Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 3/5/2009 22:9'(GMT+7)

Tìm hiểu tác phẩm " Nên học sử ta" của Nguyễn Ái Quốc

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều quốc gia, nhất là một số quốc gia đang phát triển chỉ tập trung chú ý tới khía cạnh tiếp thu đón nhận những nhân tố từ bên ngoài, du nhập vào nước mình cho có hiệu quả mà thường quên đi những yếu tố nội tại, bên trong – cái làm nên những truyền thống lịch sử của chính mình.

Trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ta đã cảnh báo tình trạng nhận thức sai lệch của một số nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục về vị trí, vai trò của môn lịch sử dẫn đến tình trạng môn lịch sử không được quan tâm đúng mức: thời lượng học lịch sử quá ít, sách giáo khoa lịch sử viết thiếu chính xác, mắc nhiều lỗi về kiến thức cơ bản; chương trình học lịch sử còn nặng nề, thiên về lịch sử chiến tranh, thiếu phần kiến thức về lịch sử văn hóa, kinh tế, khoa học; cách viết xưa cũ, thiếu sinh động và không còn phù hợp với các lứa tuổi học sinh. Cách truyền giảng của giáo viên chậm đổi mới, thiếu tính hiện đại, dài dòng, sa đà vào các sự kiện lịch sử nên không hấp dẫn người nghe. Giáo viên dạy lịch sử không được quan tâm đúng mức, học sinh học giỏi môn lịch sử không được vinh danh như học sinh giỏi các môn học khác…

Những nguyên nhân trên dẫn đến kết quả thi tuyển sinh môn lịch sử vào đại học các năm gần đây là thấp nhất trong tất cả các môn (năm 2006, điểm trung bình các bài thi môn lịch sử là 1,96; Năm 2007 có 95,74% bài thi môn lịch sử đạt điểm dưới trung bình – số liệu từ hội thảo khoa học tháng 03 năm 2008 của Hội Sử học Việt Nam.

Chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai của nước ta sẽ ra sao nếu việc dạy và học môn lịch sử cứ mãi ở trong tình trạng như vậy? Để góp phần khắc phục những hạn chế đã nêu trên về mặt nhận thức cũng như về mặt chuyên môn khoa học, đồng thời nhanh chóng tìm ra giải pháp mới phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện nay, chúng ta cần phải tìm hiểu một cách nghiêm túc tác phẩm “Nên học sử ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, lãnh tụ muôn vàn kính yêu của Đảng và toàn thể dân tộc Việt Nam, Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Trên tiến trình lịch sử lãnh đạo cách mạng, lật đổ ách áp bức tham tàn của Thực dân, Phong kiến giành lại chính quyền về tay nhân dân, xây dựng chế độ XHCN tốt đẹp, toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người đã gắn liền với sự nghiệp của Đảng, góp phần đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người đã có công truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin, một học thuyết đấu tranh khoa học và tiên tiến nhất của thời đại vào nước ta để từ đó thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng, tạo nên sức mạnh như triều dâng thác đổ phá tan sự cai trị của Đế quốc, Phong kiến.

Để tập hợp và lãnh đạo quần chúng đấu tranh đưa cách mạng đến thành công, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã không chỉ học tập, tiếp thu những tinh hoa của thời đại, không chỉ suy nghĩ, tìm tòi, vận dụng sáng tạo và phát triển những tinh hoa đó cho phù hợp với tình hình cụ thể của nước ta, mà người còn tìm thấy và vận dụng một cách tài tình các yếu tố của truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc. Kho tàng kinh nghiệm đồ sộ vô giá của ông cha ta trong đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm đã trở thành nguồn tài liệu quan trọng để người viết nên những tác phẩm mang tính cương lĩnh của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.

Bài viết “Nên học sử ta” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 17, ngày 01 tháng 02 năm 1942 là một tác phẩm như vậy.

Bằng lời văn ngắn gọn mà súc tích, câu văn giản dị mà thôi thúc, tác phẩm “Nên học sử ta” của Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện những quan điểm lý luận quan trọng, những tư tưởng chiến lược quan trọng có tính chính trị và tính chỉ đạo cao. Ngay từ những câu đầu tiên, Người đã khẳng định vị trí quan trọng của lịch sử dân tộc. Chỉ có thông qua lịch sử và chỉ có nhờ vào kiến thức hiểu biết về lịch sử mà mỗi người dân đất Việt mới hiểu được gốc tích, cội nguồn của dân tộc mình, đất nước mình. Người viết:

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Vấn đề nhìn nhận đánh giá đúng vị trí, vai trò của lịch sử là vô cùng quan trọng bởi vì lịch sử chính là điểm tựa của chúng ta, là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị tinh thần vô giá của dân tộc. Lịch sử giúp cho chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng vào truyền thống anh hùng, bất khuất, mưu trí, sáng tạo của tổ tiên và hy vọng vào tiền đồ, tương lai tươi sáng của dân tộc. Chính vì vậy, tất cả chúng ta cần phải hăng hái, tự giác học lịch sử nước nhà để có thể đón nhận được những thông tin, tiếp thu được những kinh nghiệm quí báu từ xa xưa vận dụng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc.

