Chủ Nhật, 29/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 8/6/2011 13:58'(GMT+7)

Tìm hiểu về Bổ sung và sửa đổi Điều lệ Đảng

 Câu hỏi 1: Những quan điểm của Đại hội XI về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng là gì?

Trả lời:

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam là những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, đáp ứng cơ bản yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng hiện nay, là cơ sở quan trọng tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Mỗi một nhiệm kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi một số điều trong Điều lệ Đảng hiện hành nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới. Quan điểm chỉ đạo việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng lần này là:

1. Kiên định các nguyên tắc cơ bản về Đảng và xây dựng Đảng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển, thể chế hóa những quan điểm mới có tính nguyên tắc về xây dựng Đảng, nhất là những quan điểm mới thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

2. Nghiên cứu bổ sung vào Điều lệ Đảng một số nội dung trong các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng; các văn bản quy định thi hành Điều lệ Đảng; một số vấn đề tiến hành thí điểm đã được tổng kết mà thực tiễn xây dựng Đảng thời gian qua đã khẳng định là đúng đắn, cần thiết, chín muồi, phổ biến, thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội Đảng toàn quốc.

3. Phát huy dân chủ, trí tuệ trong thảo luận, tập hợp đầy đủ, trung thực ý kiến tham gia của đảng viên, cán bộ, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các thành viên trong hệ thống chính trị, các vấn đề đã được tổng kết, đúc rút từ lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng, có sự thống nhất cao trong toàn Đảng để bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.

Câu hỏi 2: Phần mở đầu của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI có những thay đổi gì?

Trả lời:

Phần mở đầu của Điều lệ Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, trình bày khái niệm đầy đủ về Đảng, xác định rõ bản chất của Đảng. Do vậy, ở khổ thứ năm của phần mở đầu Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) có thay đổi như sau: sửa cụm từ: “giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân” bằng cụm từ: “gắn bó mật thiết với nhân dân”. Diễn đạt đầy đủ khổ thứ năm là: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Câu hỏi 3: Việc sửa đổi, bổ sung trong Chương I nói về đảng viên của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI có gì mới?

Trả lời:

Việc sửa đổi, bổ sung Chương I nói về đảng viên của Điều lệ Đảng khóa XI có những điểm mới sau:

Một là, phần mở đầu của Điều lệ Đảng khóa X tại khổ thứ hai ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam;...”.

Tuy vậy, tại Khoản 1, Điều 1 quy định về tiêu chuẩn đảng viên lại chỉ quy định: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam...”. Vì vậy, Điều lệ Đảng khóa XI bổ sung câu: “nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam” vào Khoản 1, Điều 1 để đồng nhất với cách diễn đạt đầy đủ về bản chất của Đảng được ghi ở phần mở đầu là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam;...”.

Hai là, bổ sung câu: “Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm” vào Khoản 2, Điều 2 (nói về các nhiệm vụ của đảng viên). Nội dung Khoản 2, Điều 2, Chương I của Điều lệ Đảng khóa XI được diễn đạt đầy đủ là: “Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm”.

Ba là, sửa đổi Khoản 4 (nói về công nhận đảng viên chính thức) của Điều 5 quy định: “Đảng viên đã được công nhận chính thức thì tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày ghi trong quyết định kết nạp”, thay cho quy định ở Điều lệ Đảng khóa X: “Tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày ghi trong quyết định công nhận đảng viên chính thức”.

Câu hỏi 4: Việc sửa đổi, bổ sung về nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI có điểm gì mới?

Trả lời:

Điều lệ Đảng khóa XI quy định nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng có hai điểm mới:

Một là, bổ sung thêm cụm từ “được triệu tập” vào ý thứ tư, Khoản 3, Điều 12 của Chương II. Nội dung ý thứ tư được diễn đạt đầy đủ như sau: “Người trúng cử phải được số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đại biểu được triệu tập hoặc so với tổng số đảng viên chính thức của đảng bộ, chi bộ được triệu tập”.

Hai là, để giảm bớt việc tổ chức đại hội ở những nơi có biến động về tổ chức, đồng thời tăng cường hiệu lực lãnh đạo của cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ chính trị nên cấp ủy cấp trên không chỉ định cấp ủy lâm thời, Điều lệ Đảng khóa XI bổ sung, sửa đổi Khoản 5, Điều 13, Chương II như sau: “Từ tổ chức cơ sở đảng đến đảng bộ trực thuộc Trung ương nếu được thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập trong nhiệm kỳ, thì cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định cấp ủy chính thức; chỉ đạo xây dựng hoặc bổ sung nhiệm vụ cho phù hợp; nhiệm kỳ đầu tiên của các cấp ủy này không nhất thiết là năm năm để nhiệm kỳ đại hội phù hợp với nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đảng cấp trên”. Nội dung này thay cho Khoản 5, Điều 13, Chương II của Điều lệ Đảng khóa X là: “Đối với tổ chức đảng mới thành lập, cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định cấp ủy lâm thời; chậm nhất trong vòng một năm kể từ ngày có quyết định chỉ định, tổ chức đảng đó phải tiến hành đại hội; nếu kéo dài thêm thời gian phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý”.

Câu hỏi 5: Về cơ quan lãnh đạo của Đảng ở cấp Trung ương có bổ sung gì mới?

Trả lời:

Có hai điểm mới bổ sung vào nội dung Chương III nói về cơ quan lãnh đạo của Đảng ở cấp Trung ương:

Một là, để có căn cứ pháp lý giúp Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo thí điểm một số chủ trương mới phục vụ yêu cầu phát triển đường lối, chính sách của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, Điều lệ Đảng khóa XI bổ sung nội dung: “Ban Chấp hành Trung ương căn cứ tình hình thực tế quyết định chỉ đạo thí điểm một số chủ trương mới” vào Khoản 2, Điều 16 của Chương III. Nội dung của Khoản 2 Điều lệ Đảng khóa X được giữ nguyên, và đưa vào nội dung Khoản 3, Điều 16 Điều lệ Đảng khóa XI được diễn đạt là: “3. Ban Chấp hành Trung ương họp thường lệ sáu tháng một lần; họp bất thường khi cần”.

Hai là, Khoản 1, Điều 30 của Điều lệ Đảng quy định: “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng”, để thống nhất diễn đạt về chức năng kiểm tra, giám sát, Điều lệ Đảng khóa XI bổ sung thêm từ “giám sát” vào nội dung Khoản 2 và Khoản 3, Điều 17, Chương III và được diễn đạt đầy đủ như sau:

“2. Bộ Chính trị lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương; báo cáo công việc đã làm trước hội nghị Ban Chấp hành Trung ương hoặc theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.

3. Ban Bí thư lãnh đạo công việc hằng ngày của Đảng: chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chỉ đạo sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; quyết định một số vấn đề về tổ chức, cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương; chỉ đạo hoặc kiểm tra việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị thảo luận và quyết định”.

Câu hỏi 6: Việc sửa đổi, bổ sung về thành lập tổ chức cơ sở đảng có gì mới?

Trả lời:

Khoản 2, Điều 21 Điều lệ Đảng khóa X quy định:
“Ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị cơ sở trong quân đội, công an và các đơn vị cơ sở khác có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng;...”.

Để tránh tình trạng có quá nhiều tổ chức cơ sở đảng cùng trực thuộc cấp ủy cấp huyện như hiện nay, vừa gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, vừa không phù hợp về mặt tổ chức, Điều lệ Đảng khóa XI chỉnh sửa Khoản 2, Điều 21, Chương V như sau: “Ở xã, phường, thị trấn có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng (trực thuộc cấp ủy cấp huyện). Ở cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, đơn vị quân đội, công an và các đơn vị khác có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức đảng (tổ chức cơ sở đảng hoặc chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở); cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc tổ chức đảng đó trực thuộc cấp ủy cấp trên nào cho phù hợp; nếu chưa đủ ba đảng viên chính thức thì cấp ủy cấp trên trực tiếp giới thiệu đảng viên sinh hoạt ở tổ chức cơ sở đảng thích hợp”.

Câu hỏi 7: Một số sửa đổi, bổ sung về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam có điểm gì mới?

Trả lời:

Điều lệ Đảng khóa XI có ba điểm mới khi sửa đổi, bổ sung về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam như sau:

Một là, bổ sung hai nội dung vào Khoản 1, Điều 25, Chương VI. Nội dung thứ nhất: “Sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân...”. Nội dung thứ hai: “Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”. Bổ sung hai nội dung trên nhằm làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với lực lượng vũ trang. Khoản 1, Điều 25 được diễn đạt đầy đủ là: “1. Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tham gia xây dựng đất nước. Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

Hai là, thay đổi cụm từ “Đảng ủy Quân sự Trung ương (gọi tắt là Quân ủy Trung ương)” bằng cụm từ “Quân ủy Trung ương” ở đầu câu tại Khoản 1, Điều 26. Câu này được sửa lại là: “Quân ủy Trung ương do Bộ Chính trị chỉ định,...”.

Ba là, cụ thể hóa một số chức danh và vai trò chỉ đạo của Đảng đối với Quân đội. Bổ sung câu: “Đồng chí Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương” vào cuối nội dung Khoản 1, Điều 26 và được diễn đạt là: “1. Quân ủy Trung ương do Bộ Chính trị chỉ định, gồm một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương công tác trong Quân đội và một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương công tác ngoài Quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng chí Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương”. Bổ sung câu: “... được cấp ủy địa phương chỉ định tham gia. Đồng chí bí thư cấp ủy địa phương trực tiếp làm bí thư đảng ủy quân sự cùng cấp” vào cuối nội dung Khoản 4, Điều 27 và được diễn đạt là: “4. Đảng ủy quân sự tỉnh, thành, huyện, quận, thị xã gồm các đồng chí công tác trong đảng bộ quân sự địa phương do đại hội cùng cấp bầu, đồng chí bí thư cấp ủy địa phương và một số đồng chí ngoài đảng bộ quân sự địa phương được cấp ủy địa phương chỉ định tham gia. Đồng chí bí thư cấp ủy địa phương trực tiếp làm bí thư đảng ủy quân sự cùng cấp”.

Câu hỏi 8: Về kỷ luật đảng viên trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI có quy định gì mới?

Trả lời:

Quy định mới về kỷ luật trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI là quy định về thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm. Tại Khoản 1, Điều 36, Điều lệ Đảng khóa X quy định: “Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao)”. Để thống nhất với các quy định nêu trong Khoản 1, Điều lệ Đảng khóa XI bổ sung một số quy định làm rõ nội dung giao cho cấp ủy từ cấp huyện và tương đương trở lên thẩm quyền quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên vào Khoản 2, Khoản 3 của Điều 36 như sau:

“2. Cấp ủy tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên cùng cấp vi phạm nhiệm vụ do cấp ủy giao.

Ban thường vụ cấp ủy quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý vi phạm nhiệm vụ chuyên môn được giao.

3. Ban Chấp hành Trung ương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khiển trách, cảnh cáo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên”.

Câu hỏi 9: Điểm mới về Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI là gì?

Trả lời:

Có hai điểm mới về Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội trong Điều lệ Đảng khóa XI:

Một là, bổ sung cụm từ “Mặt trận Tổ quốc” vào tiêu đề Chương IX, vào Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4 của Điều 41 và Khoản 1 của Điều 42, Điều lệ Đảng khóa XI. Nội dung các mục trên được diễn đạt đầy đủ như sau:

“Chương IX - Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội.

Điều 41:

1. Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

.........

3. Đảng giới thiệu cán bộ đủ tiêu chuẩn để ứng cử hoặc bổ nhiệm vào cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội.

4. Tổ chức đảng và đảng viên công tác trong cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tổ chức đảng lãnh đạo việc cụ thể hóa thành các văn bản luật pháp của Nhà nước, chủ trương của đoàn thể; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả.

Điều 42:

1. Trong cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do bầu cử lập ra, cấp ủy cùng cấp lập đảng đoàn gồm một số đảng viên công tác trong tổ chức đó. Nơi không lập đảng đoàn thì tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan đó thực hiện chức năng lãnh đạo theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương”.

Hai là, bổ sung cụm từ “lãnh đạo công tác” vào Khoản 3 của Điều 42, Khoản 3 của Điều 43 để làm rõ chức năng lãnh đạo của đảng đoàn và ban cán sự đảng đối với công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng. Nội dung các mục trên được diễn đạt đầy đủ như sau:

“Điều 42:

...

3. Đảng đoàn lãnh đạo, thuyết phục các thành viên trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; liên hệ mật thiết với nhân dân; đề xuất với cấp ủy về phương hướng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ và quyết định theo thẩm quyền; lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng.

Điều 43:

...

3. Ban cán sự đảng lãnh đạo quán triệt và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; đề xuất với cấp ủy về phương hướng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ và quyết định theo thẩm quyền; lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng”.


Nguồn: Tài liệu Hỏi - Đáp các Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XI của Đảng
(Ban Tuyên giáo Trung ương)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất