông hiện đại và sự thay đổi trong phương thức truyền thông. Trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí hiện nay, truyền thông đa phương tiện đã và đang trở thành xu thế phát triển tất yếu.  Do đó, các cơ quan báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải đổi mới trong cách nghĩ, cách làm; từ chủ trương, quan điểm lãnh đạo đến việc nâng cao nhận thức của đội ngũ những người làm truyền thông để xây dựng mô hình tổ chức, phương thức truyền thông và trong cả việc tổ chức sản xuất sản phẩm sao cho phù hợp nhất.

Thứ hai, chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đòi hỏi cần phải có đề án, chiến lược chuyển đổi số một cách độc lập, cụ thể và bài bản, được cập nhật thường xuyên theotừngnăm.

Thứ ba, việc số hóa nội dung trong thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí cần sự đa dạng và đồng bộ. Đó là cần gia tăng số lượng sản phẩm truyền thông đa phương tiện và chiếm tỷ lệ cao ở trong cơ cấu thông tin. Hơn nữa, việc sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện chỉ mới tập trung đối với các loại tin, bài trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và những hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ... Trong khi đó, thực tế từ khảo sát chỉ ra rằng nhu cầu về thông tin đa dạng được độc giả đặc biệt quan tâm. 

Thứ tư, một trong những thách thức mà các cơ quan báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải đối mặt hiện nay là sự thiếu tự chủ về mặt công nghệ. Theo đó, nhiều tòa soạn phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác, chẳng hạn như máy chủ, CMS, hệ thống lưu trữ đám mây... Trên thực tế, hiện này có rất ít cơ quan báo chí có thể tự phát triển được CMS, cũng như tự chủ được server, CMS, vấn đề bảo mật. Bởi những công nghệ này rất tốn kém về tiền bạc và cần phải có đội ngũ nhân sự chuyên trách có thể vận hành và quản lý.  

Thứ năm, để thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí thì con người đóng vai trò quan trọng. Phần lớn các phóng viên, nhà báo ban đầu được đào tạo tác nghiệp với các công cụ chủ yếu là máy quay, máy ghi âm, máy ảnh, quyển sổ và cây bút, nên việc phải thích nghi để trở thành một phóng viên, nhà báo công nghệ, tác nghiệp trên môi trường số với nhiều kỹ năng cùng một lúc được coi là một cản trở lớn. Thực tế những điều này không phải ai cũng có thể nhanh chóng thích nghi, trong khi vấn đề quyết định của chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí nói chung và tại các cơ quan báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn phải là con người. 

Giải pháp để chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí hiệu quả

Để thực hiện tốt và hiệu quả hoạt động chuyển đổi số, đồng thời biến thách thức trở thành cơ hội, các cơ quan báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải tiến hành bám sát các nội dung định hướng tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí” của Bộ TT&TT, với 3 nền tảng là quản lý tòa soạn điện tử, phân tích thông tin, dữ liệu trên mạng xã hội, hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp.

Ngoài ra, để góp phần chuyển đổi số hiệu quả, các cơ quan báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau.

Thứ nhất, các cơ quan báo chí cần đầu tư, bổ sung thêm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và đồng bộ. Ngoài ra, song song với việc này cần phải đầu tư cho con người. Bởi con người làm nên nội dung tác phẩm trên nền tảng công nghệ hiện đại. Theo đó, khi đầu tư, bổ sung các trang thiết bị xong, các cơ quan báo chí cần có các buổi trao đổi, hướng dẫn cụ thể về cách thao tác, vận hành những thiết bị này. 

Thứ hai, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ và phóng viên, biên tập viên về vai trò, thế mạnh của chuyển đổi số. Bởi chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí không chỉ đơn giản là đầu tư thiết bị công nghệ mà còn cần phải thay đổi tư duy và tập trung vào việc làm tốt nội dung. Nói như ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, “chuyển đổi số không phải là công nghệ mà là tư duy”. Vì vậy, không thể có chuyển đổi số khi không có tư duy số. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà trước hết là Ban Biên tập phải có sự đổi mới mạnh mẽ hơn, năng động hơn nữa nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Thực tế nếu không có nội dung tốt thì không có độc giả. Tuy nhiên, muốn làm nội dung cho tốt thì yếu tố quyết định cốt lõi lại là con người. Vì vậy, trước tiên, các cơ quan báo chí cần có sự thay đổi trong suy nghĩ cũng như cách làm của những người làm báo, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan báo chí.

Thứ ba, cần xây dựng đội ngũ nhân sự tại các cơ quan báo chí của Bộ thành những nhà báo đa phương tiện năng động, chuyên nghiệp. Việc tác nghiệp trong môi trường số đòi hỏi nhà báo, phóng viên cần có nhiều kỹ năng và tốc độ hơn, đồng thời cần có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức nghề nghiệp. Điều này rất quan trọng, vì nguồn nhân lực chính là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo cho quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công và hiệu quả tại các cơ quan báo chí.

Thứ tư, các cơ quan báo chí của Bộ cần thường xuyên học tập kinh nghiệm, nghiên cứu, tham khảo những mô hình tòa soạn hội tụ tiên tiến để có chọn lọc ứng dụng vào thực tiễn.

Thứ năm, các cơ quan báo chí trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng cần khảo sát thường xuyên về nhu cầu của độc giả. Để có thể hiểu độc giả hơn, những người làm báo cần tự hỏi liệu có bao nhiêu độc giả thỏa mãn với các tin tức mà chúng ta đăng tải, hoặc liệu họ có đủ kiên nhẫn để đọc hết bài báo hay không?

Thứ sáu, nhìn chung mỗi cơ quan báo chí nói chung và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng cần phải có đề án, chiến lược chuyển đổi số bài bản, khoa học, “liệu cơm gắp mắm” để phù hợp với nhu cầu phát triển tự thân. Không thể cầu toàn, cứ ngồi chờ có tiền rồi mới bắt tay xây dựng chuyển đổi số thì chẳng bao giờ làm được. Đương nhiên, việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí cũng cần có sự hài hòa giữa nội dung và sản phẩm, giữa công nghệ và dữ liệu.

Nguyễn Thị Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất