(TG) - Sau khi được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chọn là huyện điểm xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Đất Đỏ đã từng bước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài xã Long Tân đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, các xã khác như: Long Mỹ, Láng Dài, Phước Hội cũng đang khẩn trương hoàn thành các tiêu chí để sớm được công nhận xã nông thôn mới trong năm 2013.
So với các huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đất Đỏ là huyện hội tụ nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp với lớp đất đỏ bazan rất thuận lợi để phát triển các cây công nghiệp lâu năm như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, bông vải, mía, đậu tương, thuốc lá… đồng thời có diện tích trồng lúa, rau đứng hàng nhất nhì toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản của huyện Đất Đỏ tương đối phát triển cùng với nghề đánh bắt cá vốn có truyền thống từ lâu đời ở vùng ven biển Phước Hải cũng như nghề nuôi tôm đang phát triển mạnh... Cơ cấu kinh tế của huyện được xác định là: nông nghiệp – công nghiệp và dịch vụ.
|
Chương trình xây dựng nông thôn mới luôn được người dân quan tâm, ủng hộ. Ảnh: QT |
Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện Đất Đỏ đã huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia xây dựng kết cấu kinh tế - xã hội ở địa bàn nông thôn. Nét mới ở Đất Đỏ chính là việc vận động bà con xóa bỏ một số tập tục cũ như chôn người thân trong vườn nhà, huyện đã bố trí khu nghĩa trang mới ở các xã, gia đình nào có người thân mất được tuyên truyền, vận động đưa đi chôn ở nghĩa trang. Bên cạnh đó, khi tiến hành mở rộng đường liên thôn, liên xã, UBND huyện đã vận động bà con nhân dân di dời mổ mả cha ông đưa vào nghĩa trang, nhường đất để mở đường…Đến nay, đường nông thôn đã đáp ứng cơ bản nhu cầu lưu thông vận chuyển của người dân, đường nhựa chiếm 48%, đường đá và đường cấp phối chiếm 52%. Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, hệ thống lưới điện quốc gia đã được phủ kín 100% số xã, thị trấn, toàn huyện có 22.32 trường học đạt chuẩn quốc gia. Nhà ở dân cư nông thôn từng bước được cải thiện, số nhà kiên cố, bán kiên cố được nâng lên, cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Đến ấp Tân Hòa (xã Long Tân), bà con thường nói về ông Võ Hữu Nghĩa, người đã hiến hơn 1000 mét đất để làm đường, với diện tích này trước đây gia đình ông Nghĩa trồng tiêu, cũng đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Nhưng nhờ sự vận động, thuyết phục, tuyên truyền của cán bộ xã, gia đình ông Nghĩa đã tự nguyện hiến số đất nói trên để mở đường. Không chỉ gia đình ông Nghĩa, nhiều gia đình ở ấp cũng đã tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí mở đường để bây giờ ấp có con đường rộng 8 mét, dài gần 1km như ngày hôm nay, phục vụ thuận tiện việc đi lại cho bà con.
Dù đang bận bịu, nhưng ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch UBND xã Long Tân vẫn dành thời gian đưa chúng tôi đi thăm một số công trình văn hóa của xã như nhà văn hóa dành cho đồng bào Chơro. Ông Hùng cho biết: ”Qua hai năm thực hiện nông thôn mới, đến nay Long Tân đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí nông thôn mới quốc gia. Đối với Long Tân, vấn đề hiện nay làm sao giữ vững và duy trì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt được, tập trung các dự án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân”.
|
Nhà văn hóa, nơi sinh hoạt của đồng bào Chơro. Ảnh: QT |
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, với việc triển khai các dự án phát triển kinh tế, đến nay, xã Long Tân đã hình thành được một số mô hình sản xuất và đang từng bước nhân rộng ra toàn xã. Điển hình là mô hình nuôi bò thịt vỗ béo đang có hiệu quả cao. Từ năm 2012, được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng, Hội nông dân xã đã triển khai cho 27 hội viên vay (mỗi hộ từ 15-20 triệu đồng) để nuôi bò thịt vỗ béo. Không chỉ cho vay tiền, Hội nông dân còn mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình chăn nuôi của từng hộ dân. Ngoài ra, trên địa bàn xã cũng có một nhà máy sản xuất giầy da, cũng giải quyết công ăn việc làm cho người lao động địa phương.
Trao đổi về mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ Tạ Văn Bửu cho biết: “Trong giai đoạn 2012-2015, huyện tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, triển khai các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến hết năm 2015 huyện Đất Đỏ có 4/6 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; đến năm 2020 có 6/6 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí về nông thôn mới của quốc gia”. Cái khó hiện nay của Đất Đỏ vẫn chính là vấn đề phát triển sản xuất hàng hóa và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả để nâng cao thu nhập của người dân. Hiện nay huyện cũng đang tìm cách khuyến khích, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn để thu hút lao động nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong vay vốn đầu tư, thông thoáng các thủ tục nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư; đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã và tổ hợp tác… có như vậy mới sớm đạt được và duy trì các tiêu chí về nông thôn mới.
Đạt được tiêu chí đã khó, giữ được tiêu chí càng khó hơn, đó cũng là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay của huyện Đất Đỏ. Cơ cấu kinh tế nông thôn của huyện chuyển dịch chậm, thiếu bền vững, giá trị thu được trên 1 ha đất nông nghiệp còn thấp. Thu nhập của người dân chưa cao (21,8 triệu đồng/người/năm) và chủ yếu thu từ sản xuất nông nghiệp, trong khi lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao do phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh, giá cả cũng như đầu ra không ổn định. Chính vì thế, trong nghị quyết về xây dựng nông thôn mới huyện Đất Đỏ giai đoạn 2011-2015, Ban chấp hành đảng bộ huyện Đất Đỏ đã vạch ra phương hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt trên 30%; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động; giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông – lâm- ngư nghiệp còn dưới 50%./.
Tuấn Nghĩa