Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 17/9/2008 11:17'(GMT+7)

Vai trò của trí thức đối với doanh nhân, doanh nghiệp

Thi công trụ cầu Cần Thơ

Thi công trụ cầu Cần Thơ

I. Trí thức trong lịch sử công, thương, chấn hưng đất nước

Ở thế kỷ XVIII, những cải cách táo bạo ngang tầm thời đại của vương triều Quang Trung đều thành công rực rỡ là nhờ tầm nhìn kinh tế xa rộng, đường lối dân vi bản “để giữ chặt lòng người” (Chiếu lên ngôi), chính sách “cầu hiền tài”, “chiếu khuyến nông”, tư tưởng “thông thương tiến bộ”, mở cửa biên giới đối với nhà Thanh, tăng cường quan hệ kinh doanh với thuyền buôn các nước tư bản phương Tây. Chủ trương chấn hưng công, thương nghiệp của vị minh quân Quang Trung được thể hiện ở sắc lệnh “khoan thư” sức dân, mở cửa ải, thông thương buôn bán, khiến cho các hàng hóa không ngưng đọng, cốt làm lợi cho dân chúng. Đối với trí thức, nho sĩ, kể cả quan lại trong vương triều cũ, tài năng đều được thuyết phục, sử dụng vào bộ máy nhà nước, ở những chức vụ cao xứng đáng với tài năng của họ. Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp là những bậc thâm Nho, đại bút có nhiều kế sách để xây dựng nền kinh tế hàng hóa, nền giáo dục, học thuật giàu bản sắc văn hiến, với ý thức tự chủ, tự cường rất cao.

Dưới thời Nguyễn, thủ công nghiệp trong nhân dân khá phát triển, nhưng vì chính sách “trọng nông ức thương” đã ảnh hưởng xấu tới phát triển nội, ngoại thương, thiếu những doanh nhân giàu có đứng ra kinh doanh các mặt hàng quan trọng (xây dựng, nghề sành sứ, dệt tơ lụa) làm cơ sở cho sự ra đời các công trường thủ công tư bản chủ nghĩa. Hiện tượng nhà kinh doanh Chu Văn Hổ tự bỏ vốn, xin nhà nước cho khai thác mỏ kẽm Bản Sơn (Thái Nguyên) với nhiều công nhân được chuyên môn hóa chỉ là cá biệt.

Gần với thời đại chúng ta, Nguyễn Trường Tộ (1828 - 1871) là nhà đại trí thức, nhà tư tưởng kiệt xuất với những cải cách lớn vượt hẳn lên trên thời đại với 14 bản điều trần tâu lên nhà vua đề cập đến hầu hết các lĩnh vực đời sống, nổi bật là ngoại giao, ngoại thương, khai mỏ, đào tạo nhân tài. Cải cách kinh tế của ông nổi lên tư tưởng trọng nông; các tài nguyên: hải sản, lâm sản, khoáng sản cần được khai thác theo kỹ nghệ phương Tây; cử người đi học nước ngoài, hợp tác với tư bản ngoại quốc; chống lại việc đóng lại các cửa biển. Tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ xuất phát từ lòng yêu nước, đáp ứng nhu cầu phát triển khách quan của xã hội. Nhưng do tâm lý bảo thủ, tư tưởng trì trệ, hoài nghi của vua và các đình thần, kết cục tư duy cải cách đó nằm lại trên trang giấy.

Nhìn lại lịch sử các triều đại phong kiến ở nước ta, các đấng minh vương thánh đế không ai không lấy việc quy tụ nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí được coi là đại sự. Sự nghiệp chấn hưng đất nước phồn vinh, sự phát đạt của công thương có được trước hết là nhờ những chính sách tiến bộ của các minh quân, biết quy tụ trí thức, hiền tài. Câu nói tổng kết của nhà bác học Lê Quí Đôn giúp người đời sau hiểu thêm chân lý sáng ngời của tiên tổ: “phi công bất phú; phí thương bất hoạt; phi nông bất ổn; phi trí bất hưng”. Thế là bốn giai tầng xã hội: công, thương, nông, trí liên minh với nhau, trở thành động lực to lớn của phát triển đất nước.

Trong thời đại hiện đại, suốt hơn 60 năm lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã nhận thức đầy đủ về vai trò của trí thức. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết; kiến thiết phải có nhân tài… E vì chính phủ nghe không đến, đến nỗi các bậc đức tài không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Đó là lời xã giao khiêm nhường của vị lãnh tụ. Trên thực tế Người đã có những quyết sách hào phóng, trọng dụng, biệt đãi nhiều trí thức tinh hoa, kể cả những trí thức dưới chế độ cũ hoặc từ các nước tư bản. Vào những năm 90, ba nghị quyết về giáo dục và đào tạo, về khoa học và công nghệ, về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đi vào đời sống (NQTW 2 và 5 - khóa VIII) đã coi GD, ĐT là quốc sách hàng đầu, là khâu đột phá trong sự nghiệp CNH, HĐH; coi trí thức là bộ phận trọng yếu. Mới đây là nghị quyết về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Nói chuyện trí thức ảnh hưởng đến doanh nhân, doanh nghiệp cũng nên nhìn sang các nước trong khu vực. Ở đó họ nhanh, nhạy và giỏi hơn ta. Ở Trung Quốc, trong vòng 10 năm thi hành chính sách mở cửa (1979 - 1988), đã lôi cuốn hai mươi triệu trí thức vào sự nghiệp phát triển kinh tế, minh oan cho hơn nửa triệu trí thức bị xử lý oan trong “cách mạng văn hóa”, kết nạp hai triệu trí thức vào Đảng, nâng số trí thức lãnh đạo cấp huyện trở lên chiếm trên 72%; có khoảng 1000 trí thức tinh hoa đóng góp vào những thành tựu khoa học công nghệ cao (kể cả trí thức từ Mỹ và Tây Âu được mời về nước). Còn người Nhật ? Năm 1970, Nhật Bản đứng thứ ba trong số các nước công nghiệp phát triển, năm 1978 đứng thứ hai. Những năm đầu 80, trình độ cao của công nghệ Nhật đã vượt Mỹ trong một số lĩnh vực: luyện thép, chế tạo xe hơi, máy công cụ có bảng chỉ huy bằng số, sợi quang học, thông tin học, y học, điện tử, người máy công nghiệp. Hàm lượng trí thức và kỹ năng chiếm tới 80% giá trị sản phẩm, trong khi ở Mỹ tỷ lệ này chỉ 60%.

II. Tác động của trí thức đối với doanh nhân, doanh nghiệp

Trong nền kinh tế tri thức, sự tác động trực tiếp, có hiệu quả của giới trí thức, của hàm lượng trí tuệ đối với sản xuất, lưu thông, phân phối đối với trí tuệ doanh nhân là một đặc điểm của phát triển. Sự tác động diễn ra theo hai hướng:

Trí tuệ, trí thức định hướng cho phát triển;

Yếu tố văn hóa và truyền thống dân tộc trong kinh doanh.

Một đặc điểm của xã hội tin học là tri thức khoa học, công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Tri thức nghề nghiệp, kỹ năng, tay nghề, thói quen công nghệ… trở thành “đầu vào” của sản xuất. Nhờ hàm lượng trí tuệ cao và công nghệ luôn đổi mới mà giá trị sản phẩm thường có tỷ suất gia tăng cao hơn nhiều so với vốn bỏ ra. Quá trình CNH truyền thống theo chiều rộng ở nhiều nước phương Tây gây lãng phí nguyên liệu, năng lượng và tác động xấu tới môi trường dẫn đến khủng hoảng năng lượng vào năm 1973. Nhật Bản rút kinh nghiệm HĐH nền kinh tế theo nguyên tắc: áp dụng những thành tựu mới nhất, sử dụng công nghệ cao nhất chứa nhiều hàm lượng chất xám. Nhiều nhà tương lai học dự báo rằng, vào đầu thế kỷ XXI, khi loài người bước vào một nền văn minh thông tin, thì phương thức sản xuất sẽ phát triển hơn nhờ công nghệ thông tin (tin học, viễn thông); công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới. Nhờ công nghệ cao, thay đổi nhanh, nên qui mô sản xuất thường vừa và nhỏ phù hợp với nhu cầu thị trường, nhu cầu đổi mới công nghệ. Bấy giờ, một môi trường mới sẽ ra đời: vật tư ít, năng lượng ít, phế thải được xử lý và phân tán làm cho môi trường sinh thái trở thành môi trường văn hóa. Vào những năm 50 (TK. XX) xuất phát điểm của nước ta không khác mấy so với Hàn Quốc, Thái Lan v.v… nhưng tại sao đến nay nước ta vẫn nghèo, nhất là về kinh tế? GDP đầu người chỉ chiếm 1/14 Malaixia, 1/30 Hàn Quốc, 1/50 Singapo. Tất cả đều do ta đánh mất trí tuệ, lãng quên trí thức. Người Việt Nam thông minh, nhưng mới từng cá nhân, chưa đến độ thông minh cộng đồng; tài năng bị ràng buộc bởi cơ chế, chất xám chảy ra nước ngoài, tài năng được đào tạo bài bản không muốn làm việc cho các cơ quan nhà nước, nhiều tiến sĩ xuất sắc được đào tạo ở nước ngoài khi về phải chờ việc vài ba năm. Trong nền kinh tế tri thức, quản lý vĩ mô là một khoa học và là một nghệ thuật. Trong quản lý vĩ mô thì đất đai, tài nguyên, tài chính, tiền tệ, bộ máy hành chính là những dây thần kinh hệ trọng và nhạy cảm của kinh tế quốc dân. Nhà lãnh đạo, nhà kinh doanh không chỉ có tri thức tổng quát, tri thức chuyên sâu, mà còn phải biết phối hợp nhiều đối tác thông thạo luật pháp, điều hành theo dự án, chối bỏ lối quản lý theo kinh nghiệm chủ nghĩa. Một trong những thành tựu của quản lý bằng tri thức là dùng phương pháp não công (brainstorming) để kích thích óc sáng tạo. Ở Hàn Quốc, năm 1997, hãng SamSung suýt bị phá sản do khủng hoảng kinh tế châu Á; vốn kinh doanh khoảng 34 tỷ USD bằng nửa hãng Sony. Nhưng sau một vài năm vực dậy, lãi gấp 6 lần Sony. Vì sao vậy? Đó là nhờ trí tuệ thông minh của 17.000 kỹ sư trên 75.000 công nhân - một tỷ lệ vàng, một cộng đồng không chịu đầu hàng, không chịu sản xuất hàng kém phẩm chất, luôn tạo ra mẫu mã mới, đối thủ đáng gờm của Sony, Panasonic, IBM.

Còn yếu tố văn hóa và truyền thống dân tộc trong kinh doanh? Nói đến yếu tố văn hóa trước hết là con người, nguồn lực con người. Người Việt Nam đã được hun đúc trong trường kỳ lịch sử với những phẩm chất cao đẹp: yêu nước, ý chí tự cường, lao động cần cù, trọng nhân nghĩa v.v… Nhưng nhiều nhược điểm cản trở sự nghiệp kinh doanh và làm tha hóa doanh nhân: lối suy nghĩ của người sản xuất nhỏ, tầm nhìn hẹp, thiếu tri thức, chưa có nếp sống công nghệ, não sáng tạo ít hơn não thích ứng, thói quen bắt chước rất nhanh v.v… Nguồn lực con người là sức mạnh cốt lõi để sáng tạo ra mọi của cải. Trong ba loại vốn (vốn tự nhiên, vốn cơ sở vật chất, và vốn người) thì vốn người (kỹ năng lao động, tri thức công nghệ, phần mềm máy tính) là đứng đầu bảng. Ở phương tây cấu trúc nguồn lực gồm: con người, tri thức, và đất. Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên đất chật (0,3% diện tích lục địa thế giới), sự lựa chọn của người Nhật là công nghệ phương Tây cộng với đạo lý dân tộc. Nước ta là nước văn hiến hàng nghìn năm. Trong sản xuất, kinh doanh nếu không lấy truyền thống dân tộc làm động lực, lấy tâm lý dân tộc làm mục tiêu, lấy chuẩn giá trị tự cường, tự hào làm thước đo khi học tập công nghệ nước ngoài thì trước sau gì cũng sẽ không thành công.

Văn hóa kinh doanh là động lực của thương trường của kinh tế. Chỉ cần một khâu nào đó trong quá trình sản xuất - kinh doanh - thiếu yếu tố văn hóa thì lập tức tác hại tới các khâu khác. Hiện tượng đưa hàng hóa kém phẩm chất do làm nhanh, làm ẩu, hiện tượng tăng giá tùy tiện vì lợi nhuận riêng đều ảnh hưởng tới đời sống sản xuất và tiêu dùng. Mặt khác, bán hàng rẻ do trốn lậu thuế, do đầu cơ trục lợi, thì nhà kinh doanh có thu lợi trước mắt, nhưng nhà nước thất thu hoặc cửa quyền, chẹt giá khi bán sẽ làm lợi cho bọn đầu cơ, làm hại người tiêu dùng, giảm sức mua lâu dài. Văn hóa kinh doanh vì vậy được coi là phẩm chất cao đẹp của doanh nhân, doanh nghiệp. Nó gồm ba yếu tố: Văn hóa đạo đức trong kinh doanh (lao động lương thiện, bảo vệ các giá trị lao động của kỹ sư và công nhân, tôn trọng nhà tiêu dùng); văn hóa ứng xử giữa các bên đối tác, tôn trọng lợi ích của ba nhà: nhà nước, nhà kinh doanh, nhà tiêu dùng; văn hóa pháp luật (tôn trọng và tuân thủ pháp luật, qui tắc trong sản xuất, lưu thông, phân phối v.v…). Quá trình kinh doanh không chỉ nhằm mục đích lợi nhuận, mà còn sáng tạo ra thông tin mới, tri thức mới liên quan tới văn hóa, các hệ giá trị quốc gia để tạo nên nền văn minh doanh nghiệp.

Nếu suy nghĩ một cách bình tĩnh, không thiên kiến thì giới trí thức vốn có năng lực suy nghĩ về những vấn đề lớn của nhân loại, nhạy cảm với số phận con người, không bằng lòng với những cái đang diễn ra trong xã hội, nhất là những “gam màu phi trí tuệ”, “khả năng lưỡng phân”, tinh thần phản biện với mục đích xây dựng trước những vấn đề tồn vong của đất nước được coi là thuộc tính cần được khuyến khích, tôn trọng. Giới trí thức đã sinh ra nhiều nhà lãnh đạo cách mạng tài ba của nước ta, chứ chưa bao giờ sinh ra những kẻ chuyên chế. Ngày nay, vai trò của trí thức, trí tuệ, yếu tố văn hóa và nhân bản trong lĩnh vực kinh doanh, doanh nhân được coi là cốt lõi, trọng yếu. Đúng như nội dung Thông báo Hội nghị Ban chấp hành TW lần thứ VII (khóa X): “Trong thời đại ngày nay, trí thức giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc” (báo Nhân Dân ngày 18-7-2008)./.

 GS.VS. Hồ Sĩ Vịnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất