63 năm đã trôi qua, kể từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, dù tên gọi có thể thay đổi qua các giai đoạn chiến lược khác nhau – từ Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà sang Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng nhân tố bản chất nhất của Nhà nước đó không thay đổi cơ bản: Nhà nước của dân chủ, đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội.
Nhân tố bản chất đó trước hết được thể hiện từ công nghệ xác lập và thành phần tham gia cũng như mục tiêu hoạt động của Nhà nước ngay từ những ngày đầu ra đời của nó.
Trong lịch sử phát triển của cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên (năm 1946) của chế độ chính trị mới là một đỉnh cao rất đáng ghi nhận. Mặc dù trong điều kiện vừa giành được chính quyền, nhưng đã có 89% cử tri đi bầu. Số đại biểu tự ứng cử rất cao. Chẳng hạn, ở Hà Nội, số tự ứng cử gấp 10 lần số đại biểu cần bầu. Trong 403 đại biểu Quốc hội khoá I, có 43% không đảng phái. Hơn nữa, do bối cảnh đặc biệt khi đó, theo thỏa thuận trước cuộc bầu cử đạt được ngày 24-12-1945 giữa Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh) với Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách), ngoài 333 đại biểu Quốc hội do Tổng tuyển cử, còn có 70 đại biểu Quốc hội là người của Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội – những đại biểu “truy nhận”, không qua bầu cử. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá I, ngày 2-3-1946, Vĩnh Thuỵ (tức cựu hoàng Bảo Đại) đã được Quốc hội mời làm cố vấn tối cao cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Về thành phần xã hội trong Quốc hội khoá I: Trí thức 61%; công nghệ gia: 0,6%; thợ thuyền: 0,6%; buôn bán 0,5%; nông dân 22%... Đó thực sự là một Quốc hội tiêu biểu cho dân chủ, đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội.
Truyền thống đó ở Việt Nam được các thế hệ kế tục gìn giữ phát huy qua các kỳ bầu Quốc hội cũng như trong tổ chức và vận hành của Nhà nước ở các nhiệm kỳ tiếp theo.
Trong các cuộc bầu cử Quốc hội gần đây, số dư trong danh sách bầu cử tăng lên. Chẳng hạn, Quốc hội khoá XI có 759 ứng viên, bầu lấy 498 đại biểu Quốc hội; khoá XII có 876 ứng viên, bầu lấy 493 đại biểu Quốc hội. Qua đó cho thấy khả năng lựa chọn của cử tri được mở rộng hơn. Chất lượng các ứng viên trong danh sách đưa về một khu vực bầu cử tương đối đồng đều.
Sinh hoạt của Quốc hội ngày một công khai hoá và dân chủ hơn. Tinh thần thảo luận – tranh luận ngày một sôi nổi, đi vào thực chất; việc chất vấn các đại biểu Quốc hội có cương vị cao trong bộ máy nhà nước ngày càng có chất lượng và hiệu quả cao. Không khí phê bình trên tinh thần đoàn kết, xây dựng vì sự phát triển tiến bộ của xã hội và trách nhiệm trước cử tri đã đựơc quan tâm đúng mức; sự đồng thuận trong việc thực hiện chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao của Quốc hội thể hiện này một rõ nét.
Bản chất dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội của Nhà nước ta cũng được thể hiện trong quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, đó là một thước đo rõ nhất của dân chủ. Trong vấn đề này, trước hết là nỗ lực của Quốc hội trong việc đẩy mạnh quá trình thể chế hoá các quyền công dân, quyền con người mà Nhà nước có nghĩa vụ thực hiện và bảo đảm; ban hành ngày càng đầy đủ hơn những văn bản pháp luật đáp ứng nhu cầu cuộc sống đa dạng của công dân cả trong quan hệ đối nội lẫn quan hệ đối ngoại. Vấn đề này đã đựơc Đảng sớm quan tâm. Ngay khi chưa trở thành Đảng cầm quyền, Đảng ta đã chú ý vấn đề lập pháp và nội dung của pháp luật trong chế độ mới do Đảng lãnh đạo. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11-1940) đã đề ra nhiệm vụ “... Ban bố Hiến pháp dân chủ, ban bố những quyền tự do dân chủ cho nhân dân: tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp”(1).
Trong tiến trình đổi mới, Đảng ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện mới. Chiến lược lập pháp đã ra đời. Thực hiện Chiến lược đó, tốc độ lập pháp ngày một gia tăng. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá X, Quốc hội đã thông qua 32 Luật và Bộ luật, 29 pháp lệnh. Trong nhiệm kỳ khoá XI, qua 11 phiên họp, Quốc hội đã thông qua 86 dự án Luật. Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XII đã thông qua 7 dự án Luật, kỳ hợp thứ ba thông qua 11 dự án Luật… Trong các nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, X và XI, số văn bản luật và pháp lệnh được ban hành gấp nhiều lần so với tất cả các nhiệm kỳ trước cộng lại.
Tiếp xúc của đại biểu Quốc hội với cử tri được thực hiện nền nếp và ngày một cải tiến, đi sâu vào thực chất, nêu cao tính thiết thực, nhờ vậy, đại biểu Quốc hội hiểu rõ hơn nhu cầu bức xúc của cử tri đã bầu mình, còn cử tri qua đó cũng hiểu rõ hơn tình hình hoạt động của đại biểu Quốc hội mà mình đã bầu. Sự am hiểu đó, đối với đại biểu Quốc hội, có thêm cơ sở thực tế sống động cho việc đóng góp ý kiến trong các phiên họp Quốc hội, làm cho những ý kiến đó ngày càng mang đậm hơi thở của cuộc sống. Về phía cử tri, việc đề đạt nguyện vọng, giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội có tính kịp thời, thiết thực, hiệu quả hơn…
Việc cải cách nền hành chính quốc gia được thực hiện theo tinh thần dân chủ hoá, chính quy hoá, hiện đại hoá, hiệu quả hoá trên cả bốn lĩnh vực: tổ chức bộ máy; thể chế, thủ tục hành chính; đội ngũ công chức, công vụ và quản lý tài chính công.
Dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội trong tổ chức và vận hành của nền hành chính quốc gia thể hiện tập trung trong sinh hoạt và chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp. Chính phủ họp thường kỳ hằng tháng. Kết quả phiên họp được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân được biết, theo dõi việc thực hiện. Trong sinh hoạt của Chính phủ, mọi thành viên đều dân chủ bàn bạc, quyết định; những ý kiến khác nhau được thẳng thắn trình bày; quyết định theo đa số và phù hợp với pháp luật, nhưng ý kiến của thiểu số được tôn trọng. Chức năng của các cơ quan trong hệ thống hành chính từ Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đến Uỷ ban nhân dân các cấp đã được phân định rõ hơn ; nhờ vậy, giảm dần sự lấn sân nhau cũng như sự ỷ lại vào nhau; hiệu quả hoạt động được nâng cao một bước đáng kể. Sự chỉ đạo của Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp trong việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế – xã hội kịp thời, hiệu quả hơn. Gần đây nhất, đó là sự chỉ đạo kiềm chế lạm phát, ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh, khắc phục hậu qủa lũ lụt, tai nạn lớn…
Thể chế hành chính từng bước đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ và các cơ quan hành chính các cấp được sắp xếp, điều chỉnh tinh giản hơn trước, làm cho bộ máy ngày càng “gần dân, thân dân”; tính chất một bộ máy phục vụ dân từng bước được xác lập và hoàn thiện.
Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý kinh tế ngày càng được chuyên môn hoá, có nghề; tình trạng “nghiệp dư” giảm rõ rệt. Sự tham gia của nhân dân vào quản lý nhà nước, quản lý kinh tế ngày một mở rộng. Một số công việc vốn do Nhà nước đảm nhiệm đã và đang từng bước được chuyển vào tay nhân dân, để nhân dân tự thực hiện.
Tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân - cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - có một số đổi mới:
- Thành lập thêm các Toà chuyên trách (như Tòa Hành chính, Tòa Lao động, Tòa Kinh tế) để đáp ứng nhu cầu bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Đã có một số trường hợp người dân kiện cơ cơ quan hành chính nhà nước và họ thắng kiện. Điều đó, một mặt, nói lên trình độ được nâng lên của nhân dân trong nhận thức và thực thi quyền dân chủ của mình ; mặt khác, nói lên quá trình dân chủ hoá mối quan hệ giữa chính quyền nhà nước và công dân đã có những tiến bộ đáng kể.
- Việc phán quyết của Toà án đã chú ý căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà và trên cơ sở xem xét toàn diện các chứng cứ tại hồ sơ. Đó là hai cơ sở trực tiếp nhất cho việc nghị án. Sự chỉ đạo của cấp uỷ đảng trên lĩnh vực tư pháp và xét xử có mục tiêu cơ bản nhất là bảo đảm quá trìrnh điều tra, xét xử được thực hiện đúng pháp luật. Tình trạng “bản án bỏ túi” đã được loại bỏ về cơ bản. Từ đó, sự đồng thuận xã hội đối với các kết luận của phiên toà tăng lên.
- Kể từ khi có Hiến pháp năm 1992, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương không chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên, sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, mà còn chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân, trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Đó cũng là một biểu hiện của dân chủ…
Bên cạnh những tiến bộ đã đạt được làm cho bản chất dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội trong tổ chức và vận hành của Nhà nước đựơc thể hiện ngày một đậm nét, liên quan tới vấn đề này, cũng còn một số hạn chế sau đây:
- Quan niệm về Nhà nước của dân, do dân, vì dân chưa thật sáng tỏ.
Khi nói tới nhà nước của dân, do dân, vì dân, ít nhất cần khẳng định một số điểm sau đây :
Một là, nhà nước đó do nhân dân lập ra thông qua cơ chế phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín ;
Hai là, tự nó, mọi cơ quan nhà nước không có quyền. Mọi quyền lực mà các cơ quan đó có được đều do nhân dân uỷ quyền cho nó ;
Ba là, mọi hoạt động của Nhà nước phải đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân;
Bốn là, nhân dân có quyền tỏ tín nhiệm hay bất tín nhiệm đối với những bộ phận nhất định của Nhà nước cũng như đối với những cán bộ đảm đương công việc trong bộ máy nhà nước.
Do chưa nhận thức rõ những điểm vừa nêu, chúng ta còn lúng túng trong tổ chức và vận hành trên thực tế. Chẳng hạn, theo quy định của Hiến pháp và luật hiện hành, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng có quyền ra pháp lệnh, Chính phủ cũng có quyền ban hành các nghị định độc lập và trên thực tế đối với tổ chức, cá nhân thì các pháp lệnh và nghị định cũng có hiệu lực cao trong thi hành. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, nhưng Chính phủ cũng có những thẩm quyền về ban hành nghị định độc lập, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới, chỉ đạo công tác thi hành án, hoạt động điều tra...
- Để thực sự là Nhà nước của dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội, Nhà nước phải làm tốt vai trò là thiết chế tổ chức có chức năng tìm ra những điểm tương đồng giữa các bộ phận cấu thành dân cư, nêu cao mặt tương đồng để hạn chế tác động tiêu cực của mặt dị biệt. Đó là cơ sở quan trọng nhất của dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội. Song, trong thực tế hoạt động, không phải khi nào và bao giờ cơ quan nhà nước các cấp cũng làm rõ và làm tốt vấn đề này. Do vậy, tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài, vượt cấp vẫn chưa thuyên giảm; tình trạnh đình công, bãi công diễn ra gay gắt ở một số nơi; điểm nóng chính trị, xã hội có nguồn gốc từ vấn đề dân tộc, tôn giáo còn tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực tới dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội…
Để hạn chế, tiến tới khắc phục triệt để những yếu kém nêu trên để Nhà nước ta thực sự là Nhà nước của dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hôị, cần:
- Tiếp tục nghiên cứu, làm sâu sắc hơn những quan điểm cơ bản đã được khẳng định trong việc xây dựng Nhà nước nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân mà Đại hội VIII của Đảng đã nêu ra(2).
- Đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng: pháp luật phải là công cụ kết hợp hài hoà các lợi ích chính đáng của mọi giai cấp, tầng lớp, cộng đồng xã hội khác nhau, giữa lợi ích của công dân với lợi ích của sự phát triển xã hội - khi ở đó có những nhân tố cục bộ, tạm thời, trước mắt không thật tương thích với nhau; là công cụ để nhân dân đấu tranh loại bỏ mọi nhân tố gây mất dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội phát sinh từ bất kỳ phía nào.
- Xây dựng một cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện xã hội thật sự có hiệu lực và hiệu quả đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Để nhân dân thực hiện có hiệu quả vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội đối với tổ chức và hoạt động của Nhà nước, điều kiện đầu tiên là tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải được minh bạch hoá, công khai hoá; nhân dân có khả năng tiếp cận với mọi thông tin cần thiết cho vịêc thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện của mình. Điều kiện thứ hai không kém phần quan trọng là năng lực nhận thức, năng lực phản biện, kiểm tra - giám sát... của nhân dân phải được nâng cao tương xứng với yêu cầu của chức năng đó.
- Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nền hành chính quốc gia theo hướng hình thành trong thực tế một nền hành chính nhà nước thực sự của dân, phục vụ nhân dân, gần dân, thân dân, trong sạch, có hiệu quả; cán bộ, công chức nhà nước thực sự là công bộc của dân; xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế sao cho không diễn ra tình trạng “nhân dân uỷ quyền cho Nhà nước thực hiện các quyền lực của dân rồi nhân dân mất quyền”, đó là biện pháp có hiệu quả nhất trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng của cơ quan nhà nước, của công chức nhà nước.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đây là nhân tố bảo đảm dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lằn thứ X của Đảng đã khẳng định, Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc (3). Mang bản chất đó, Đảng trở thành biểu tượng của dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội. Sự hoá thân bản chất đó của Đảng vào Nhà nước thông qua việc lãnh đạo xây dựng Nhà nước về tổ chức, phương thức hoạt động; lãnh đạo xác định nội dung, mục tiêu của Nhà nước... sẽ mang lại cho Nhà nước ta nhân tố bản chất của Đảng...
Một số giải pháp nêu ra trên đây chắc chắn không phải là tất cả, nhưng việc thực hiện có hiệu quả những giải pháp đó sẽ góp phần làm cho Nhà nước ta thực sự là Nhà nước của dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội; góp phần tích cực vào phát triển đất nước, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân; nhờ vậy, việc đạt mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh sẽ thuận lợi hơn./.
GS,TS Phạm Ngọc Quang
———————
(1) Văn kiện Đảng (từ 25-1-1939 đến 2-9-1945), Nxb ST, H, 1963, tr.153.
(2) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quôc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H, 1996, tr.195.
(3) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb CTQG, H, 2006, tr.130.