Thứ Bảy, 7/12/2024
Xã hội
Thứ Ba, 15/6/2021 15:39'(GMT+7)

Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả, chủ động

VÌ SAO CÓ TRƯỜNG HỢP TIÊM RỒI VẪN NHIỄM COVID-19

Có trường hợp người bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccine sau đó bị bệnh là do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch. Một số ít đã được tiêm đủ hai mũi nhưng vẫn mắc bệnh.

Lý giải cho hiện tượng này, theo GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, hiện nay, không có loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%. Điều đó có nghĩa là sau khi tiêm chủng, vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm có thể vẫn bị mắc bệnh.

 Tuy nhiên, nếu bị mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề. Đơn cử như, đối với vaccine AstraZeneca, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm 1 liều vaccine từ 22-90 ngày vẫn có một số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng số trường hợp tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm chủng. Sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine, số trường hợp tử vong giảm đến gần 100%.

 Việc tiêm phòng vaccine COVID-19, ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus, sẽ giúp làm giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ. Cho nên, tiêm chủng vaccine là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh gây ra. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng từ 70-85% thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ giảm và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.

 Một nghiên cứu trên Tạp chí Các bệnh truyền nhiễm của Mỹ cho rằng, mô phỏng bằng máy tính và thuật toán cho thấy hiệu quả bảo vệ thực sự của vaccine bắt đầu sau khi 20% dân số đã được tiêm chủng. Ở Mỹ, với mức bao phủ vaccine 50-70% dân số có thể ngăn ngừa 9,5 triệu ca bệnh và tiết kiệm 10,8 tỷ đô la chi phí y tế trực tiếp và tổn thất năng suất. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc tiêm chủng càng chậm triển khai, nguy cơ lây lan càng lớn. Cho nên, việc áp dụng các biện pháp như 5K, giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang cũng làm chậm sự lây lan của virus càng nhiều càng tốt cho đến khi vaccine trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn. Ngay cả khi có vaccine rồi thì 5K cũng cần được áp dụng cho đến khi đạt tỷ lệ tối đa.

 Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo, để bảo đảm hiệu quả tối đa của vaccine, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70-85% để có miễn dịch cộng đồng phòng chống dịch bệnh COVID-19.

 Đồng thời, sau khi tiêm chủng vaccine vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch (thông điệp 5K) để bảo đảm an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng. Tiêm vaccine COVID-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng, khi đến lượt bạn hãy đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine và theo dõi sức khỏe.

 ĐẨY NHANH VIỆC MUA VÀ TỔ CHỨC TỐT VIỆC TIÊM VACCINE

 Tại phiên họp ngày 11/6/2021 về tình hình dịch COVID-19 và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ Chính trị kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nhấn mạnh việc “đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vaccine cho người dân”. Kết luận nêu rõ, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hoá, phát triển "Quỹ vaccine" phòng, chống COVID-19, xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vaccine ngừa COVID-19...”. Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước. Đồng thời yêu cầu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vaccine, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực về nghiên cứu ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vaccine.

Đến nay, Việt Nam đã đàm phán thành công với một số đối tác để cung cấp vaccine cho Việt Nam. Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực trao đổi với các quốc gia và các đối tác khác để đa dạng hóa nguồn cung cấp. Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vaccine COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp từ các nguồn vốn để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine tại Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam đặt mua 124,9 triệu liều vaccine từ 5 nguồn. Đó là Moderna, Sputnik V, AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Quỹ COVAX Facility. Tính đến ngày 13/6, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện 4 loại vaccine COVID-19, gồm AZD1222 (do AstraZeneca, Anh, sản xuất), Sputnik V (Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga, sản xuất), Vero Cell (Sinopharm, Trung Quốc, sản xuất) và Comirnaty (Pfizer và BioNTech, Đức, điều chế).

Ngày 14/6, theo thông tin từ Cục Khoa học – công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế cho biết một doanh nghiệp Việt đã đàm phán với nhà sản xuất Hoa Kỳ, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 từ tinh chất mRNA, vaccine chỉ cần tiêm liều duy nhất 5mg. Vaccine này hiện đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 và 2, nhiệt  độ bảo quản 2-8%C, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 cho thấy vaccine có khả năng bảo vệ cao. Cục Khoa học và đào tạo cho biết nhà máy do doanh nghiệp đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ của nhà sản xuất, có công suất 100-200 triệu liều vaccine/năm, dự kiến đi vào sản xuất từ quý 4-2021 hoặc quý 1-2022.

Ngày 15/6, theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), doanh nghiệp này đã chính thức ký thỏa thuận với Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga về việc đóng ống vaccine phòng COVID-19 Spunik V từ bán thành phẩm. Quy mô sản xuất là 5 triệu liều một tháng, bắt đầu từ tháng 7. Đây là tiền đề tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 với quy mô 100 triệu liều/năm. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet, vaccine Sputnik V có hiệu quả 91,6 %. Đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98% tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

 Thời gian qua, các quốc gia đã ráo riết trong cuộc đua nhanh chân tìm kiếm những hợp đồng mua vaccine và không ít nước rơi vào cảnh chật vật. Nhưng giờ đây, làm chủ công nghệ để có thể hoàn thiện, đóng gói sản phẩm là một hướng đi được coi là cơ hội để chuẩn bị đối phó đại dịch trong tương lai.

 Triển vọng sẽ có đủ vaccine để tiêm cho người dân không còn xa. Nhưng ngay khi có vaccine, làm thế nào để việc tiêm phòng diễn ra nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Bộ Chính trị yêu cầu, sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vaccine cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Bộ Chính trị cũng yêu cầu tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, nhất là lợi ích của việc tiêm vaccine./.

 Cao Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất