Để đảm bảo khai thác bauxite – nhôm khu vực Tây Nguyên đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, cần phải tính toán và triển khai một cách khoa học, đồng bộ toàn bộ các tổ hợp dự án.
Trong hai ngày 21 và 22/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra, tiến hành giao ban công trường các dự án: Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng, Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông), cảng Kê Gà (Bình Thuận) và thị sát các tuyến đường bộ dự kiến phục vụ vận chuyển tiêu thụ quặng bauxite sau khai thác.
Cơ bản đảm bảo tiến độ xây dựng
Qua kiểm tra, thị sát cho thấy, tại Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng, gói thầu nhà máy alumin đã cơ bản hoàn thành công tác thiết kế, khối lượng thi công xây dựng ước đạt khoảng 85%. Theo báo cáo của nhà thầu, từ tháng 7/2010 đến tháng 10/2010 có thể chạy không tải toàn bộ nhà máy. Gói thầu nhà máy tuyển quặng bauxit đang tiến hành san gạt mặt bằng và bắt đầu thi công, dự kiến đến tháng 4/2011 sẽ hoàn thành. Công trình đường dây 110 kV phục vụ Nhà máy dự kiến tháng 10/2010 mới hoàn thành.
Đối với Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ – TKV, hiện chủ đầu tư và nhà thầu EPC đang tiến hành hiệu chỉnh hợp đồng EPC gói thầu Nhà máy alumin. Chủ đầu tư cũng đang tiến hành triển khai các vấn đề thủ tục của gói thầu nhà máy tuyển quặng, thi công các hạng mục công trình ngoài hàng rào nhà máy.
2 dự án giao thông liên quan đến chương trình khai thác bauxite khu vực Tây Nguyên đang trong quá trình gấp rút xây dựng thiết kế, phương án đầu tư để trình phê duyệt. Trong đó, Cảng Kê Gà (Bình Thuận) đã hoàn thiện hồ sơ thỏa thuận vị trí, xin ý kiến thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo phương án vận tải đường bộ phục vụ phát triển ngành công nghiệp nhôm khu vực, trong giai đoạn chưa có cảng Kê Gà (trước 2015), sản phẩm của Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng có thể xem xét, triển khai theo 2 tuyến. Tuyến 1 đi từ Tỉnh lộ 725-QL 20-QL27-QL1-cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), tổng chiều dài 220 km. Tuyến 2 từ Tỉnh lộ 725-QL20-Tỉnh lộ 769-QL51-cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Sản phẩm từ Nhà máy Nhân Cơ sẽ đi theo tuyến QL14-Tỉnh lộ 741-Tỉnh lộ 747-QL1-QL51-cảng Gò Dầu (Đồng Nai).
Giai đoạn sau khi có cảng Kê Gà, các cơ quan chuyên môn cũng đang kiến nghị một số phương án tuyến để đảm bảo cung độ vận tải sản phẩm bauxite ngắn, mức đầu tư hợp lý và trùng với tuyến vận tải đường sắt dự kiến xây dựng sau này.
Kết luận cuộc thị sát, giao ban công trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, nhìn chung kết quả triển khai 2 dự án bauxite Nhân Cơ và Lâm Đồng đáp ứng tương đối yêu cầu thi công cơ bản, thực hiện tốt công tác quản lý lao động theo đúng quy định luật pháp, đảm bảo an toàn, an ninh. Các Bộ, ngành thực hiện nghiêm kết luận của Thủ tướng, bước đầu chứng minh được hiệu quả kinh tế - xã hội, có các cam kết và giải pháp giải quyết được những vấn đề gây quan ngại về môi trường, tạo sự đồng thuận cao của các cấp chính quyền, nhân dân địa phương.
Khắc phục ngay một số bất cập
Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng nổi lên một số vấn đề: so với tiến độ của Nhà máy alumin Nhân Cơ thì tiến độ Nhà máy tuyển Lâm Đồng và công trình đường dây 110 kV đang chậm hơn và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất. Một số vị trí chưa hoàn thành GPMB, thủ tục nhập khẩu, chế tạo một số hạng mục chưa đáp ứng yêu cầu.
“Vì vậy, triển khai đồng bộ toàn bộ tổ hợp dự án, từ công tác thăm dò, quy mô khai thác, vận hành các nhà máy đến kết nối thị trường là yêu cầu số 1 hiện nay”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo chủ đầu tư – Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, các nhà thầu tính toán, tối ưu hóa các thủ tục nghiệm thu, XNK, thanh toán để đẩy tiến độ dự án, tập trung vào các công trình đang chậm so với tiến độ chung.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam xử lý các vướng mắc, tập trung thi công đường dây 110kV để đảm bảo hoàn thành vào cuối tháng 8/2010. Bộ GTVT trong vòng 2 tuần tới trình phương án vận tải tối ưu đảm bảo hiệu quả dự án, nhất là dự án Nhân Cơ. Song song với đó, Cục Hàng hải phê duyệt vị trí, thiết kế cơ sở cảng Kê Gà, phấn đấu hoàn thành trước năm 2015 để phù hợp và đồng bộ với phương án vận tải đường bộ.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc tiếp tục quản lý chặt chẽ lao động, an ninh trật tự công trường nhất là khi vào giai đoạn vật tư chuyển về nhiều. Khẩn trương đào tạo kỹ sư, công nhân địa phương để đảm bảo tính gắn kết lâu dài của người lao động. Các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tuyên truyền nhân dân chấp hành chủ trương di dời các vị trí GPMB còn lại./.
(Theo: chinhphu.vn)