Lịch sử không chỉ truyền dạy cho chúng ta nguồn gốc con Rồng, cháu Tiên mà lịch sử còn tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta, truyền lại cho chúng ta quá khứ vẻ vang của dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, thời nào đất nước ta cũng xuất hiện những nhân tài có công trị nước yên dân, xây dựng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Đặc biệt là những khi Tổ quốc bị xâm lăng, từ những người nông dân áo vải bình dị đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt có lòng yêu nước nồng nàn, có tài cầm quân thao lược đánh Bắc, dẹp Nam giữ yên bờ cõi, trở thành tấm gương sáng, để lại tiếng thơm cho muôn đời.

Những tấm gương anh hùng, nghĩa sĩ của chúng ta nhiều không tả xiết. Tiêu biểu có cậu bé làng Phủ Đổng, dù mới 3 tuổi mà đã đòi được tham gia giết giặc. Phụ nữ có Hai Bà Trưng, Bà Triệu đã quyết ra tay đuổi thù, dựng lại giang sơn. Tên tuổi các anh hùng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám mãi mãi sáng ngời trong sử sách.

Trong bối cảnh năm 1942, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều thay đổi, đòi hỏi toàn dân đoàn kết, sẵn sàng hy sinh thân mình diệt giặc lập công, việc ngợi ca tinh thần bất khuất của các vị anh hùng dân tộc trong lịch sử đã có tác dụng thôi thúc toàn dân, không kể già, trẻ, gái,trai đồng tâm đứng lên xả thân cho tự do, độc lập, đã thể hiện quyết tâm và niềm tin vào cuộc đấu tranh tất thắng.

Tác phẩm “Nên học sử ta” của Nguyễn Ái Quốc cũng đã tập trung vạch trần âm mưu và tội ác của bè lũ Đế quốc, Phong kiến.

Tổ quốc Việt Nam ta, dân tộc Việt Nam ta muốn được phát triển đi lên đã phải thường xuyên đương đầu với các cuộc xâm lược của kẻ thù phương Bắc, và chúng ta đều giành thắng lợi. Đất nước ta đã từng có độc lập, nhưng do các tập đoàn phong kiến không biết cách đoàn kết toàn dân để tạo nên sức mạnh mà để nước ta lại rơi vào tay kẻ thù, làm cho non sông gấm vóc trở nên xơ xác, điêu tàn, người dân Việt Nam lâm vào cảnh lầm than cơ cực.

Nội dung vô cùng cấp thiết và quan trọng lúc này là đoàn kết toàn dân. Người chỉ rõ: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lược. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt – Minh để đánh đuổi Tây – Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do.

Bước vào thời kỳ này, tình thế cách mạng nước ta xuất hiện nhiều nhân tố mới. Đó là: Tương quan lực lượng giữa ta và địch đã có những thay đổi rõ rệt, trong khi thế và lực của ta ngày một mạnh lên còn thế và lực của Pháp – Nhật ngày càng suy yếu, bị động, nhưng khả năng để cho chúng ta giành thắng lợi tuyệt đối còn chưa chắc chắn vì mặt trận Việt Minh mới được thành lập, chưa có tầm ảnh hưởng sâu, rộng; sự đoàn kết toàn dân bắt đầu được củng cố, nhưng độ cố kết chưa sâu, chưa bền chắc, dễ bị kẻ thù lợi dụng, chia rẽ, đàn áp.

Nguyễn Ái Quốc với tầm nhìn xa trông rộng đã nhấn mạnh đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là động lực đi đến thành công. Nhiệm vụ cơ bản của toàn Đảng, toàn dân lúc này là xây dựng tình đoàn kết chặt chẽ, muôn người như một. Đường lối cơ bản đó là sự bảo đảm cho cuộc đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc đi đến thắng lợi.

Từ những bài học quí báu của lịch sử, toàn dân ta phải coi việc xây dựng đoàn kết là trung tâm, là trọng điểm của cuộc vận động cách mạng, là điều kiện cơ bản để Đảng và nhân dân ta khôi phục lại độc lập, tự do.

Tác phẩm “Nên học sử ta” của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là một bài viết quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người. “Nên học sử ta” đã nêu lên những quan điểm mới có tính nguyên tắc chỉ đạo làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng lý luận của Đảng. Ở tác phẩm này, Người đã khái quát và coi lịch sử là một nguồn tư liệu vô giá, là động lực góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhờ có lịch sử mà chúng ta có thể tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông. Chỉ có lịch sử mới hun đúc được tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc và ý chí độc lập tự cường dân tộc. Lịch sử dạy cho chúng ta phân biệt bạn – thù, biết đúng – sai, phải – trái; biết mình biết người để có thể tận dụng được thời cơ chính xác, tránh được những sai lầm đáng tiếc. Âm vang và hào quang lịch sử nhắc nhở chúng ta phải giữ gìn sự đoàn kết keo sơn gắn bó. Sau này trong di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Từ thực tế lịch sử, Bác Hồ đã dạy chúng ta:

Đoàn kết – Đoàn kết – Đại Đoàn kết

Thành công – Thành công – Đại Thành công

Thành công nhanh chóng của cuộc cách mạng tháng 8 – 1945 đã chứng minh chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là chính xác và thuyết phục.

Ngày nay, những nguyên lý tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm “Nên học sử ta” vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta cần phải học lịch sử nhiều hơn nữa để có thể học tập và vận dụng thành công những kinh nghiệm quí báu của cha ông vào trong hoàn cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nhằm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức đưa nước ta trở thành một nước XHCN có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học tiên tiến, quốc phòng hùng mạnh có thể sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.

TS. Phạm Ngọc Trung, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(1) (2): Hồ Chí Minh toàn tập. Tập III. Nxb CT-QG; HN, 2000. Tr 197 - 198

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất