Chiều 12/4, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội làm việc với Đoàn công tác Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố Hà Nội và việc triển khai Quy định 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.
Hà Nội là địa phương có số lượng đầu mối tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lớn nhất cả nước. Giai đoạn 5 năm (2018-2022), thành phố đã phối hợp với Học viện Chính
trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực I tổ chức 12 lớp
cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung với 879 học viên. Cũng trong giai đoạn này, các cơ quan, đơn vị của thành phố phối hợp
với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tổ chức 111 lớp với 8.890 học
viên.
Bên cạnh đó, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng,
cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành
phố; các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên; bồi dưỡng đại
biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
và các đối tượng khác của thành phố Hà Nội được thực hiện đồng bộ, có
hiệu quả, trọng tâm là thực hiện tốt công tác đào tạo lý luận chính trị
và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức.
Trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã quan tâm đến công tác xây
dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư và
đã ban hành Quyết định số 3735-QĐ/TU ngày 18/10/2022 về việc thành lập
Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng
Phong thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án
trường chính trị chuẩn.
Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành liên quan
tập trung tham mưu xây dựng trụ sở mới của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng
Phong, góp phần thực hiện các tiêu chí về cơ sở vật chất của trường
chính trị chuẩn.
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong hoàn thành tốt kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng, phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, trường Đào tạo Cán bộ
Lê Hồng Phong đã đạt 39/55 chỉ tiêu thuộc 6 nhóm tiêu chí theo Quy định
số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, những
năm qua, Hà Nội quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đã ban
hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác này.
Về xây dựng chiến lược phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong
cũng như xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 1, tiến tới mức độ 2 vào năm
2027, Thành ủy Hà Nội đã sớm tiếp thu Quy định 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021
của Ban Bí thư và thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển
do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Đề án Chiến lược xây dựng trường cần sớm hoàn chỉnh để báo cáo Thường vụ Thành ủy trước ngày 19/5/2023. Sau khi Đề án được phê duyệt, sẽ giao lại cho các cơ quan, trong đó
có Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong để giải quyết các tiêu chí chưa
đạt.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan liên
quan nghiêm túc triển khai, đảm bảo đủ các tiêu chí theo yêu cầu.
Về dự án xây dựng trường để đạt mức độ 2, cần đẩy nhanh tiến độ, có
thể trở thành công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần
thứ XIII vào cuối 2025. Hà Nội cũng kiến nghị hỗ trợ cho trường trong công tác đào tạo để đủ
tiêu chuẩn về vấn đề lý luận và những vấn đề để đảm bảo trường đạt
chuẩn.
Kết luận buổi làm việc, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận đánh giá cao sự quan tâm của Thành ủy Hà
Nội trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là
cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, qua đó có những chuyển biến rõ rệt;
nội dung và chương trình đào tạo đã bám sát và đáp ứng yêu cầu thực
tiễn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng trong thời gian tới, Hà Nội cần bám
sát Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phương hướng,
nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”,
đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ;
tập trung xây dựng chương trình, xác định trọng tâm, đổi mới nội dung,
phương pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và có sự phối hợp
với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để thực hiện.
Với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề
nghị trường chủ động rà soát những vấn đề còn thiếu so với Quy định số
11-QĐ/TW. Từng cán bộ, giảng viên nhà trường cần tự học, tự hoàn thiện
bản thân thông qua việc đi biệt phái, tham gia các cuộc họp của thành
phố để nắm bắt thực tế về tình hình kinh tế - xã hội.
Ghi nhận những kiến nghị của Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn ủng hộ Hà Nội trong công
tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đề nghị thành phố cần có cơ chế, chính
sách đặc thù để thu hút được những chuyên gia, giảng viên giỏi… phục vụ
chiến lược phát triển nhà trường thành trường chính trị chuẩn theo quy
định./.
TTXVN