Từ năm 2003, nhận thức được tầm quan trọng của Thương hiệu quốc gia, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG), Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành thực hiện. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm đánh giá với 3 tiêu chí trụ cột: Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong.
Có thể thấy, trong giai đoạn 4 năm qua, thứ hạng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp và những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP.
Thông qua các sản phẩm đạt THQG Việt Nam, Chính phủ đã tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội với mục tiêu thực hiện có hiệu quả trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, đối với nền kinh tế quốc dân thì cũng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước. Ở chiều ngược lại, từ phía các doanh nghiệp, họ cũng đã cho thấy sự nỗ lực để giúp Thương hiệu quốc gia của Việt Nam dần có chỗ đứng ở sân chơi quốc tế.
Theo báo cáo đánh giá từ Brance Finance – tập đoàn hàng đầu thế giới về đánh giá thương hiệu các quốc gia năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỉ USD, vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch bệnh Covid 19 diễn biến vô cùng phức tạp, là một dấu mốc đáng nhớ của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến triển vọng GDP, lạm phát và bất ổn kinh tế của tất cả các nước trên thế giới. Kết quả này cũng tạo động lực thúc đẩy cho những cải cách mạnh mẽ về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giúp THQG Việt Nam ngày càng được định vị tốt hơn trên toàn cầu. Dấu mốc đó góp phần khiến cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư, gia tăng giá trị xuất khẩu và giúp thu hút khách du lịch, các chuyên gia, giới kinh doanh. Đồng thời, việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu buộc Việt Nam phải có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia nói riêng cũng như thương hiệu sản phẩm nói chung để đẩy mạnh hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia đã sớm có "tên tuổi" trên thị trường quốc tế.
Đối với bản thân mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG thì việc Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá cao càng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là với các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu và muốn mở rộng sang thị trường nước ngoài. THQG Việt Nam thăng hạng như là một sự bảo chứng về chất lượng dịch vụ, hàng hóa của Việt Nam trên trường quốc tế, không chỉ tạo ra những lợi thế nhất định cho doanh nghiệp trong quá trình bán hàng và cung cấp dịch vụ, mà còn tạo điều kiện và như là một sự đảm bảo thu hút đầu tư và gia tăng các quan hệ đối tác. Khi giá trị của thương hiệu quốc gia Việt Nam được thăng hạng cũng đồng nghĩa với việc giá trị thương hiệu các doanh nghiệp và các sản phẩm của Việt Nam được nâng cao trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam có thể tận dụng tín hiệu tốt từ các nhà đầu tư nước ngoài, từ đánh giá tích cực của các tổ chức về kinh tế và thương hiệu trên thế giới về Việt Nam để làm nền tảng truyền thông, nâng cao sự uy tín trên thị trường. Điều này sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong kinh doanh, góp phần giảm giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh phát triển THQG Việt Nam, tiếp tục nâng cao vị thế của thương hiệu quốc gia trên thị trường thế giới, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình THQG sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của thương hiệu sản phẩm với mục tiêu thực hiện có hiệu quả chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt THQG Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước.