Trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp gỡ địa phương và Ngoại giao đoàn” dành
cho các địa phương duyên hải miền Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã trao đổi với phóng viên về việc hỗ trợ,
phối hợp với các địa phương phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là kinh
tế đối ngoại.
-Xin Thứ trưởng cho biết việc hỗ trợ phát
triển kinh tế xã hội của Bộ Ngoại giao đối với các tỉnh khu vực duyên
hải miền Trung trong thời gian qua?
Thứ trưởng Nguyễn
Phương Nga: Thực hiện Chỉ thị 41 của Ban Bí thư về tăng cường hoạt động
ngoại giao kinh tế, phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bộ Ngoại
giao đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ cùng
với các địa phương triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ phát
triển kinh tế của địa phương.
Trong thời gian qua, Bộ đã có nhiều hoạt
động; trước tiên là hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại,
đầu tư, văn hóa du lịch ở trong nước cũng như ở các nước thông qua các
Tuần văn hóa, Diễn đàn xúc tiến thương mại... giúp cho địa phương quảng
bá tiềm năng cũng như thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài đồng thời,
hỗ trợ địa phương trong quá trình phát triển, xây dựng chương trình hành
động thực hiện các chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển kinh
tế về tăng cường ngoại giao phục vụ kinh tế cũng như hội nhập quốc tế.
Cung cấp cho địa phương các thông tin cần thiết để nắm bắt tình hình
kinh tế của bên ngoài cũng như nhu cầu của bên ngoài để địa phương có
được những địa chỉ tin cậy trong việc hợp tác phát triển kinh tế.
Bên
cạnh đó, Bộ Ngoại giao còn có những trang thông tin để địa phương có
thêm cơ hội quảng bá với bạn bè quốc tế.
-Việc phối hợp giữa các địa phương với Bộ ngoại giao trong phát triển kinh tế đối ngoại?
Thứ
trưởng Nguyễn Phương Nga: Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến
sự lớn mạnh và phát triển kinh tế đối ngoại với việc các địa phương ngày
càng chủ động hơn trong tìm kiếm đối tác, hội nhập quốc tế. Một phần
cũng do nhu cầu phát triển nên các địa phương hướng ra đối tác bên
ngoài, quảng bá, tìm kiếm các cơ hội từ tiềm lực bên ngoài.
Các địa
phương cũng chủ động hơn trong việc phối hợp với Bộ Ngoại giao. Mỗi khi
địa phương có sáng kiến hay Bộ có sáng kiến thì thường phối hợp để triển
khai một cách có hiệu quả. Tất nhiên bên cạnh đó, các địa phương còn có
những hạn chế khác nhau. Có những địa phương không đủ năng lực trong
việc phát triển kinh tế đối ngoại.
Tất nhiên đây cũng là trách nhiệm của
các bên, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tích cực hơn nữa phối
hợp với các ngành, các địa phương làm sao thực hiện một cách tốt nhất
chủ trương ngoại giao toàn diện, huy động được sức mạnh tổng thể của các
vùng miền, các địa phương trong cả nước để thực hiện thành công chiến
lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước và chủ trương hội nhập quốc
tế toàn diện và sâu rộng.
-Để đẩy mạnh hỗ trợ phát triển
kinh tế xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung, trong thời gian tới, Bộ
Ngoại giao triển khai những giải pháp gì?
Thứ trưởng Nguyễn
Phương Nga: Bộ tiếp tục những việc đã và đang triển khai, tiếp
tục các
hoạt động xúc tiến thương mại kể cả ở trong nước cũng như ở nước ngoài,
đồng thời hỗ trợ các địa phương trong thông tin quảng bá ra bên ngoài
và phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan
đại
diện nước ngoài tại Việt Nam tìm kiếm các đối tác tin cậy, các nguồn vốn
đầu tư để giới thiệu cho các địa phương. Bộ cũng sẽ phối hợp với các
địa phương trong việc xác định các thế mạnh, những dự án ưu tiên của
mình để chuyển tải ra bên ngoài. Tranh thủ nguồn vốn bên ngoài. Tiếp tục
xúc tiến một số hoạt động, diễn đàn để đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu
tư và đặc biệt là sự tham gia rộng rãi của các địa phương trong cả
nước./.
Nguyễn Sơn (TTXVN)