Theo Bộ GD&ĐT, đây là một Chương
trình tiếng Anh thí điểm cấp THPT nằm trong “Đề án dạy và học ngoại ngữ
trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 – 2020”.
Chương trình thí điểm tiếng Anh cấp
THPT không phát triển rộng rãi ra các trường mà sẽ thí điểm ở những
trường có đủ điều kiện. Theo đó, các trường tham gia thí điểm cần có cơ
sở vật chất tối thiểu theo quy định, có đội ngũ giáo viên đạt năng lực
tiếng Anh bậc 5 (tiêu chuẩn này tương đương C1 theo khung tham chiếu
năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu – CEER).
Việc công nhận đạt trình độ bậc 5 của
giáo viên cần xác định, căn cứ vào các tiêu chí: Chứng chỉ tiếng Anh
quốc tế như TOEFL International; IELTS, CAE, FCE còn hiệu lực. Ngoài ra
chứng chỉ hoặc các chứng nhận đạt yêu cầu do các đơn vị được giao nhiệm
vụ đánh giá năng lực ngôn ngữ tại Thông báo 826 của Bộ GD&ĐT.
Giáo viên có chứng chỉ hoặc chứng nhận
đạt yêu cầu do các tổ chức có chức năng đánh giá năng lực ngoại ngữ cấp
thông qua khảo sát do các Sở GD&ĐT tổ chức, không chấp nhận chứng
chỉ do các tổ chức này cấp mà không do các Sở khảo sát. Trước khi áp
dụng chương trình này những giáo viên được lựa chọn sẽ có thời gian bồi
dưỡng về phương pháp dạy học…
Đối tượng học sinh tham gia các lớp
thí điểm Chương trình tiếng Anh cấp THPT là lớp 10. Đối tượng này các Sở
GD&ĐT cần thông báo cho các em học sinh THCS đăng kí tuyển sinh
vào các lớp thí điểm, trước khi vào học sẽ có đợt khảo sát năng lực (dự
kiến áp dụng vào năm học 2013 – 2014), nội dung khảo sát sẽ bao gồm các
kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ do Bộ GD&ĐT biên
soạn. Học sinh đạt năng lực tối thiểu mới được tham gia thí điểm (học
sinh đạt yêu cầu sẽ được cấp sách giáo khoa và các tài liệu học tập môn
tiếng Anh miễn phí), những học sinh không đạt sẽ học theo chương trình
hiện hành./.
Theo GDVN