Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 6/4/2011 22:2'(GMT+7)

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương - đỉnh cao tâm thức của dân tộc

 

Chúng tôi đã phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam về nét đặc sắc của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Thưa PGS, trước hết xin ông có thể cho biết những nét độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương?

PGS.TS. Nguyễn Chí Bền: Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao tâm thức dân tộc và Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của dân tộc. Đây chính là cội nguồn thiêng liêng, nơi khơi dậy tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cả dân tộc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ năm 2000, 5 năm 1 lần, Lễ hội Đền Hùng được tổ chức theo nghi thức Quốc giỗ.

Theo truyền thuyết thì Hùng Vương gắn với một nhà nước thời cổ đại khu vực Châu thổ Bắc Bộ. Cho đến nay thì các nguồn tư liệu chúng ta có thể có được, khoảng từ thế kỷ 14-15, nhà Lê bắt đầu cho xây dựng bộ ngọc phả Hùng Vương, sau đó là việc thờ cúng Hùng Vương. Các triều đại sau đó như nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn, đều có việc phong sắc giao cho các làng, xã xung quanh núi Nghĩa Lĩnh thờ cúng Hùng Vương. Cho đến nay tín ngưỡng này phát triển rất mạnh. Sở dĩ nó có câu chuyện ấy bởi vì tất cả người dân Việt luôn luôn coi Hùng Vương là thủy tổ của dân tộc, là ông Vua lập nước. Trong tâm thức dân gian Việt Nam, đây là một tín ngưỡng khá đặc biệt. Tín ngưỡng này luôn luôn được sự đồng thuận giữa các thể chế xã hội và thái độ của cộng đồng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ủy quyền cho ông Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ để làm lễ trước miếu thờ các Vua Hùng thời bây giờ.

Thưa ông, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nhiều lớp văn hóa phong phú và có một không gian rất rộng. Xin ông phân tích thêm về điều này?

PGS.TS. Nguyễn Chí Bền: Các lớp văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chồng xếp lên nhau. Lớp văn hóa đầu tiên là nghi lễ thờ thần núi ở các làng, xã ở Phú Thọ rất phổ biến. Sau đó tín ngưỡng thờ cúng được chuyển hóa. Từ Đất Nước, Núi Non, trở thành thờ cúng ông Tổ.

Không gian của tín ngưỡng này rất rộng, trên địa bàn mà ranh giới địa lý hiện tại là tỉnh Phú Thọ nó trải ra ở hầu khắp các làng quê. Một cuốn sách chữ Hán ở thế kỷ 17 cho biết lúc đó có 73 làng xung quanh núi Nghĩa Lĩnh thờ cúng Hùng Vương. Kết quả điều tra năm 1938 của Viễn Đông Bác cổ (Pháp), cũng như kết quả điều tra năm 1964 của Ty Văn hóa tỉnh Phú Thọ lúc bấy giờ khẳng định chúng ta có hơn 100 làng thờ cúng Hùng Vương. Hiện nay, không gian văn hóa tín ngưỡng thờ Hùng Vương hiện tồn tại ở 122 làng, xã của các huyện ở Phú Thọ. Ở đây chúng ta phải nói rõ là có những làng cái danh tính được rõ, đặc biệt là trong các sắc phong của Triều đình (ví dụ như sắc phong của triều Nguyễn ghi rõ là Thánh tổ Hùng Vương). Nhưng có những làng thì người dân chỉ ý thức được rằng đây là thờ Đột ngột Cao Sơn. Đây là mỹ tự của một vị Vua Hùng, rồi Viễn Sơn Thánh Vương, rồi Ất Sơn Thánh Vương, thì đều là như vậy. Sở dĩ không gian của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức lan tỏa như vậy vì cốt lõi của nó là cái việc thờ cúng tổ tiên của người Việt. Người Việt từ gia tộc thờ tổ tiên của gia tộc mình, ra làng xã thì thờ những người có công lao với làng xã, đến với cộng đồng lớn hơn thì thờ Hùng Vương với tư cách là ông tổ của đất nước, vị thủy tổ của dân tộc. Cho nên tín ngưỡng này phát triển rất mạnh là vì vậy.

Thưa ông, như ông vừa nêu thì không gian của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất lớn, vậy có khó khăn trong việc bảo tồn tín ngưỡng này trong đời sống hiện đại?

PGS.TS. Nguyễn Chí Bền: Không gian văn hóa tín ngưỡng thờ Hùng Vương hiện tồn tại ở 122 làng, xã của các huyện ở Phú Thọ. Vì vậy câu chuyện bảo tồn sẽ đặt ra ở hai khu vực: một là không gian văn hóa của tín ngưỡng đó cần được bảo tồn, hay nói một cách giản dị hơn là cần có chỗ để cho người ta đến để thực hành nghi lễ. Không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở một số làng thời gian vừa qua không phải không có nơi đã bị xuống cấp, hư hại. Trách nhiệm của chúng ta là phải phục hồi sao cho đảm bảo điều kiện cho việc thực hành nghi lễ. Thứ hai là làm sao để cộng đồng nhận thức được đầy đủ giá trị của tín ngưỡng.

Từ những nghi lễ ban đầu trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến ngày nay có sự chuyển biến như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Chí Bền: Để bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng ta có thuận lợi là trong tâm thức của tất cả mọi người dân VN luôn luôn có dòng chảy là thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn. Vì vậy sức sống của tín ngưỡng trong cộng đồng không phải là điều chúng ta quan ngại. Tuy nhiên, khi nói đến tín ngưỡng thì bao giờ cũng phải nhắc đến sự thể hiện tín ngưỡng đó như thế nào? Tín ngưỡng này được thể hiện bằng các lễ hội ở các làng quê. Lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương nhất là lễ hội Đền Hùng, lễ hội trên núi Nghĩa Lĩnh, đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Trên thực tế chúng ta phải thấy rõ là nhà nước của các thời đều quan tâm để nâng cấp lễ hội này lên. Thời trước đây thì quan tỉnh sẽ về núi Nghĩa Lĩnh để chủ trì buổi quốc tế đó (buổi lễ của Triều Đình để tưởng nhớ ông Tổ của quốc gia). Những năm khác thì có thể giao cho quan huyện.v.v... Sau này thời chúng ta cũng qui định như vậy, từ năm 2000 trở đi, vào những năm chẵn lễ hội Đền Hùng do quốc gia tổ chức, còn những năm khác do tỉnh Phú Thọ tổ chức. Điều này rất là tốt, nhưng mặt phản đề của câu chuyện đó là chúng ta đã hành chính hóa một nghi lễ. Nghi lễ như thế thì nó xơ cứng và sức sống của nó trong cộng đồng là câu chuyện mà chúng ta phải tính đến. Cho nên điều quan trọng là làm sao khắc phục xu hướng hành chính hóa nghi lễ thờ cúng Hùng Vương để cộng đồng có vai trò to lớn trong việc thực thi tín ngưỡng này.

Trên thực tế, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng ngàn năm nay và trở thành đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước?

PGS.TS. Nguyễn Chí Bền: Với người Việt trong xã hội đương đại thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một sợi chỉ đỏ để liên kết cội nguồn, liên kết mọi người hướng về cội nguồn. Đó chính là sức mạnh, là cơ sở để tạo ra cái truyền thống đại đoàn kết của dân tộc. Đây là điều làm cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn phát triển trong xã hội đương đại. Chúng ta chỉ cần quan sát dòng khách hành hương nườm nượp hàng triệu người về đền Hùng, quan sát thờ tín ngưỡng này ở Trung Bộ, Nam Bộ và một số quốc gia có người Việt sinh sống chúng ta sẽ thấy được sức sống của nó trong xã hội đương đại như thế nào.

Vậy chúng ta cần làm gì để giới trẻ có nhận thức đúng đắn về lễ hội này?

PGS.TS. Nguyễn Chí Bền: Thực ra câu chuyện mà theo tôi chúng ta phải quan tâm không nằm trong thế hệ trẻ, mà chúng ta nên nhìn vấn đề ở chiều khác. Đó là vai trò của nhà trường, của cộng đồng về ý thức về cội nguồn trong giới trẻ. Thái độ biết ơn tổ tiên như thế nào. Trong chương trình giáo dục chính qui hiện tại mới đưa vào chương trình ngữ văn của lớp 6 và lớp 10 một số truyền thuyết về Hùng Vương. Như thế là chưa đủ. Việc giáo dục ý thức về ông Tổ của quốc gia, của đất nước thì không phải mỗi chúng ta làm. Một số người như Hàn Quốc, Nhật Bản người ta cũng có giáo dục ý thức về nguồn cội, về ông tổ quốc gia, nhưng cách làm phải đa dạng và có hiệu quả hơn. Nếu chỉ có 1-2 truyền thuyết được đưa vào giảng dạy ở chương trình Ngữ văn lớp 6 và lớp 10 thì thế hệ trẻ họ hiểu biết không kỹ về Hùng Vương. Và khi họ đã hiểu biết không kỹ thì điều chúng ta mong đợi, niềm tự hào, tin tưởng, thái độ biết ơn chắc chắc sẽ không đầy đủ.

Trong khuôn khổ của lễ hội Đền Hùng năm nay chúng ta có một hội thảo quốc tế cũng có liên quan đến vấn đề tín ngưỡng thờ cúng. Xin ông có thể thông tin thêm?

PGS.TS. Nguyễn Chí Bền: Hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức với chủ đề "Tín ngưỡng thờ tổ tiên trong xã hội đương đại (Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam)". Có thể nói đây là hội thảo đầu tiên ở Việt Nam về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thu hút được số lượng các học giả quan tâm rất đông. Đến nay đã có 40 học giả từ 16 quốc gia khác nhau, gần 100 tham luận của các học giả trong nước gửi đến tham gia hội thảo. Chúng tôi đã tổ chức không ít các hội thảo khoa học quốc tế, nhưng ít có hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học quốc tế đến như vậy. Vì sao như vậy? Lý do là tín ngưỡng thờ tổ tiên là nhu cầu tất yếu, một nét tâm lý của con người. Con người bao giờ cũng suy nghĩ về việc thờ cúng tổ tiên của chính họ. Các dân tộc khác nhau, các quốc gia khác nhau có hình thức thờ cũng tổ tiên khác nhau. Trong xã hội đương đại, khi mà công cuộc hội nhập quốc tế càng thâm nhập sâu rộng với tất cả các quốc gia, thì tất yếu là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có sự biến đổi. Do sự biến đổi ấy mà hội thảo thu hút được đông đảo các nhà khoa học quốc tế tham gia đến vậy.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Hồ sơ khoa học về "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Phú Thọ" do Bộ VH,TT&DL và tỉnh Phú Thọ giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng thực hiện gồm: bản đồ, tư liệu, lý lịch nghệ nhân, báo cáo khoa học và văn bản liên quan. Ngoài khu vực Đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng gắn với lễ hội ở 3 địa danh xung quanh Đền Hùng là Việt Trì, Phù Ninh và Lâm Thao cũng sẽ là các khu vực bổ trợ tư liệu cho hồ sơ.

Ban xây dựng hồ sơ đã tổ chức nhiều hội nghị với Ban chỉ đạo, các chuyên gia của Hội đồng di sản quốc gia và các nhà khoa học nhằm thông qua đề cương chi tiết của hồ sơ; tiến hành 2 đợt kiểm kê di sản Tín ngưỡng thờ Hùng Vương theo hướng dẫn của UNESCO tại 226 di tích thuộc 106 xã trên địa bàn 12 huyện, thành, thị xã; thực hiện việc ghi hình, chụp ảnh mọi tư liệu sưu tầm tại 226 địa điểm thờ Hùng Vương; ra bộ sách “Tuyển tập các công trình nghiên cứu về Hùng Vương”; điều tra thu thập tư liệu trong và ngoài nước về tín ngưỡng thờ Hùng Vương, đảm bảo hồ sơ gửi UNESCO theo đúng tiến độ.

Theo dự kiến, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Phú Thọ” được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào kỳ xét duyệt năm 2012 của UNESCO./.



Mai Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất