Từ vài năm trở lại đây, du lịch tâm linh là một trong những loại hình du
lịch mà Tổng cục Du lịch chú trọng trong định hướng phát triển sản phẩm
trong mùa thấp điểm.
Quá tải mùa cao điểm, mờ nhạt mùa thấp điểm
Hiện nay các điểm du lịch tâm linh ở phía bắc và vùng Đông Bắc mới
chỉ khai thác được vào mùa lễ hội 3 tháng đầu năm, thời gian còn lại
trong năm hầu như không khai thác được.
Trong mùa cao điểm - mùa lễ hội, các điểm đến như Yên Tử, Bái Đính có
thể đón tới hàng triệu lượt khách. Các lễ hội lớn với nhiều hoạt động
văn hóa truyền thống, trang trọng linh thiêng về phần lễ và hấp dẫn sôi
động ở phần hội đã tạo nên sức hút mạnh mẽ với khách thập phương. Vì vậy
đây thực sự là một phân khúc rất hấp dẫn mà không doanh nghiệp lữ hành,
dịch vụ du lịch nào có thể bỏ qua trước khi bước vào mùa hè, thời gian
cao điểm của du lịch.
Lượng khách đổ đến trong mùa cao điểm lễ hội rất lớn nhưng chủ yếu là
khách hành hương, không phải khách du lịch. Do đó thực tế là hiện nay
địa phương và các khu du lịch tâm linh lớn như Tùng Lâm, Tràng An-Bái
Đính… chưa thu được nhiều từ du khách ngoài tiền vé tham quan, đi lại.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ (ăn, ngủ, giải trí) của khách hành hương đều chỉ
dừng ở mức tối thiểu. Chính quyền địa phương thậm chí còn phải bỏ kinh
phí, nhân lực để làm công tác tổ chức, bảo đảm an toàn an ninh vệ sinh
an toàn thực phẩm và môi trường cho hàng vạn con người.
Tuy nhiên, để phục vụ và “hút” được đối tượng khách du lịch tâm linh,
không đơn giản khi các hoạt động phụ vụ nhu cầu du lịch tâm linh mùa lễ
hội hiện nay chủ yếu vẫn mang tính tự phát. Không nói đến mùa cao điểm –
khi địa phương không cần lữ hành đã đành – nhưng tại mùa thấp điểm, khi
lữ hành phát huy được lợi thế thì vai trò của họ vẫn còn khá mờ nhạt.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty lữ hành TST trăn trở: Chúng ta
có nhiều điểm đến tâm linh cùng lượng du khách vào mùa lễ hội rất lớn.
Điều này chứng tỏ nhu cầu du lịch tâm linh của người Việt rất cao. Nhưng
nếu chỉ trông vào những dịch vụ đi kèm ngay tại các đình, đền, chùa,
miếu mà thiếu các sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn liên quan đến tâm linh thì
rất khó để níu chân du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn tại
điểm đến.
Nếu không tổ chức thêm nhiều hoạt động giá trị gia tăng khác thì tour
du lịch tâm linh nào cũng giống nhau: đến vãn cảnh di tích, đình chùa,
nhà thờ rồi về. Đấy cũng là thực trạng một số tour tâm linh mà các lữ
hành đang triển khai. “Khách Tây Ban Nha của chúng tôi khởi hành từ Hà
Nội đi Tràng An-Bái Đính rồi họ về Hà Nội luôn trong ngày, vì ngoài vãn
cảnh chùa ra thì buổi tối ở Ninh Bình buồn quá. Họ nhất quyết đòi về để
vui chơi ở phố cổ Hà Nội chứ không chịu ở lại đó thêm 1 đêm” đại diện
của lữ hành Châu Long chia sẻ. Và như thế, ngoài vé tham quan và một bữa
ăn trưa, địa phương không thu được gì thêm.
|
Ảnh minh họa
|
Đẩy mạnh kích cầu và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Ý thức được những lợi thế kinh tế do du lịch tâm linh mang lại, một
số khu du lịch, một số địa phương như Khu du lịch tâm linh Yên Tử, chính
quyền huyện Uông Bí (Quảng Ninh) đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu
hút các nhà đầu tư.
“Đợt đi khảo sát này, tôi thấy có nhiều điểm du lịch tâm linh được tu
tạo rất tốt, đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Kể cả về mặt vệ
sinh, an ninh an toàn, dịch vụ chăm sóc khách đều được địa phương đầu tư
và chăm chút rất chu đáo như chùa Ba Vàng, Thiền viện Trúc lâm Cái Bầu…
Những điểm này không chỉ đủ điều kiện đón khách nội mà hoàn toàn có thể
đón khách quốc tế”, Giám đốc lữ hành liên doanh với Nhật Bản T&T
Nguyễn Văn Tấn nhận xét.
Các khu du lịch này cũng có chính sách thu hút khách du lịch như miễn
vé cáp treo cho học sinh sinh viên, người già vào mùa hè (mùa thấp
điểm). Tuy nhiên, còn manh mún và nhỏ lẻ.
Có thể thấy, vấn đề đặt ra ở đây với các hãng lữ hành là phải xây
dựng được sản phẩm thật hấp dẫn cho du khách mới có thể hút khách du
lịch tâm linh. Chẳng hạn như tới Yên Tử, ngoài mùa lễ hội, khách có thể
đến tham quan, tham gia các khóa học thiền, tìm hiểu sâu về
Thiền phái Trúc lâm Yên Tử.
Tại những nơi như Thiền viện Trúc lâm Đà Lạt, Cái Bầu, Tây Thiên… du
khách sẽ có đủ thời gian và không gian để đắm mình trong thiên nhiên,
trong thế giới tâm linh tĩnh lặng với những giây phút bình an. Đồng
thời có thể tìm hiểu về văn hóa truyền thống, lịch sử, thưởng ngoạn cảnh
quan, thưởng thức đặc sản địa phương.
Bên cạnh việc chọn thời điểm, địa điểm, các hãng lữ hành cũng cần xây
dựng chương trình để đưa vào tour khai thác phục vụ cho từng dòng
khách, từng thị trường theo lứa tuổi giới tính.
"Với tour du lịch tâm linh, nhà cung cấp phải đặc biệt quan tâm tới
từng nhu cầu nhỏ nhất theo tâm lý của khách. Có như vậy mới thành công
và mang lại hiệu quả kinh tế”, đại diện Phòng Phát triển sản phẩm
của Công ty Vietravel phân tích.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch),
với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Tổng cục và chính quyền
các địa phương sẽ đưa ra các sản phẩm chính. Còn các doanh nghiệp sẽ lựa
chọn sản phẩm để xây dựng các tour riêng phù hợp với từng phân đoạn thị
trường của mình.
Song song với đó, các doanh nghiệp, địa phương cần có chương trình
kích cầu du lịch nội địa vào các mùa thấp điểm. Những chương trình kích
cầu này không chỉ gắn với doanh nghiệp địa phương mà còn phải gắn với
các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, ăn ở, hãng hàng không, các điểm
mua sắm… tạo ra một chính sách kích cầu ưu đãi để thu hút khách du lịch
trong mùa thấp điểm.
Có như vậy, chúng ta mới tạo điều kiện để nhiều người dân Việt Nam,
khách quốc tế có cơ hội tìm hiểu, hiểu biết thêm về các nét đẹp của văn
hóa tôn giáo, các giá trị cảnh quan để thêm yêu đất nước con người Việt
Nam. Đồng thời phát huy lợi thế để phát triển kinh tế xã hội vùng miền.
Nguyệt Hà - chinhphu.vn