Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Ba, 3/5/2011 21:46'(GMT+7)

Nhớ và Quên – hồi ức về một thế hệ

Dày chưa đến 300 trang, trong đó nhiều trang là thư từ, ảnh, tư liệu, những ghi chép chiến trường... cuốn sách dường như chứa đựng trong đó nhiều hơn thế.

Vợ chồng Trung tướng Phạm Hồng Sơn –Đặng Anh Đào

Phần I của cuốn sách là tập hồi ký “Nửa đời chiến trận” của Trung tướng Phạm Hồng Sơn viết nhiều năm trước và đã được NXB Quân đội ấn hành vào năm 2007. Những hồi ức về gia đình, tuổi thơ, về con đường chiến trận của một vị tướng già bắt đầu từ lúc “xếp bỏ bút nghiên” đi theo cách mạng từ ngày đầu khởi nghĩa, được tái hiện theo một lối viết kiểu “thông tấn”. Có thể thấy ở đây những tư liệu quý giá, gợi mở rất nhiều điều để tìm hiểu về một con người – một nhân vật khá quan trọng trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua đó, còn rất nhiều tư liệu về kháng chiến, về lịch sử dân tộc chưa được phát lộ đầy đủ.

Sinh năm 1923 trong một gia đình có truyền thống giáo dục căn bản, vốn là học sinh Trường Bưởi (Chu Văn An), rồi sinh viên Trường Luật, nhưng cũng như nhiều thanh niên, trí thức thời đó, Phạm Hồng Sơn đã từ bỏ con đường học vấn để đi theo kháng chiến. Để rồi, cuộc đời của ông, cho đến tận bây giờ, là cuộc đời chiến trận. Ông là một trong số những nhân vật chỉ huy quan trọng, không những sát cánh bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp – từ mối quan hệ gia đình – ông còn là “anh em cọc chèo” với Đại tướng. Tham gia chỉ huy từ những trận đánh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến trận cuối cùng trong kháng chiến chống Mỹ, cuộc đời binh nghiệp của ông, nếu viết hồi ký, sẽ là một pho tư liệu lịch sử vô giá. Một thế hệ lịch sử, ra đi từ năm 1945 và trở về sau 1975 - đúng một vòng đời chiến trận - một thời đoạn khốc liệt nhất của lịch sử dân tộc.

Nhiều năm nay, trở về với gia đình ở ngôi nhà trên phố Lý Nam Đế, Trung tướng Phạm Hồng Sơn đã trở thành một ông già 90 tuổi, nhớ nhớ quên quên. Cuốn hồi ký xuất bản cách đây mấy năm của ông, chỉ mới dừng lại ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Và tuyệt nhiên, giờ đây thì ông không còn nhớ gì nữa.

Tiếc những gì ông trải nghiệm, chứng kiến – như một phần lịch sử đã bị quên lãng, phu nhân của ông – PGS, TS Đặng Anh Đào đã chấp bút viết tiếp phần II, mang tên “Vành trăng khuyết”. Tái hiện phần nào quãng thời gian từ 1954 đến 1975, Đặng Anh Đào đã phác họa nên chân dung vị tướng từ những tư liệu chiến trận gồm sổ tay ghi chép cá nhân, thư từ giao dịch, hình ảnh... đến những tư liệu đời thường, tình cảm của người chồng, người cha trong gia đình nhỏ và mối quan hệ với chiến sĩ, đồng đội... Ngoài những tư liệu lịch sử phong phú, khách quan và tin cậy, phần II cuốn sách còn cuốn hút người đọc bởi lối viết giản dị, dồn nén của một nhà nghiên cứu văn học. TS Đặng Anh Đào là con gái thứ tư của GS Đặng Thai Mai, được nhiều độc giả biết đến với với tư cách nhà nghiên cứu phê bình, nhà văn, dịch giả. Tập sách này cũng là nỗ lực của bà nhằm thức dậy những vùng sáng ký ức của vị tướng già, cũng là lưu giữ ký ức về một thế hệ vàng trong lịch sử dân tộc mà chúng ta không được phép quên lãng.

Theo MINH ANH/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất