Sau một năm gặp nhiều sóng gió, người ta lại đặt câu hỏi: liệu thương mại điện tử có lấy lại được đà trong năm 2013?
Đúng là vận đen,” nhìn lại thương mại điện tử năm 2012, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc của Peace Soft chốt lại.
Khúc cua buồn
Phải nói lại hồi còn “vận đỏ,” người mua đã rất tích cực ủng hộ các công ty bán hàng online. Cả làng đang làm ăn ngon trớn thì bung ra cả loạt “sự cố” khiến vận mới chuyển từ đỏ sang đen. Nào là các công ty bán hàng đa cấp đội lốt thương mại điện tử để lừa đảo như Diamond Holiday, MuaBan24. Nào là mua hàng theo nhóm thất bại khiến nhiều trang web phải đóng cửa… Thôi thì đủ thứ nhức đầu.
Sự kiện VinaGame rút khỏi thị trường và tuyên bố đóng cửa Zing Deal làm bà con “ngã ngửa.” Nhưng với VNG, Zing Deal chỉ là một quân bài thử nghiệm, còn với những người đang dồn hết tâm sức cho ngành này, cái chết của Zing Deal đã thực sự gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: ngay cả những ông lớn, có tiềm lực mạnh cũng có thể “đứt gánh giữa đường”.
Kết quả, từ cả trăm website mua hàng theo nhóm ra đời do lực cầu mạnh từ người dân, chỉ vài tháng sau đó, quá nửa số website này bị đóng cửa hoặc không còn hoạt động. Thời người người, nhà nhà nói về thẻ giảm giá, mua hàng trên các trang mua chung, thậm chí có người còn mua một lúc 5-10 thẻ để tích lũy dùng dần đã qua. Giờ là lúc các diễn đàn mạng râm ran chuyện lừa đảo, đối xử tệ với người sử dụng voucher, giao hàng không đúng hẹn, hàng không đúng chất lượng như quảng cáo…
Theo giải thích của ông Bình, nguyên nhân chính là mô hình này bị lạm dụng bởi các nhà cung cấp xấu; các website bán hàng theo nhóm ngoài việc không kiểm soát được chất lượng khuyến mại còn lạm dụng tiền trả chậm cho nhà cung cấp để chi trả cho quảng cáo và marketing, dẫn đến mất khả năng thanh toán; ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng vào thương mại điện tử; làm chậm tốc độ phát triển của ngành…
Rõ ràng, cuộc đua thương mại điện tử chỉ dành cho những người đủ tiềm lực về tài chính và thực sự đam mê, sẵn sàng theo đuổi nó đến cùng.
Nằm vùng đợi thời
Giờ “làng” đã vắng bớt và những người ở lại đang “nếm mật nằm gai, ăn cơm nắm, nằm vùng để đợi thời cơ,” như cách nói của ông Nguyễn Ngọc Điệp, Tổng Giám đốc Vật Giá.
Hiện không chỉ Vật Giá mà Peace Soft, VCCorp, Vinabook… đều đang rất nỗ lực lấy lại niềm tin nơi khách hàng, hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn.
Ông Điệp còn nhấn mạnh, ba chữ “Tâm-Tín-Nhẫn” phải được đặt lên hàng đầu. Điều đó có nghĩa là người làm thương mại điện tử trước hết phải có tâm sáng, không vì mưu lợi cá nhân mà làm chuyện bất chính; phải trung thực, giữ niềm tin với khách hàng và trong lúc người tiêu dùng còn đang hoang mang thì phải biết nhẫn nhịn đợi thời, không nóng vội.
Một điểm đáng lưu tâm: trên thị trường khác có khoảng 20% doanh nghiệp lớn chiếm 80% thị phần; song với thương mại điện tử thì 10% doanh nghiệp lớn chiếm tới 90% thị phần. Đặc điểm này khiến cho việc một số doanh nghiệp đóng cửa trong năm vừa qua cũng không làm cho bức tranh thương mại điện tử bị “biến dạng” quá nhiều.
Tuy nhiên, thêm việc trong thời khó là người ở lại sẽ thu dọn “bãi rác” mà những doanh nghiệp đã “chết” để lại như thế nào? Hiện luật pháp Việt Nam vẫn chưa có đầy đủ quy định để truy cứu trách nhiệm của bên cung cấp; còn người tiêu dùng thì chưa có nhiều kinh nghiệm trong mua bán qua mạng khi có sự cố xảy ra, ví dụ như ở Nhóm Mua vừa qua.
Vì thế, để tránh tình trạng người mua nói: “Em chỉ mua nếu các bác không có cách để lừa em,” nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ đảm bảo bán hàng với chất lượng đúng như cam kết. Riêng ông Điệp đưa ra phương án có phần táo bạo hơn: giảm thiểu chi phí cho người mua bằng cách cho phép đặt cọc trước tiền, khi nào giao đủ hàng thì khách mới phải trả đủ tiền. Phương án này được cho là sẽ mang lại nhiều rủi ro và phức tạp hơn cho nhà cung cấp, nhưng trong thời điểm này, nó thể hiện thịnh tình của những người làm thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Hòa Bình thì đề xuất để bên thứ 3 đứng ra đảm bảo quyền lợi cho khách hàng bằng cách đưa ra gói giải pháp tổng thể thanh toán-vận chuyển-giao hàng, thu tiền “3 trong 1.” Ông còn khuyến cáo người mua chọn hình thức an toàn tuyệt đối là trả tiền sau khi đã nhận được hàng trên phạm vi toàn quốc.
Có vẻ như cách làm này đi ngược lại với xu thế phát triển chung của thương mại điện tử toàn cầu (thanh toán không dùng tiền mặt). Nhưng nếu coi việc lấy lại lòng tin của người tiêu dùng là điều quan trọng nhất hiện nay, thì nỗ lực đó cũng đáng được ghi nhận.
Những người làm thương mại điện tử còn đề xuất xếp hạng tín nhiệm các website bán hàng uy tín giống như các ngân hàng, để từ đó người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn cho mình những doanh nghiệp uy tín, tránh bị lừa đảo. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng sẽ triển khai chương trình truyền thông mang tên “Tư vấn mua bán trực tuyến an toàn” nhằm giúp người tiêu dùng hiểu biết hơn về mua hàng online, tự tin hơn khi mua sắm qua mạng.
Kinh doanh thì đen đỏ cũng là thường. Nhưng riêng làng thương mại điện tử đang cần vận đỏ sớm đến để phát triển làm ăn, phục vụ khách hàng tốt hơn, tin tưởng vào phương thức mua bán tiên tiến, hiệu quả đang phát triển mạnh trên thế giới này./.
(Theo: Doanh nhân)