Thứ Sáu, 4/10/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Ba, 10/9/2019 8:42'(GMT+7)

Thực hiện Di chúc của Bác gắn với trách nhiệm nêu gương

Hội nghị Trung ương 8 khóa XII nêu rõ 8 nội dung cơ bản mà cán bộ, đảng viên cao cấp phải gương mẫu đi đầu thực hiện, đồng thời đề ra 8 vấn đề cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XII nêu rõ 8 nội dung cơ bản mà cán bộ, đảng viên cao cấp phải gương mẫu đi đầu thực hiện, đồng thời đề ra 8 vấn đề cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.

Tiên phong nghĩa là đi trước, đi đầu, lãnh đạo là dẫn đường, là hướng dẫn. Làm được điều đó, Đảng phải có lý luận tiên phong, có nền tảng tư tưởng dẫn dắt, có Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn, có hệ thống tổ chức đảng vững mạnh với kỷ luật chặt chẽ và nguyên tắc tổ chức, hoạt động khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên và gương mẫu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc câu: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Người coi đó là lời khen chân thành của nhân dân, cũng là trách nhiệm lớn lao của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải đề cao tinh thần phụ trách, phụ trách trước công việc, phụ trách trước nhân dân. Không có tinh thần phụ trách thì không phải là người lãnh đạo, lãnh đạo luôn luôn gắn liền với trách nhiệm.

Trong Di chúc, phần viết về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng cầm quyền, trách nhiệm đó phải được mọi cán bộ, đảng viên nhận thức và thực hành đúng. “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(1). Đó là yêu cầu rất căn bản và quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời cũng là trách nhiệm và nội dung nêu gương. Sự nêu gương từ trách nhiệm cao, với các từ mà Người nhấn mạnh: thật sự, thật nghĩa là thực chất chứ không hình thức. Gương mẫu, nêu gương thuộc về bản chất, phẩm chất, hành động tự thân của người cộng sản.

Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được Hồ Chí Minh nêu rõ trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(2).

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người gánh vác trọng trách của Đảng, Nhà nước, đã đi đầu với trách nhiệm cao trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Nhờ vậy, đã hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của Tổ quốc ở biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc, hoàn thành vẻ vang nghĩa vụ quốc tế cao cả, trong sáng với cách mạng Campuchia; đổi mới tư duy lý luận, quyết định đường lối đổi mới và lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên”(3).

Trong công cuộc đổi mới, những đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên là rất rõ ràng, cần khẳng định rõ. Nhưng với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng đã nêu rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không giữ được tính tiên phong, gương mẫu. Tình trạng đó có nguyên nhân khách quan từ tác động của khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ mặt trái của kinh tế thị trường; những khó khăn, thách thức của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa với nhiều vấn đề mới phức tạp; sự chống phá của các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”. Đảng thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan “trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”(4).

Rõ ràng là những cán bộ, đảng viên suy thoái đó đã không làm đúng những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trong Di chúc. Để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong Đảng, Trung ương Đảng đã đề ra các giải pháp đồng bộ về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Trước yêu cầu của thực tiễn, ngày 7-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 101-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Ngày 19-12-2016, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐi/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của cán bộ, đảng viên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tại Hội nghị lần thứ tám, đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quy định nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”(5).

Hiện nay, nêu gương về đạo đức, lối sống là góp phần rất quan trọng đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chống tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác để “giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như Hồ Chí Minh đã đặt ra.

Quy định của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII nêu rõ 8 nội dung cơ bản cán bộ, đảng viên cao cấp phải gương mẫu đi đầu thực hiện, đồng thời đề ra 8 vấn đề cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống. Làm tốt những nội dung cần thực hiện bảo đảm đẩy lùi được những vấn đề phải kiên quyết chống. Những vấn đề phải kiên quyết chống được thực hiện có hiệu quả sẽ hoàn thiện những việc làm tích cực và nêu cao trách nhiệm nêu gương.

Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn liền với thực hiện tốt nhất Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trên cơ sở nhận thức rõ hơn và thực hiện tốt Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh trước những yêu cầu mới.

Một là, nêu gương về trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam; kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng.

Mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng là con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, gắn liền tất yếu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua đã kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. Cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ cao cấp càng phải nêu gương trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

Trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân trên cơ sở nắm vững quan điểm đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Quan điểm đó được quán triệt sâu sắc trong lãnh đạo tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh, ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Người từng nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”(6). Trong Di chúc, Người mong muốn xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay nêu gương nghĩa là phấn đấu hết sức mình theo những khát vọng cao cả đó.

Hai là, nêu gương về sẵn sàng và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được phân công, tâm huyết, tận tụy với công việc; thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả.

Hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ là thước đo trình độ, năng lực làm việc và phương pháp lãnh đạo, thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Sự nêu gương đó có sức thuyết phục, tính lan tỏa và uy tín của người lãnh đạo đối với đồng chí trong Đảng và với nhân dân. Hồ Chí Minh là mẫu mực thực hiện chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao cho. Người ý thức về nhiệm vụ được giao “Vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các đồng chí trong Đảng, làm cách mạng thì phải “Dĩ công vi thượng” nghĩa là đặt công việc cách mạng lên trên hết, trước hết. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh căn dặn mọi cán bộ, đảng viên “ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.

Cán bộ, đảng viên nắm giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý tức là thực hiện nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp cách mạng, quyết định đến sự phát triển của đất nước và cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy, nêu gương hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên bảo đảm cho đất nước, sự nghiệp cách mạng phát huy tốt nhất những cơ hội của sự phát triển và vượt qua được mọi khó khăn, thách thức, bồi đắp lập trường tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh và sự sáng tạo để nhiệm vụ ngày càng được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.

Ba là, nêu gương về đạo đức, lối sống, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, lãng phí; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt.

Đây là điều rất quan trọng được Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc khi nói về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và vai trò của Đảng cầm quyền. “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”. Nêu gương về đạo đức cách mạng của cán bộ lãnh đạo, quản lý có ảnh hưởng rất to lớn không chỉ trong Đảng mà đối với nhân dân và toàn xã hội. Đây cũng là điều có ý nghĩa sâu sắc trong xây dựng Đảng về đạo đức đã được Đại hội XII của Đảng đề ra, góp phần định hình những giá trị chuẩn mực đạo đức trong Đảng để mọi cán bộ, đảng viên phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện.

Nêu gương về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao có ý nghĩa giáo dục sâu sắc - giáo dục từ những tấm gương thực tế có tính thuyết phục cao hơn nhiều so với những lời nói về đạo đức. Hồ Chí Minh là tấm hương sáng ngời về đạo đức, nhân cách có sức lan tỏa, cảm hóa đặc biệt.

Làm theo Di chúc của Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương của Người, các thế hệ cán bộ, đảng viên, các thế hệ lãnh đạo đã ra sức tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam - “Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã khẳng định. Thực hiện được điều đó và thật sự nêu gương sáng về đạo đức đòi hỏi sự tự rèn luyện, tu dưỡng rất cao, như Hồ Chí Minh tự xác định: “Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Bốn là, nêu gương về tự phê bình và phê bình, dũng cảm, chân thành nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa.

Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc, một quy luật xây dựng và phát triển của Đảng, bảo đảm cho sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tự phê bình và phê bình là để thấy rõ ưu điểm để phát huy và nhận biết khuyết điểm, hạn chế, yếu kém để tìm nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục, sửa chữa. Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong Di chúc, trong Đảng phải “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê hình và phê bình”, phải có thái độ đúng đắn, xây dựng, vì đồng chí và sự tiến bộ chung của Đảng, phải có lý, có tình; “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII đã tiến hành tự phê bình và phê bình từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở và có sự chuyển biến tích cực trong xây dựng Đảng và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Trung ương đã thẳng thắn nhìn nhận: “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi còn mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”(8).

Từ yêu cầu bức thiết phải thực hiện tự phê bình và phê bình theo đúng yêu cầu đề ra, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã đặt thành nội dung phải đề cao trách nhiệm nêu gương: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”(9).

Nhận rõ khuyết điểm và trách nhiệm là rất quan trọng và cũng thể hiện bản lĩnh của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhưng điều quan trọng hơn là quyết tâm mang lại những kết quả tích cực. Sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, giữa lời nói và việc làm, rèn luyện ý chí và bản lĩnh chính trị bảo đảm sự nêu gương trong tự phê bình và phê bình thúc đẩy mọi việc phát triển vững chắc, lành mạnh, đẩy lùi mọi tiêu cực để “cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”(10)./.

____________________________

(1), (2), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.15, tr.622, tr.616, tr.674.

(3), (4), (5), (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.20; tr.24-25; tr.120; tr.22.

(7) Sđd, t.4, tr. 187.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2018, tr.122.

(10) Sđd, t.5, tr.306.

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc

_____________________________

(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 8/2019)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất