Ca khúc Tình Bác được viết ở giọng la trưởng, thể 2 đoạn đơn có tính chất tự sự mộc mạc, cấu trúc A - B. Đoạn A có 2 lời ca, như một sự hồi tưởng lắng đọng. Đoạn B tiết tấu nhanh, lôi cuốn hơn. Được mở đầu bằng một tiết nhạc giản dị, mộc mạc, bài hát lời như tâm sự của chiến sĩ ta kể về những lần Bác đến thăm trận địa, sân bay:
“Ngày Bác đến thăm trận địa, tình Bác ấm áp trong lòng con…”
Mở đầu bài hát, tác giả đã khắc họa một hình ảnh rất đỗi thân thương khi nhắc lại một kỷ niệm Bác đến thăm trận địa pháo Phòng không. Bằng sự hồi tưởng, tác giả đã làm nổi bật tình yêu thương chiến sĩ của Bác Hồ: “Thương bộ đội phòng không nắng và khát giữa trưa hè trên mâm pháo trực chiến…”. Tình thương ấy đã làm người chiến sĩ thấy ấm áp như tình cha con. Ta như thấy lại hình ảnh của Người khi tham gia chiến dịch cùng bộ đội, đã “dém chăn từng người từng người một”, cả đêm không ngủ, thức bên bếp lửa hồng để canh giấc ngủ cho các anh. Bác là vậy, bình dị mà lớn lao:
“…Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta,
Thương cuộc đời chung , thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa…”
Tình cảm của Bác thật giản dị, mộc mạc và gần gũi với chiến sĩ đến nhường nào? Thật cảm động khi Bác nói với chiến sĩ: “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao đựoc?”. Khi bắt tay anh hùng Không quân Nguyễn Văn Cốc, chỉ một câu nói của Bác thôi, đã có ý nghĩa cực kỳ to lớn, động viên được cả một thế hệ chiến sĩ lái máy bay thời đó: “Bác mong bộ đội Không quân có nhiều Cốc hơn nữa!”. Rồi như một cuốn phim tái hiện, chúng ta lại thấy hình ảnh của Người “nắm tay chiến sĩ quân y, ôm hôn chiến sĩ nuôi quân”… Vâng, những hình ảnh thân thương ấy được nhắc đến như một kỷ niệm đẹp không bao giờ phai mờ trong lòng người chiến sĩ.
Bác đã đi xa, nhưng tấm gương đạo đức của Người còn mãi mãi để ngàn đời học tập và làm theo. “Rọi chiếu sáng gương của Người”, tấm gương lớn ấy không những là của dân tộc Việt Nam mà thế giới cũng đều ca ngợi, tôn vinh Người là Danh nhân văn hoá thế giới, để “ngàn năm không quên cho ngàn đời” mai sau học tập. Nếu như tình cảm bao la của Bác được tác giả tái hiện trong lời 1 thì sang lời 2, tác giả đã khéo léo đưa vào ca từ những lời hứa quyết tâm của chiến sĩ: “Nguyện làm người lính giữ trời xanh, giữ cho bình yên đất nước…”. Cho dù Bác đã đi xa, nhưng “phía trước con mây trắng vẫn bay”, và “người lính của bầu trời khắc mãi vào tâm khảm, sâu trong tim ân tình” của Bác.
Đoạn B, cũng là đoạn điệp khúc, được tác giả nhắc lại nhiều lần bằng tiết nhạc: “Lời của Bác bên con, Hình của Bác trong tim, đã theo con ngàn dặm xa. Lời của Bác vang xa, Tình của Bác bao la khắc ghi sâu đời đời…” . Đó là động lực thúc đẩy các anh hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi khi gặp khó khăn, nghĩ đến những tình cảm của Người dành cho, các anh lại nguyện chắc tay súng bảo vệ bầu trời của Tổ Quốc. Và cao trào của bài hát được trào dâng ở câu kết “Lời Bác chắp cánh bay. Lời non nước đắm say. Ngàn năm mây trắng bay…” với cao độ là nốt són âm khu cao đặt dưới dấu ngân tự do nghe chơi vơi rất đặc biệt.
Bài hát được viết cho giọng “teno” (đơn ca nam cao) và tốp nữ phụ hoạ. Tuy nhiên, ta vẫn thấy tính chất ngọt ngào dìu dặt của lời ru, như tình mẹ đối với con. Bởi tiết tấu đảo phách rất điệu đà tạo nên sự nhấn nhá trong lời hát, khiến người nghe như thấm dần từng lời. Ở đoạn A chỉ có 2 câu nhạc, nhưng đã nổi bật chủ đề sáng tác của tác giả. Toàn bộ giai điệu bài hát ở âm khu cao nhưng ta không nghe thấy chói mà vẫn mềm mại dặt dìu. Có một chút gì đằm thắm của điệu Ví dặm dân ca xứ Nghệ, lại như pha lẫn chất nhấn nhá của điệu hát ru đồng bằng Bắc Bộ theo cánh cò bay lả bay la. Sang đoạn B, tác giả có để tiết tấu nhanh, dồn dập hơn. Vẫn âm khu cao nhưng có thêm phần phối bè rất hoàn chỉnh tạo độ “dày” cho câu hát. Tiết tấu hai móc đơn kết hợp các dấu nối, dấu luyến chứng tỏ người viết rất có “nghề”. Câu kết chỉ có 3 tiết nhạc với ca từ “Lời Bác chắp cánh bay. Lời non nước đắm say. Ngàn năm mây trắng bay bay” nhưng tác giả đã chuyển tải ý tưởng sáng tác của mình tới người nghe: Lời Bác đã nâng bước chân ta, động viên ta mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Nay Bác đã đi xa, nhưng lời Bác là lời của nước non, vẫn ở lại bên ta hàng ngày. Và hình ảnh Ngàn năm mây trắng bay như linh hồn của Bác còn mãi với non sông đất nước, dìu dắt chúng ta tiếp tục vững bước đi trên con đường Bác đã vạch ra và tiếp tục sự nghiệp của Bác đã chọn. Dấu ngân tự do kết thúc bài hát và chùm 3 nốt nhạc đặt trên dấu luyến tạo sự bay bổng, khiến tâm hồn ta trong sáng hơn. Như một lời thơ của Tố Hữu “Yêu bác lòng ta trong sáng hơn.”
Khi được hỏi về hoàn cảnh ra đời của ca khúc, Nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết:
Là một chiến sĩ Không quân, tôi nhớ mãi câu chuyện Tết Đinh Mùi 1967 Bác đến thăm Quân chủng PKKQ. Bác đã thân mật hỏi: Có mấy đồng chí là Anh hùng quân đội? Đồng chí chính ủy báo cáo có 5 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi 9 chiếc máy bay. Bác đã gọi đồng chí Cốc lên ôm hôn và nói: “Bác mong Không quân ta có nhiều Cốc hơn nữa”. Rồi Người lại bảo cử 1 chiến sĩ nuôi quân, 1 bác sĩ, 1 y tá, 1 chiến sĩ gái lên cho Bác bắt tay, ôi những cái bắt tay ân cần thân thương sao mà xúc động đến thế. Trong quân chủng PKKQ chúng tôi vẫn đinh ninh lời Bác dặn dò: Nếu đồng chí nào bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Bác sẽ thưởng ngay một huy hiệu mang hình Bác và trên cánh bay sẽ được gắn 1 ngôi sao màu đỏ… Lời dặn ấy là động lực thúc đẩy chúng tôi cố gắng bắn rơi, hạ nhiều máy bay Mỹ hơn nữa. Những tình cảm ấy của Người đã khắc sâu vào trong tâm khảm mỗi chúng tôi, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi canh giữ bầu trời bình yên. Tôi dự định sẽ viết một ca khúc về Bác mà chưa viết được.
Năm 2007 Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động, thu hút mọi tầng lớp nhân dân làm theo gương Bác. Tôi vẫn nung nấu ý định viết về Người mà chưa thực hiện được. Năm 2008, nhạc sĩ An Thuyên có trao đổi với tôi về cuộc vận động sáng tác hưởng ứng chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.” Anh Thuyên có nói: anh cứ viết những gì anh cảm nhận được về Ông Cụ một cách gần gũi thân thương nhất. Tôi nghĩ lại những dấu ấn sâu đậm về Người qua các câu chuyện được nghe, nhất là tình cảm như một người cha của Bác đối với bộ đội. Thế là bài hát Tình Bác đã ra đời sau nhiều năm nung nấu ý định. Tôi đưa tất cả những hình ảnh, câu nói của Bác với chiến sĩ ta nói chung, với bộ đội Phòng không – Không quân nói riêng vào ca từ của bài hát với một tấm lòng biết ơn sâu sắc và lòng thành kính vô hạn đối với vị cha già của dân tộc…”.
Bài “Tình Bác” được “trình làng” lần đầu tiên trong Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân tháng 12 năm 2008 với sự thể hiện xuất sắc của ca sĩ Đức Tuấn cùng tốp nữ đoàn Nghệ thuật PK-KQ phụ hoạ. Sau đó, bài hát đã được nhiều ca sĩ và “chiến sĩ văn nghệ” khác (như Trung Hải, Đoàn bay vận tải 918, hoặc tốp ca nam Đoàn Phòng không Hà Nội) hát cũng rất thành công. Bởi chúng ta đều nghĩ: Tình cảm bao la của Bác đối với nhân dân ta, chiến sĩ ta là vô bờ bến./.
Hoài Đức