Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 19/9/2008 15:13'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng dạy và học các môn khoa học Mác --Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay

Trước hết, về nguyên tắc, cần khẳng định tầm quan trọng của các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Yêu cầu về trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học; yêu cầu về giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ; yêu cầu về giữ vững mục tiêu XHCN trong giáo dục và đào tạo càng khẳng định phải không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng, chẳng những trong thời gian qua, hiện nay và mãi mãi sau này. Giáo dục và đào tạo có nhiệm vụ đào tạo ra thế hệ công dân mới có đủ phẩm chất, bản lĩnh và trí tuệ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là, đổi mới toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà với bước đi, cách làm thích hợp đã bao hàm yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học tất cả các bộ môn khoa học. Vì thế các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không thể nằm ngoài yêu cầu chung đó. Mục tiêu là tạo các điều kiện để đổi mới nội dung, phương pháp và phương tiện dạy và học, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường về các bộ môn này. Với tính đặc thù các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, việc nâng cao chất lượng dạy và học phải đảm bảo tính nguyên tắc và dựa trên những luận cứ khoa học xác đáng; giảm tải không thể rời xa mục tiêu giáo dục, đào tạo và luôn phải dược gắn với mục tiêu CNXH; đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam vừa hồng, vừa chuyên, có khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giầu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc; trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại. Như vậy, nâng cao chất lượng trong giáo dục và đào tạo có nội dung rất sâu sắc hoàn toàn khác biệt với quan niệm giản đơn và giảm cơ học thời gian dạy học các môn này. Theo phương châm lấy người học làm trung tâm, người học - học sinh, sinh viên - chủ động, tích cực, tự giác nghiên cứu tài liệu, giáo trình, giáo khoa... biến kiến thức của nhân loại thành kiến thức của mình. Vì vậy, có thể giảm thời gian lên lớp thuyết trình của giảng viên, dành thời gian cho học sinh, sinh viên tự nghiên cứu, viết bút ký, trao đổi, thảo luận dưới sự hướng dẫn của giảng viên; đối thoại với giảng viên. Để làm được điều đó, giảng viên cần hướng dẫn cho học sinh, sinh viên những nội dung cơ bản, những tài liệu cần nghiên cứu, cần đọc…

Trong điều kiện nước ta đã là thành viên của WTO, hội nhập ngày càng sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới, việc nâng cao chất lượng càng phải kiên định vị trí, tầm quan trọng các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và định hướng XHCN.

Ba là, với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu cầu chúng ta có cách tiếp cận đúng đắn và toàn diện về các vấn đề nội dung, phương pháp, phương tiện; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, quy chế thi cử đối với các môn khoa học này trong nhà trường... Cần rà soát một cách tổng thể, để đi tới đổi mới mạnh mẽ các môn khoa học này, cả về nội dung chương trình, tài liệu sách giáo khoa, giáo trình, phương pháp dạy và học. Quá trình đổi mới này cần dựa trên cơ sở bảo đảm mối quan hệ tương quan, liên thông giữa các loại chương trình trong hệ thống giáo dục quốc dân với các chương trình dành cho các hệ thống trường chính trị của Đảng, đoàn thể cũng như thực hiện những quy định khác về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng. Nếu làm được việc này chúng ta dần sẽ khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp, lãng phí tiền của và công sức trong đào tạo nguồn nhân lực nói chung và trong đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng và Nhà nước nói riêng.

Với những định hướng cơ bản trên, chúng tôi xin nêu một số ý kiến có tính chất trao đổi như sau:

Thứ nhất, vấn đề đáng quan tâm hiện nay của cả thầy và trò trong các nhà trường là hệ thống khung chương trình và chương trình, nội dung các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần xác định rõ, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính khách quan, khoa học, cung cấp thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan cho người học. Vì vậy, nội dung chương trình nhất thiết phải đảm bảo đủ các nguyên lý cơ bản này.

Mặt khác, cũng cần thấy rõ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống mở, được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc, được bổ sung, phát triển và hoàn thiện trong quá trình phát triển của thực tiễn xã hội và cách mạng. Vì vậy, ngoài các nguyên lý cơ bản, trong chương trình, cần thiết phải có những nội dung đường lối, quan điểm của Đảng, đó là sự vận dụng các nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của nước ta và tổng kết kinh nghiệm của một số nước.

Dạy và học các môn khoa học Mác-Lênin, tư tường Hồ Chí Minh để nhằm đào tạo ra các thế hệ người Việt Nam có nhân sinh quan đúng đắn, yêu nước, phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân, nên chương trình cần thiết có những nội dung về đạo đức, nhân cách nghề nghiệp phù hợp với từng ngành đào tạo. Sự đổi mới nội dung chính trị, theo chúng tôi cần nhấn mạnh những nội dung đó.

Thứ hai, cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp và phương tiện dạy học các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta không thể để việc dạy và học các bộ môn này lạc hậu quá nhiều so với các môn học khác, nhất là trong việc vận dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, sử dụng các công cụ, phương tiện dạy học hiện đại. Để làm được điều đó, cần thiết phải có những quy định cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự hỗ trợ từ các nguồn, trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng đề án trình các cơ quan có trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ ba, người thực hiện chủ yếu việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là các thầy giáo, cô giáo. Chúng ta đều biết, chất lượng giáo dục, đào tạo phụ thuộc phần lớn vào chất lượng đội ngũ giáo viên. Cơ sở vật chất, trường lớp khang trang, hiện đại đến mấy, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu học tập có tốt đến mấy nhưng thiếu thầy giáo, cô giáo giỏi thì không thể có trò giỏi, không thể có chất lượng giáo dục tốt. Vì thế, Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng nhấn mạnh, cùng với đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường thì cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Ngành giáo dục và đào tạo đang tích cực triển khai đề án đã được Chính phủ phê duyệt “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010“ trong đó có đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đội ngũ nhà giáo này ngoài những đặc điểm chung của nhà giáo còn có nét đặc thù riêng của người làm công tác tư tưởng-văn hóa, lý luận chính trị của Đảng. Không chỉ thuần tuý là người truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên bục giảng mà còn là người tham gia nghiên cứu, tổng kết thực tiễn cách mạng, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, nói, viết và làm đúng theo Nghị quyết của Đảng, thật sự là tấm gương tác động tích cực, trực tiếp vào lớp trẻ học sinh, sinh viên. Với tính đặc thù trên, đặt ra vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên các môn khoa học này đáp ứng đủ cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng cho nhu cầu đào tạo của các trường, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa đội ngũ này.

Thứ tư, công tác quản lý chỉ đạo. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp, cho cả đội ngũ giảng viên, đội ngũ học sinh, sinh viên về vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục và đào tạo. Bên cạnh việc đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình các môn khoa học này sao cho phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và của giáo dục đào tạo cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với lộ trình đổi mới giáo dục và đào tạo.

Rà soát lại, hủy bỏ những chế độ chính sách lạc hậu hoặc bổ sung, thêm mới chế độ chính sách đối với đội ngũ giảng viên các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho họ tâm huyết, gắn bó với nghề nghiệp.

Cần thống nhất, quản lý chặt chẽ việc thi cử, kiểm tra, đánh giá dúng kết quả học tập, nói không với bệnh thành tích, chống tiêu cực trong dạy và học. Thống nhất, quản lý việc cấp văn bằng, chứng chỉ đối với các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn bộ hệ thống các loại hình trường lớp. Đổi mới các hình thức tổ chức thi cử, kiểm tra sao cho thiết thực và hiệu quả, tránh phô trương hình thức, tốn kém.

Tăng cường kinh phí đầu tư cho lĩnh vực giáo dục Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là gắn nội dung môn học với thực tiễn cuộc sống, lý luận từng bước giải đáp được những vấn đề thực tiễn sinh động đang đặt ra cho cách mạng nước ta, nhằm khắc phục tình trạng khô cứng của môn học, làm cho các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự là môn khoa học hấp dẫn, trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội./.

 PGS, TS. Vũ Văn Phúc,
 
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất