Thứ Năm, 26/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 27/2/2011 22:34'(GMT+7)

“Tiếp lửa” truyền thống lịch sử cho chiến sĩ mới

Một hình thức giáo dục truyền thống cho chiến sĩ trẻ tại Bảo tàng Binh đoàn Quyết Thắng.

Một hình thức giáo dục truyền thống cho chiến sĩ trẻ tại Bảo tàng Binh đoàn Quyết Thắng.

Một trong những nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị là bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, của Đảng, của quân đội và đơn vị cho thế hệ chiến sĩ mới. Những năm gần đây, bên cạnh việc đổi mới toàn diện công tác giáo dục chính trị, phần lớn các đơn vị cơ sở đã chú trọng hơn việc đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng, góp phần nâng cao lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và xây dựng, bồi dưỡng, vun đắp niềm tin, lý tưởng, lẽ sống cao đẹp cho bộ đội.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại một số đơn vị cơ sở, chúng tôi thấy hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẫn còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn, thuyết phục, nội dung thiếu chiều sâu và nhất là phương pháp truyền thụ, giảng dạy, tuyên truyền của một số cán bộ hạn chế. Việc hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện cho các chiến sĩ mới chủ động, say mê và tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, học tập lịch sử qua sách báo, phim ảnh, bảo tàng, nhà truyền thống, tham quan di tích lịch sử, cách mạng chưa được coi trọng thường xuyên và đúng mức. Những biểu hiện như: Coi giáo dục truyền thống là công việc của cán bộ chính trị; đọc sách báo có liên quan đến lịch sử dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng là “việc riêng” của mỗi cá nhân; tuyên truyền, giáo dục lịch sử chỉ chạy theo mùa vụ và quan tâm đến bề nổi là chủ yếu… tuy không phổ biến song vẫn tồn tại ở không ít đơn vị cơ sở. Mặt khác, việc khai thác, sử dụng và phát huy hệ thống thiết chế văn hóa ở đơn vị chưa đồng bộ, thường xuyên cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới. Do đó, một bộ phận chiến sĩ chưa thực sự yêu mến, ham thích nội dung học tập, tuyên truyền giáo dục truyền thống. Đây là nguyên nhân tạo ra “lỗ hổng” đáng tiếc trong hành trang kiến thức lịch sử của chiến sĩ trẻ.

Truyền thống lịch sử, cách mạng là những giá trị tinh thần, văn hóa đã được vun đắp, kết tinh và tôi luyện qua thời gian và được khẳng định trong hiện tại. Những nhân vật, sự kiện, tư liệu và bài học lịch sử sẽ có sức thuyết phục, lan tỏa và thẩm thấu nhanh hơn, sâu hơn vào trái tim, khối óc của mỗi chiến sĩ nếu đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ chính trị biết khai thác và phát huy sức mạnh tổng hợp các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục; đồng thời biết lựa chọn hợp lý cách thức giảng dạy, truyền đạt phù hợp. Muốn tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng không bị khô cứng, gượng ép, những cán bộ, nhân viên phụ trách và thực hiện nội dung, hoạt động này trước hết phải là những người am hiểu lịch sử mới có đủ khả năng “thổi hồn” và “thắp lửa” cho bộ đội tự nguyện, tự giác học tập, tìm hiểu lịch sử. Bởi vì, phong trào học tập, tìm hiểu lịch sử không thể có khí thế sôi nổi và phát triển sâu rộng nếu không có những cán bộ đam mê với lịch sử dân tộc. Cùng với đó, cần phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa để bổ trợ cho việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức lịch sử cho chiến sĩ mới như: Thư viện, nhà truyền thống, phim ảnh, triển lãm… Nếu có điều kiện, các đơn vị nên tổ chức cho các chiến sĩ mới đi tham quan các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng trên địa bàn hay gần khu vực đóng quân để bộ đội củng cố niềm tin yêu của mình đối với lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng của dân tộc và Quân đội.

Tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho chiến sĩ mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bồi dưỡng, xây dựng nhân cách người quân nhân cách mạng có tinh thần yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, quý trọng và gắn bó với mảnh đất đã sinh ra, nuôi dưỡng mình lớn khôn, trưởng thành. Thực hiện có hiệu quả nội dung này sẽ góp phần xây dựng một thế hệ chiến sĩ mới vừa mang đầy đủ những cốt cách, tâm hồn, bản lĩnh của con người Việt Nam, vừa có những phẩm chất giá trị nhân cách cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ./.

(Phúc Nội/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất