-Phóng viên: Thưa đồng chí, Đại hội Đảng bộ TPHCM (khóa VIII) đến nay đã qua nửa nhiệm kỳ, đồng chí có thể phân tích sâu hơn kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội TP mà Đại hội đã đề ra?
-Đồng chí LÊ THANH HẢI: Kinh tế trên địa bàn TP từng bước phát triển theo hướng nâng cao sức cạnh tranh và bảo đảm tính bền vững. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trưởng khá và liên tục; năm sau cao hơn năm trước trong suốt 8 năm (từ năm 2000 đến cuối năm 2007). Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, nhưng năm 2008, kinh tế TP vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.
GDP trong 9 tháng đầu năm tăng 10,5%, đang có dấu hiệu tăng trưởng khá hơn trong quý 4 và năm 2008 ước đạt khoảng 11%, nên mức tăng trưởng bình quân trong 3 năm 2006 - 2008 vẫn đạt hơn 12%/năm (đúng chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII đề ra). Nhờ vậy, TP có điều kiện đầu tư phát triển các dịch vụ đô thị như diện tích nhà ở, cung cấp nước sạch, giao thông công cộng, bưu chính viễn thông, các phúc lợi văn hóa… Chất lượng sống của người dân và điều kiện hưởng thụ các tiện ích đô thị không ngừng được nâng lên.
Nhờ sớm đề ra và thực hiện xuyên suốt chính sách xóa đói giảm nghèo, nên mức độ phân hóa về chi tiêu giữa các tầng lớp nhân dân tương đối hẹp hơn so với tình hình chung của cả nước. Vị trí và vai trò của TP so với khu vực và cả nước ngày càng được khẳng định. với tinh thần “Vì cả nước, cùng cả nước”, tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn TP cao hơn so với mức bình quân của cả nước từ 1,4 - 1,5 lần trong nhiều năm liền, nên tỷ trọng tổng sản phẩm nội địa so với cả nước ngày càng cao (năm 2008 ước khoảng 21,5% so với 19% năm 2005).
Những thành tựu đạt được trong nửa nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ TPHCM hiện nay là căn cứ thực tiễn để khẳng định sự đúng đắn trong đường lối phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ VIII đã đề ra. Tuy trước mắt còn rất nhiều khó khăn và thách thức, nhưng những gì đã đạt được trong 2 năm rưỡi qua là cơ sở rất quan trọng để chúng ta tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân TP sẽ thực hiện thành công kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2006 - 2010, luôn giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn.
- Đồng chí nói cụ thể những khó khăn, thách thức mà TPHCM đang gặp phải trong quá trình phát triển theo hướng bền vững?
- Tuy đạt được những thành tựu rất cơ bản, nhưng TP đang đứng trước 4 vấn đề lớn, nếu chậm giải quyết hoặc giải quyết không có hiệu quả sẽ trở thành lực cản đối với sự phát triển thành phố theo hướng bền vững
Thứ nhất là cơ cấu kinh tế có sức cạnh tranh thấp: Mặc dù trong 2 thập niên qua, kinh tế TP có tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng do sức cạnh tranh còn thấp nên đang gặp thách thức rất lớn khi hội nhập với kinh tế khu vực và quốc tế. Các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao sức cạnh tranh còn chậm. Giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp chế biến của thành phố giảm tương đối. Tỷ trọng giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã giảm từ 36% năm 1995 xuống còn 28% năm 2006 (con số tương ứng của công nghiệp chế biến cả nước là 41% và 25%).
Việc hỗ trợ di dời và đổi mới thiết bị công nghệ ở các doanh nghiệp gây ô nhiễm thực hiện chậm, các ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của TP. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lúng túng trong hội nhập, nên ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất. Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đề ra trong nhiều năm qua, nhưng triển khai chậm, chưa đạt được yêu cầu. 5 chương trình, công trình trọng điểm do Đại hội Đảng bộ TP lần thứ VIII đề ra, thực hiện chưa đồng bộ và chưa đạt được các mục tiêu cụ thể cho từng năm.
Thứ hai là kết cấu hạ tầng đô thị vốn đã bất cập, nay càng bộc lộ yếu kém so với yêu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh. Tuy TP đã tập trung đầu tư rất mạnh trong các năm qua, nhưng vẫn không theo kịp với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng dân số cơ học, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hệ thống đường vành đai của TP theo quy hoạch, đến nay chưa được nối kết, nên tình trạng giao thông xuyên qua trung tâm TP đã gây ùn tắc giao thông nhiều hơn.
Tình trạng ngập nước, nhất là do triều cường và tình hình tắc nghẽn giao thông trong các năm gần đây đã đặt TP đứng trước thách thức nghiêm trọng trong quản lý và phát triển đô thị. Mặc dù, trong kế hoạch dài hạn, Chính phủ và TPHCM đã đề ra những giải pháp căn cơ nhằm giải quyết tình trạng giao thông và ngập nước, nhưng trong những năm trước mắt, khi các dự án đầu tư lớn chưa hoàn thành, thì TP còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh.
Tình trạng ô nhiễm môi trường còn rất nặng nề; hộ dân sống trên và ven kênh rạch vẫn còn tồn tại với số lượng lớn, chưa thể khắc phục nhanh được. Công tác quản lý quy hoạch và xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Một bộ phận dân cư chưa theo kịp những yêu cầu về nếp sống và xây dựng văn minh đô thị.
Thứ ba là nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Một điều có vẻ bất hợp lý là TPHCM đang chiếm vị trí thứ hai so với cả nước (chỉ sau thủ đô Hà Nội) về cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ và đội ngũ khoa học - kỹ thuật, nhưng lại đang đứng trước thực trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao. Từ 10 năm trước, TP đã đề ra “Chương trình phát triển nguồn nhân lực” và chính thức trở thành 1 trong 12 chương trình, công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2001-2005, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu phát triển TP theo mục tiêu quy hoạch.
Định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP theo hướng phát triển các ngành kinh tế có hàm lượng khoa học - kỹ thuật và giá trị gia tăng cao, nhưng chưa gắn kết được định hướng này với hệ thống đào tạo trên địa bàn, nên quan hệ cung - cầu của thị trường lao động bị méo mó. Hiện nay nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao đang thiếu hụt nguồn lao động. Đây là thách thức lớn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh và tiếp tục giữ vai trò động lực của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thứ tư là tổ chức, quản lý và phát triển đô thị còn bất cập. Chương trình cải cách hành chính tuy mang lại những kết quả nhất định ở từng cấp, từng ngành, từng loại công vụ, nhưng nhìn chung, nền hành chính địa phương chưa thực sự chuyển biến: chuyển từ nền hành chính nặng về quản lý, chế tài sang nền hành chính nặng về phục vụ. Nạn quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn khá phổ biến ở một số cơ quan công quyền.
Trình độ cán bộ, công chức các cấp, các ngành không đều, tính chuyên nghiệp chưa cao, nên ảnh hưởng đến chất lượng công vụ. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước các cấp chưa mang lại hiệu quả và hiệu lực theo yêu cầu quản lý. Ở đây có nguyên nhân về thủ tục hành chính, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, nhưng nguyên nhân bao trùm và sâu xa vẫn là sự bất cập của mô hình tổ chức và quản lý đô thị, nhất là loại hình siêu đô thị như TPHCM. Về vấn đề này, TP đã quan tâm nghiên cứu, kiến nghị Trung ương “Đề án tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị” và hiện đang trong quá trình xem xét cho TP thực hiện thí điểm.
- Những tháng cuối năm 2008 và chắc chắn trong năm 2009, TPHCM vẫn phải chịu tác động bất lợi của tình hình chung trong nước và quốc tế. Như vậy, TP cần có những giải pháp cơ bản nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng KTXH của nhiệm kỳ Đại hội VIII của TP?
- TPHCM nhận thức rằng, để giải quyết vấn đề lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới hiện nay không thể thực hiện trong một thời gian ngắn được, mà cần phải có một kế hoạch trung hạn từ nay đến hết năm 2010. Đối với TPHCM có một số dự kiến như sau:
GDP trên địa bàn năm 2008 có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 11%, mặc dù TP đang tập trung chỉ đạo để phát huy mọi nguồn lực, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ nhằm kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của TP, tránh những giảm sút lớn; đồng thời, TP ưu tiên thực hiện các chính sách xã hội theo chủ trương chung của Bộ Chính trị và Chính phủ nhằm giảm khó khăn cho tầng lớp dân cư nghèo và cận nghèo, công nhân và những người đang hưởng các chế độ, chính sách của nhà nước. Rà soát và cắt giảm nhiều dự án đầu tư chưa thật sự bức xúc; dồn nguồn vốn cho các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng.
Năm 2009, với ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nên TP sẽ đề ra mục tiêu tăng trưởng để giữ không cao hơn mức đạt được của năm 2008 và sẽ thấp hơn năm 2007; trên cơ sở đó cân đối các nguồn lực khác (mục tiêu tăng GDP trên địa bàn TP phấn đấu đạt mức tương đương 1,5 lần tốc độ tăng GDP bình quân của cả nước). Mặc dù hiện nay rất nhiều chỉ tiêu trong mục tiêu phát triển KTXH 5 năm 2006 - 2010 TP đã và đang đạt được, nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân trong 5 năm trên 12%/năm, cần phải có những giải pháp đột phá, vì năm 2009 và năm 2010 vẫn còn là thời kỳ ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chưa thể tăng tốc phát triển.
Do đó, về quan điểm, TP sẽ tập trung mọi nỗ lực để thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ, trong đó vẫn ưu tiên tập trung các chính sách xã hội trên địa bàn như chương trình nhà ở đô thị, y tế, giáo dục và các phúc lợi xã hội khác...; đẩy nhanh tiến độ thực hiện 5 chương trình, công trình trọng điểm từ nay đến hết năm 2010 đạt kết quả cao nhất, tạo cơ sở cho sự phát triển các năm tiếp theo.
- Về nhiệm vụ then chốt - công tác xây dựng Đảng, nét nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua là gì, thưa đồng chí?
- Công tác xây dựng Đảng, trước tiên là công tác tư tưởng luôn gắn liền với lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, an dân trong mọi tình hình; do đó, đã không ngừng nâng cao sức chiến đấu, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình diễn biến tư tưởng trong Đảng, trong các tầng lớp nhân dân, kịp thời có những chủ trương, giải pháp có hiệu quả. Đã có sự đổi mới, nâng chất việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo sự nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Một hoạt động nổi bật trong công tác xây dựng Đảng vừa qua là việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đó là một bộ phận hữu cơ của công tác xây dựng Đảng và chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng.
Qua gần hai năm thực hiện cuộc vận động, đã có sự chuyển biến về nhận thức và xuất hiện nhiều gương sáng rèn luyện đạo đức; vị trí, tầm quan trọng của đạo đức đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội được đề cao, là “gốc” của mọi người. Cuộc vận động đã được gắn kết với các nhiệm vụ thường xuyên của từng địa phương, đơn vị nên hiệu quả công tác được tốt hơn, đồng thời mỗi cá nhân có điều kiện phấn đấu, rèn luyện cùng tập thể, tránh được những sa sút về đạo đức, những sai phạm trong công tác.
Đến nay, Thành ủy đã hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ dự bị các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015; tạo nguồn cán bộ dài hạn và chương trình đưa cán bộ về cơ sở. Đặc biệt, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo 300 tiến sĩ - thạc sĩ, TP tiếp tục đào tạo 500 tiến sĩ - thạc sĩ (đến năm 2010), bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ (giai đoạn 2007 - 2010)… TP đặc biệt coi trọng trẻ hóa cán bộ. Vừa qua, Thành ủy đã bầu 4 cán bộ trên dưới 40 tuổi bổ sung vào Thành ủy và mỗi quận - huyện bổ sung 10% cán bộ trẻ dưới 35 tuổi (đại học chính quy, cao cấp chính trị tập trung).
Đồng thời, TP quy hoạch dài hạn 975 cán bộ trẻ (có 280 từ nguồn sinh viên), trong số này, đã có 33% cán bộ trẻ được đề bạt, bổ nhiệm vào các chức trưởng, phó phòng quận - huyện, trưởng đầu ngành cấp phường, xã, thị trấn. Thời gian tới, TP tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt là ở khu vực kinh tế tư nhân; nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ dự bị, cán bộ trẻ dài hạn; đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ.
Vừa qua, mỗi nhiệm kỳ, TP đều có cán bộ được điều động ra công tác ở Trung ương. Chính vì vậy, Đảng bộ TP xác định xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực không chỉ là nhiệm vụ hàng đầu của TP, mà còn vì trách nhiệm đối với Trung ương.
Công tác kiểm tra, giám sát ngày càng được nhận thức sâu hơn, việc thực hiện được tăng cường và đi dần vào nền nếp. Cùng với việc sơ kết, tổng kết các chỉ thị, quy định của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy triển khai nhiều chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, trọng tâm là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, số đảng viên bị thi hành kỷ luật chiếm 0,36% tổng số đảng viên trong Đảng bộ. Nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng và vận động nhân dân.
Kế thừa thành tựu của các nhiệm kỳ trước và từ thực tiễn sinh động của nửa đầu nhiệm kỳ về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Thành ủy TPHCM quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ TP nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố trở thành một thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, xứng đáng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng!
- Xin cảm ơn đồng chí!
(SGGP)