Chủ Nhật, 29/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 4/6/2011 10:26'(GMT+7)

Tìm hiểu Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng (tiếp theo)

Câu hỏi 14: Để tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần thực hiện những biện pháp gì?

Trả lời:

Để tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần thực hiện những biện pháp sau:

- Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

- Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

- Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đồng thời quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự, an ninh, đánh thắng chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao của các lực lượng thù địch.

- Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh.

- Hoàn thiện các chiến lược quốc phòng, an ninh và hệ thống cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các quy chế phối hợp quân đội, công an và các tổ chức chính trị - xã hội.

Câu hỏi 15: Những nội dung chính của hoạt động đối ngoại được xác định như thế nào?

Trả lời:

Báo cáo chính trị xác định những nội dung chính của hoạt động đối ngoại thời gian tới là:

- Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

- Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế vào chiều sâu trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế.

- Xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến.

- Tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Thực hiện tốt công việc tại các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc.

- Tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu; sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề dân chủ, nhân quyền; chủ động, kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam.

- Thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, việc xác định ranh giới biển và thềm lục địa với các nước liên quan trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực; làm tốt công tác quản lý biên giới, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

- Củng cố, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng có chung biên giới. Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- Phát triển quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; mở rộng tham gia các cơ chế, diễn đàn đa phương ở khu vực và thế giới. Coi trọng và nâng cao hiệu quả của công tác ngoại giao nhân dân.

- Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu về đối ngoại; chăm lo đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt các cấp.

- Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa; giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh.

Câu hỏi 16: Để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cần thực hiện những giải pháp gì?

Trả lời:

* Để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, cần thực hiện những giải pháp sau:

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.

- Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp.

- Thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

- Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức.

* Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cần thực hiện những giải pháp sau:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hoà quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

- Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao trình độ giác ngộ của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

- Tạo điều kiện xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao.

- Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống; tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ cho thế hệ trẻ. Hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình; tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý nhà nước. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

- Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân của cựu chiến binh.

- Quan tâm chăm sóc sức khoẻ, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hoá, được tiếp cận thông tin, sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội và gia đình.

- Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chống kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

- Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước.

- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hoá, phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.


Nguồn: Tài liệu Hỏi - Đáp các Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XI của Đảng
(Ban Tuyên giáo Trung ương)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất