Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 5/2/2013 12:50'(GMT+7)

Thực hiện quy trình lập hiến chặt chẽ và nghiêm minh

Hiện nay, qua nhiều kênh khác nhau, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực đóng góp các ý kiến tâm huyết của mình vào bản dự thảo Hiến pháp mới. Đây thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, bảo đảm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bản dự thảo Hiến pháp được công bố lấy ý kiến nhân dân đã được chuẩn bị công phu theo đúng quy trình lập hiến chặt chẽ và nghiêm minh. Vậy mà trên một số trang mạng internet gần đây xuất hiện những ý kiến phê phán bản Dự thảo nói trên, đưa ra những lập luận sao chép từ các bản hiến pháp của các nước tư bản, không phù hợp với thực tiễn nước ta…

Trên thế giới không có bản hiến pháp nào có thể coi là khuôn mẫu chung cho mọi nhà nước, mọi dân tộc bởi hiến pháp là nền tảng tư tưởng, chính trị và pháp lý cho sự tồn tại và phát triển của một nhà nước gắn liền với một chế độ xã hội. Việc xây dựng hiến pháp là công việc nội bộ của mỗi quốc gia. Người dân đóng góp các ý kiến xây dựng hiến pháp thông qua một cơ chế cụ thể. Khi nói nhân dân là người “phúc quyết” hiến pháp cũng không có nghĩa, mỗi người dân đều trực tiếp “phúc quyết”, mà bao giờ cũng phải thông qua một cơ chế, một hình thức nào đó để bảo đảm quyền đó. ở nước ta, theo quy định của pháp luật, quy trình lập hiến đã bảo đảm tính chặt chẽ, tính dân chủ, tính nghiêm minh. Trong đó, nhân dân ủy quyền cho Quốc hội -cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với các đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra; thay mặt mình để xây dựng bản dự thảo và biểu quyết thông qua bản Hiến pháp. 

Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến đổi to lớn, phức tạp và sâu sắc, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung phát triển năm 2011 và các Văn kiện khác của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định rõ mục tiêu định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, nhằm xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001 phù hợp với tình hình mới, ngày 6-8-2011, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 06 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Sau hơn một năm triển khai, ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII vào cuối năm 2012. Cũng tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết (số 38/2012/QH13) về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nghị quyết số 38/2012/QH13 khẳng định: Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII do ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố. Như vậy, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa được ủy ban sửa đổi Hiến pháp công bố đã được các đại biểu Quốc hội xem xét thông qua theo đúng quy trình lập hiến chứ không phải là một văn bản được bất cứ tổ chức nào, cá nhân nào đề xuất. 

Tờ trình của ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nhấn mạnh: Sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia. Nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. Mục đích lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là nhằm phát huy quyền làm chủ và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân; huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân tham gia tích cực vào xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và việc thi hành Hiến pháp. Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện thông qua nhiều hình thức như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác. 

Theo kế hoạch ban đầu của ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, dự kiến thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hai tháng (tháng 3 và tháng 4 năm 2013). Tuy nhiên, do mục đích, yêu cầu và nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, để có đủ thời gian triển khai sâu rộng việc lấy ý kiến trong các tầng lớp nhân dân, bảo đảm để việc lấy ý kiến nhân dân thực sự chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đề nghị Quốc hội và được Quốc hội nhất trí cao cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 3 tháng, bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013. 

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 11 chương, 124 điều, so với Hiến pháp năm 1992 đã giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Dự thảo đã bổ sung và phát triển nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Dự thảo cũng đã bổ sung thêm về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định rõ hơn, đầy đủ hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước mà không chỉ thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân như Hiến pháp năm 1992. 

Thực tế tại Việt Nam, từ ngày 2-1-2013 đến nay, các cấp các ngành, các địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng đã tổ chức được rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào bản dự thảo Hiến pháp. Đã có hàng nghìn ý kiến của nhân dân được đăng tải trên các báo, đài và hàng triệu ý kiến được tập hợp gửi về các cơ quan chức năng.

Qua trang duthaohienphaponline của Quốc hội, đến nay, đã nhận được gần 1000 ý kiến tham gia đóng góp vào hầu hết các điều của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Việt kiều úc châu phát biểu: “Thông qua việc lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài chúng tôi sẽ cảm thấy gắn bó và gần gũi, có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với đất nước trực tiếp nhiều hơn nữa”. 

Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến của các chức sắc, nhà tu hành một số tổ chức tôn giáo góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức mới đây ở TP Hồ Chí Minh, các đại biểu đều đồng tình việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội của đất nước hiện nay cũng như trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đều cơ bản đồng ý các nội dung sửa đổi mà dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đưa ra. Đánh giá bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều tiến bộ, Linh mục Hà Văn Minh, Giáo phận Phú Cường, Bình Dương cho rằng: Điều 11 và Điều 48 liên quan đến vấn đề bảo vệ Tổ quốc rất quan trọng. Tuy nhiên, trong dự thảo khi nói vấn đề này mới chỉ nói đến nghĩa vụ quân sự, tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân mà chưa đề cập đến quyền của người dân đóng góp ý kiến để bảo vệ Tổ quốc khi Tổ quốc có nguy cơ bị xâm lăng. 

Thực tiễn cho thấy, nước ta đã trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và cả 4 lần đều thu được kết quả tốt đẹp góp phần đưa đất nước tiến lên theo đúng mục tiêu đặt ra là Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân Việt Nam hiểu và tôn trọng những thành quả mà Đảng, Bác Hồ và toàn thể nhân dân đã giành được từ trong khổ đau lầm than và nô lệ. Chúng ta quyết không chấp nhận những kẻ cố tình quay lưng lại với con đường cách mạng Việt Nam, cố tình xuyên tạc, nói xấu và chống lại đường lối quan điểm của Đảng, chống lại nhân dân Việt Nam trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước./.

(Hoàng Hằng Nga/QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất