Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 9/10/2008 15:34'(GMT+7)

Tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế -xã hội giai đoạn 2005-2010

Đã hình thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh các quan điểm về mô hình phát triển của đất nước như: phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn kết yêu cầu tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, văn hoá; đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá theo hướng hiện đại; củng cố nền kinh tế độc lập tự chủ đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, hướng mạnh vào xuất khẩu đi đôi với những nỗ lực thay thế nhập khẩu ở những ngành và những khâu có hiệu quả...

Kết quả là nền kinh tế nước ta đã phát triển tương đối nhanh, quan hệ hợp tác quốc tế không ngừng mở rộng, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện một bước đi đôi với nhiều tiến bộ về văn hoá - xã hội. Những thành tựu quan trọng đó cho phép chúng ta đề ra nhiệm vụ sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước kém phát triển vào năm 2010.

Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua nước ta phải đối mặt với nhiều thử thách nghiêm trọng, lạm phát tăng cao, sản xuất - kinh doanh gập nhiều trắc trở, đời sống nhiều tầng lớp dân cư gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, hàng loạt biện pháp đã được đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Nhờ việc thực thi các biện pháp đó, đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực về khả năng từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Mặc dầu vậy, việc hoàn thành kế hoạch 2005 - 2010 đang đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân. Một trong những nhân tố giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trước mắt, bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu ngắn hạn của năm 2008 đã được điều chỉnh cũng như những mục tiêu trung hạn nêu trong kế hoạch 5 năm và cả dài hạn nhằm thực hiện CNH, HĐH là tiếp tục kiên trì những tư duy kinh tế đúng đắn đã được trải nghiệm trong 20 năm đổi mới, đồng thời không ngừng hoàn thiện chúng và trong trường hợp cần thiết, có những sự tiếp cận mới.

Đây quả là một vấn đề rộng lớn, cực kỳ phức tạp đòi hỏi phát huy cao độ tư duy sáng tạo và khoa học, tiếp cận sát hợp với thực tế phong phú của đất nước và của thế giới, luận bàn rộng rãi và cởi mở trong khuôn khổ của một bài viết xin chỉ bước đầu gợi mở vài vấn đề có lẽ nên đi sâu bàn thảo.

Thứ nhất là, xử lý thoả đáng mối quan hệ giữa phát triển nhanh với hiệu quả và bền vững. Đây không phải là vấn đề mới mẻ, nó đã được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước song trong thực tế cuộc sống điều đó không phải mọi lúc, mọi nơi đều được quán triệt và thực hiện nhất quán.

Ở đây nẩy sinh một câu hỏi: yêu cầu nào là ưu tiên? tốc độ phát triển cao hay bảo đảm hiệu quả và sự bền vững? Điều dễ hiểu là do trình độ phát triển kinh tế nước ta còn thấp, tụt hậu đáng kể so với một số nước ngay trong khu vực nên sức ép phát triển nhanh luôn luôn hiện hữu. Hơn nữa nước ta đã từng duy trì được một tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong một thời gian dài, chứng tỏ tiềm năng phát triển còn khá dồi dào. Vấn đề chỉ là trong khi phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nhanh cần quan tâm thoả đáng tới tính hiệu quả và bảo đảm cho được giới hạn an toàn của những cân đối vĩ mô như tiền - hàng, sản xuất - tiêu dùng, thu - chi ngân sách, xuất - nhập khẩu, đầu tư - thu hồi vốn... Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy lòng mong muốn phát triển nhanh cũng không thể trở thành hiện thực nếu chỉ số giá cả tăng quá cao một phần quan trọng do tiền được phát hành quá nhiều, tín dụng gia tăng quá mức, nhập siêu quá lớn, tiêu dùng vượt khả năng của nền kinh tế, hiệu quả đầu tư ngày càng thấp.

Vả lại nói cho cùng thì mục tiêu của sự phát triển kinh tế là làm cho chất lượng cuộc sống của con người ngày một tốt hơn; vì lợi ích phát triển nhanh mà không tính toán đầy đủ yêu cầu bền vững, đưa tới sự phân tầng thái quá, tình trạng hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống, giảm thiểu chất lượng các chỉ tiêu phát triển con người... thì tốc độ cao sẽ đưa tới những kết quả ngược lại.

Hơn nữa, trong thể chế kinh tế thị trường và trong hoàn cảnh hội nhập sâu với kinh tế thế giới mà ở đó tăng trưởng luôn mang tính chu kỳ thì tốc độ tăng trưởng của mỗi quốc gia lúc lên lúc xuống là điều bình thường, thậm chí mang tính quy luật.

Nói tóm lại, một khi buộc phải cân nhắc giữa lòng mong muốn phát triển nhanh với yêu cầu hiệu quả và sự bền vững thì có lẽ quả cân sẽ được đặt vào đĩa cân thứ hai.

Thứ hai là, gắn kết việc hoàn thiện và vận hành thể chế thị trường trong nước với việc theo dõi sát sao, khôn khéo tận dụng những cơ hội và ứng phó kịp thời với những biến động trên thị trường thế giới.

Đã hơn 20 năm nay, nền kinh tế nước ta vận hành theo thể chế thị trường và đầu năm nay Hội nghị lần thứ 6 BCH TW Đảng đã thông qua Nghị quyết về việc hoàn thiện nó. Tuy nhiên có một tình hình mới là nước ta đã hội nhập đầy đủ với nền kinh tế thế giới, thị trường trong nước với thị trường thế giới đã liên thông, sự phát triển kinh tế trong nước chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc và nhanh chóng của những biến động trên thị trường thế giới.

Trong bối cảnh đó, sự điều hành nền kinh tế ở nước ta không chỉ ở tầm vĩ mô mà cả ở tầm vi mô phải gắn kết việc vận dụng thể chế thị trường trong nước với việc theo dõi và xử lý thoả đáng những biến động trên thị trường quốc tế. Điều này không chỉ liên quan tới Nhà nước, tới các doanh nghiệp và địa phương có nhiều hoạt động xuất - nhập khẩu, đầu tư có nhân tố nước ngoài mà tới toàn bộ đất nước vì dù ít hay nhiều mọi địa phương, mọi doanh nghiệp, thậm chí từng cá nhân đều không tránh khỏi tác động của những biến động trên thế giới.

Muốn vậy thì một yêu cầu bức thiết là phải hiểu biết những “luật chơi”, những căn nguyên biến động, những sự điều chỉnh trên thị trường thế giới, dự báo được tương đối chuẩn xác những khả năng diễn biến, có những biện pháp tận dụng hay ứng phó chúng một cách kịp thời.

Nói tóm lại, trong khi vận dụng thể chế thị trường trong nước, ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô, cần mở rộng tư duy ra phạm vi toàn cầu.

Thứ ba là, xử lý thoả đáng mối quan hệ giữa sự điều tiết của thị trường với sự điều hành của Nhà nước, giữa sự phân cấp với sự quy hoạch tập trung.

Trong thể chế kinh tế thị trường, những tín hiệu thị trường đương nhiên có vai trò rất quan trọng. Chúng được coi như là “bàn tay vô hình” điều tiết cung cầu, hiệu quả kinh tế... Nhưng một bàn tay dù có mạnh đến đâu đi nữa vẫn phải gắn với cánh tay và cả cơ thể; trong trường hợp này có thể ví nền kinh tế của đất nước là cơ thể, còn cánh tay là Nhà nước. Làm thế nào để ba bộ phận ấy làm đúng chức năng của mình và phối hợp nhịp nhàng với nhau vẫn là một vấn đề cần được tiếp tục làm rõ.

Thực tiễn cho thấy, việc Nhà nước hành động không phù hợp với sự vận động của các quy luật thị trường thì nền kinh tế kém hiệu quả; ngược lại, thể chế thị trường cũng không có “sức mạnh vạn năng” vì nhiều vấn đề tự nó không giải quyết nổi. Việc Chính phủ Hoa Kỳ - một nước tôn thờ kinh tế thị trường vào bậc nhất thế giới - đang phải tung ra hàng trăm tỷ đô la để cứu nguy cho các tập đoàn hàng đầu thế giới cho thấy rõ điều đó. Vấn đề còn lại là tìm ra được ranh giới của mỗi bộ phận và điều hành thuần thục chúng trong sự tương tác lẫn nhau.

Như đã được khẳng định không phải một lần, không ai thay thế được Nhà nước trong hai lĩnh vực chủ yếu là tạo dựng và điều tiết môi trường kinh doanh để thị trường vận hành thuận lợi và bảo đảm sự ổn định, công bằng xã hội. Đó là việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, kể cả những tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm hiệu quả, chất lượng sản phẩm cũng như lợi ích của người tiêu dùng; xây dựng quy hoạch và sự vận hành thông suốt của hệ thống hạ tầng; điều tiết và giữ vững những cân đối vĩ mô trong giới hạn an toàn và can thiệp cần thiết khi nẩy sinh khủng hoảng; đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ nghiên cứu khoa học; ổn định chính trị - xã hội, cung cấp dịch vụ công, trong đó việc cung cấp thông tin thị trường cả trong và ngoài nước có ý nghĩa sống còn với sự vận hành của nền kinh tế, thực thi những biện pháp điều tiết lại thu nhập, hỗ trợ người nghèo; giám sát môi trường...

Những sự can thiệp trái với quy luật của thị trường và mang nặng tính hành chính - quan liêu có thể bóp méo bức tranh thực về nền kinh tế đưa tới những sự lệch lạc không đáng có, trong đó việc duy trì quá lâu và quá mức cơ chế bao cấp chỉ khuyến khích tiêu hao và phung phí trong sản xuất. Bài học cuối những năm 80 thế kỷ trước về việc chuyển sang cơ chế một giá, trong đó có giá lương thực và việc gần đây để cho giá xăng uyển chuyển theo giá thị trường khẳng định điều đó.

Nói tóm lại, vai trò của mỗi bộ phận cấu thành nền kinh tế cần được sử dụng và phát huy đúng chỗ, đúng cách, đúng thời điểm.

Một khi nền kinh tế ngày càng phát triển, mối quan hệ kinh tế trở nên ngày càng phức tạp thì chủ trương phi tập trung hoá mà ta thường gọi là phân cấp trở thành một nhu cầu khách quan, một quy luật phổ biến, một xu thế chung của mọi quốc gia. Vừa qua, nước ta cũng đi theo hướng này, trong đó có việc phân cấp mạnh về đầu tư nước ngoài cho các địa phương. Điều này có tác dụng nâng cao tính chủ động của các địa phương và các doanh nghiệp, giảm thiểu những thủ tục phức tạp, từ đó đẩy nhanh được tiến độ triển khai.

Tuy nhiên, nền kinh tế của đất nước là một thực thể hoàn chỉnh, việc phân cấp không kèm theo những quy hoạch tổng thể và đồng bộ có thể gây nên những rối loạn, những sự mất cân đôi nghiêm trọng, để lại nhiều hậu quả lâu dài. Sự phát triển ồ ạt các khu công nghiệp, các khu đô thị thu hẹp nhanh chóng đất nông nghiệp và làm nẩy sinh nhiều vấn đề xã hội, việc xây dựng những bến cảng, sân bay cách nhau vài chục ki-lô-mét với công suất sử dụng rất thấp, việc cấp phép đầu tư nhiều nhà máy thép, lọc - hoá dầu khổng lồ ẩn chứa nguy cơ gây ô nhiễm nặng, tình trạng ách tắc giao thông ở nhiều nơi và thiếu điện nghiêm trọng phải chăng là những minh chứng cho điều đó.

Nói tóm lại, phân cấp là tất yếu khách quan nhưng nó chỉ có thể phát huy hiệu quả một khi dựa trên quy hoạch tổng thể, đồng bộ và được quản lý tốt đi đôi với năng lực xử lý ở cấp địa phương.

Thứ tư là, một khi chính sách kinh tế nhiều thành phần đã được khẳng định thì tư duy kinh tế và hoạt động thực tiễn nên được hướng mạnh vào việc nâng cao khả năng quản trị tốt” (good governance)

Vấn đề phát triển kinh tế nhiều thành phần có thể coi như đã an bài, không còn nhiều băn khoăn, tranh cãi. Có chăng chỉ còn luận bàn nhiều về cách thực thi vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và khái niệm “kinh tế nhà nước và tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế”; thêm vào đó gần đây rộ lên cuộc tranh luận về các tập đoàn kinh tế và việc thực thi trên thực tế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có thể đây là các đề tài còn được bàn thảo tiếp, nhất là trong quá trình chuẩn bị Đại hội XI và việc bổ sung, chỉnh sửa Cương lĩnh của Đảng.

Tuy nhiên vấn đề thành phần kinh tế liên quan chủ yếu tới hình thức sở hữu. Để nền kinh tế vận hành hiệu quả thì hình thức tổ chức và sự vận hành của các chủ thể kinh tế (bao gồm cả quy mô, lĩnh vực hoạt động; mối quan hệ nội tại và với chủ thể khác) và khả năng quản trị tốt trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế mới là quan trọng.

Đây không chỉ là những vấn đề của nước ta mà có thể nói, đang là những vấn đề toàn cầu. Đối với nước ta - một nước đang phát triển với trình độ còn đang rất thấp, mới đi vào thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế lại đang chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp thì chúng càng mang tính thời sự cao cả về lý luận lẫn thực tiễn, đòi hỏi phải dành mối quan tâm nhiều hơn.

Một vấn đề đang được bàn thảo sôi nổi là các tập đoàn kinh tế. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là loại hình hoàn toàn mới mẻ đối với đất nước ta do đó cần có thời gian để định hình, định tính và trải nghiệm trên thực tế, không nên vội vã khẳng định hay bài xích. Dù sao đi nữa thì thực tiễn quốc tế cho thấy “lớn” chưa chắc đã “mạnh” nếu qui mô và hoạt động vượt ra ngoài khả năng quản trị điều hành. “Bong bóng” kinh tế ở Nhật vào đầu những năm 90, sự đổ vỡ của các chaebol Hàn quốc giữa những năm 90 thế kỷ trước, sự sụp đổ mang tính thế kỷ của các tập đoàn khổng lồ ở Mỹ hiện nay minh chứng cho điều đó. Ngược lại, “nhỏ và vừa” chưa chắc đã đồng nghĩa với “yếu và kém”; chẳng thế mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là xương sống của nền kinh tế các nước, kể cả các nước công nghiệp phát triển nhất vì chúng tạo ra nhiều công ăn việc làm, sản sinh ra nhiều sản phẩm và dịch vụ sát hợp với cuộc sống, đóng góp đáng kể cho GDP và ngân sách, đồng thời có khả năng cơ động linh hoạt cao, nhất là trong những tình huống kinh tế gặp sóng gió.

Vì vậy, có lẽ Nhà nước dành ưu tiên cao đối với chúng, nếu không cao hơn thì chí ít cũng ngang bằng các chủ thể kinh tế lớn.

Thứ năm là, tìm tương quan thoả đáng giữa nội lực và ngoại lực, giữa xuất khẩu và nội nhu, giữa “gen nội” và “gen ngoại” trong nền kinh tế.

Đảng ta nhất quán khẳng định nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng; đi đôi với việc đẩy mạnh xuất khẩu phải chú trọng thị trường trong nước; phát triển nền kinh tế mở, hướng mạnh ra xuất khẩu đi đôi với thay thế nhập khẩu phù hợp với khả năng và hiệu quả; cùng với việc thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài phải ra sức khuyến khích sản xuất trong nước; hội nhập kinh tế quốc tế phải trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ và định hướng XHCN.

Những quan điểm như vậy tưởng như đã rõ song việc xử lý các cặp quan hệ ấy trong thực tế lại không đơn giản. Với kim ngạch xuất - nhập khẩu chiếm tới trên dưới 150 - 160% giá trị GDP, thêm nữa cơ cấu xuất khẩu lại chủ yếu là hàng thô và hàng gia công, càng gia tăng xuất khẩu càng nhập siêu lớn vì phải nhập khẩu quá nhiều nguyên - nhiên - vật liệu và máy móc thiết bị; đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng gần hai chục phần trăm GDP, trên 30% sản lượng công nghiệp, trên 50% giá trị xuất khẩu thì điều dễ hiểu là nền kinh tế nước ta rất dễ bị chấn thương trước những biến động trên thị trường thế giới .

Không nên và không thể đóng cửa nhưng việc tìm ra cho được mối tương quan thoả đáng cho các cặp quan hệ nêu trên lại là điều cần thiết, và điều quan trọng hơn là thực thi những chính sách, biện pháp thiết thực bảo đảm cho mối tương quan đó bền vững, làm cho kinh tế nước ta vừa tận dụng được những cơ hội của hội nhập mở ra, vừa đứng vững trên đôi chân của bản thân mình .

Hiện nay có một vấn đề thời sự đang được quan tâm là dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và phần nào cả gián tiếp, ồ ạt đổ vào nước ta. Đây là điều đáng mừng vì nó chứng tỏ niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với tiềm năng nước ta, bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp phương châm “đa đa ích thiện” đều thích hợp; điều chủ yếu là bình tĩnh xem xét dòng vốn ấy đổ vào đâu; có khớp với yêu cầu phát triển trước mắt và nhất là lâu dài của đất nước không, có gây ra những mất cân đối mới, những thảm hoạ môi trường trong tương lai không... Nói một cách khác, một lần nữa mối quan hệ giữa lượng và chất đã được đề cập ở trên lại hiện hình.

Thứ sáu là, sớm xác định con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá phù hợp với khả năng và yêu cầu của đất nước, khớp với xu thế phát triển của thế giới.

Điều dễ hiểu là trong tình hình hiện nay, những vấn đề thời sự nóng bỏng như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được mọi người bàn thảo sôi nổi, quan tâm sâu sắc. Tuy nhiên, thật không sớm chút nào nếu dành nhiều suy tư hơn cho những vấn đề lâu dài, mà cụ thể là làm thế nào biến nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đây mới là điều hệ trọng, quyết định tương lai của đất nước, đồng thời là phương cách xử lý một cách cơ bản một số vấn đề đẻ ra những khó khăn trước mắt.

Thế nào là một nước được CNH về cơ bản vẫn là một vấn đề còn để ngỏ. Nếu xét về cơ cấu kinh tế thì ngay hiện nay (nửa đầu 2008) công nghiệp đã chiếm 39,30% GDP một tỷ lệ không khác mấy so với nhiều nước CNH. Tuy nhiên ở nước ta tỷ trọng nông nghiệp vẫn còn khá cao (21,36%); dịch vụ, một lĩnh vực thể hiện trình độ phát triển hiện đại thì về đại thể vẫn dẫm chân tại chỗ. Bên cạnh đó, cơ cấu bản thân ngành công nghiệp cũng còn ẩn chứa nhiều sự bất hợp lý, ví dụ ngành công nghiệp phụ trợ quá yếu góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng nhập siêu, ngành xây dựng vẫn được thế giới coi là một trong 11 lĩnh vực dịch vụ thì ở nước ta lại được xếp vào ô công nghiệp...Vậy tới 2020, cơ cấu toàn bộ nền kinh tế lẫn từng lĩnh vực cụ thể sẽ được chuyển dịch thế nào để có thể khẳng định nước ta về cơ bản đã trở thành nước công nghiệp?

Điều quan trọng hơn là bằng cách nào để đạt tới mục tiêu đó? Chắc nước ta không thể sao chép mô hình CNH thế kỷ XVIII - XIX ở các nước châu Âu, thậm chí cũng không thể áp dụng máy móc mô hình CNH của các nước CNH mới (NIC) trong những thập kỷ 60 - 80 thế kỷ XX một phần do những đặc điểm cụ thể của nước ta và một phần do kinh tế thế giới đã thay đổi cơ bản cả về cơ cấu lẫn sự phân công lao động quốc tế. Vậy cách đó là gì, phải làm thế nào là điều đòi hỏi sự tư duy đầy sáng tạo.

Khó hơn nữa là làm thế nào để HĐH. Đây là một khái niệm rộng, HĐH không chỉ liên quan tới CNH mà là toàn bộ xã hội, kể cả cách sống. Đồng thời HĐH là khái niệm động (hôm nay là hiện đại, hôm sau đã lạc hậu), đó là chưa kể HĐH lấy gì, loại hình xã hội nào làm chuẩn. Vì vậy, về mặt này càng cần phải có tư duy sâu sắc và toàn diện hơn.

Đó phải chăng là những vấn đề “đại sự” cần có sự đổi mới tư duy hơn nữa? Sáu khía cạnh trên là những gợi mở để chúng ta cùng nhau suy nghĩ, tìm tòi./.

* Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất