Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 16/5/2011 19:0'(GMT+7)

Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cuốn sách gồm hai phần, cung cấp cho độc giả nhiều nhận xét, quan điểm và tình cảm của thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phần I - Anh hùng giải phóng dân tộc: Bên cạnh nhiều bức ảnh quý giá cho thấy tác phong làm việc nhanh nhẹn và phong cách sống điềm đạm cả trên chiến trận lẫn khi ngoại giao, phần này cuốn sách còn trình bày ý kiến nhận xét của nhiều người dân thế giới về Bác Hồ. Đó là những lời nhận xét chân tình và xuất phát từ sự ngưỡng mộ cá nhân.

Phần này có nhiều ảnh chụp ít thấy trong sách báo mà khi ghép lại, ta có một Hồ sơ bằng hình ảnh về quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Bắt đầu là hình ảnh Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước 5-6-1911 đến hình ảnh Nguyễn Ái Quốc và những người bạn quốc tế hoạt động tại Pháp năm 1923, trong đó, đặc biệt có cả hình ảnh chụp nguyên bản Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam do Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi Hội nghị Vécxây, năm 1919. Rồi đến tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp thuộc địa do Bác Hồ và một số nhà cách mạng sáng lập, từ năm 1922 đến 1926. Đặc biệt là cảnh Người đọc Tuyên ngôn độc lập và cận cảnh bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó là ảnh chụp những chuyến thăm của Người tới khắp các châu lục và sự đón tiếp nồng hậu của nhân dân các nước… Nhiều bức ảnh cho thấy, trên khắp đường phố khi xe đón đoàn đi qua, nhân dân đứng chật hai bên đường vẫy tay và hoa chào mừng.

Tiếp đó là những lời nhận xét từ khắp các châu lục: châu Á, châu Âu, châu Mỹ… khiến ta xúc động và tiếc thương một Người Anh hùng sống hết sức đời thường và gần gũi nhân dân, như lời nhận xét của: Mohamad Ismail Mhashoor - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ápganixtan tại Việt Nam; Yátxe Araphat - Chủ tịch tổ chức giải phóng Palextin viết năm 1969; Đoàn đại biểu báo Nhân dân Lào…

Phần II - Nhà văn hóa kiệt xuất: Tình cảm chan hòa của Người không chỉ với thiếu Nhi Việt Nam mà với thiếu nhi thế giới, khiến cho các trẻ em vô cùng ngưỡng mộ Người. Đặc biệt là các em thiếu nhi Liên Xô, háo hức được gặp gỡ Hồ Chí Minh trong ảnh chụp chuyến Người thăm Liên xô năm 1957.

Nhân dân thế giới biết về Người với lối sống cần kiệm và phong thái giản dị, điềm đạm. Ở Hungari, thiếu niên tới tặng Người bó hoa hồng đỏ thắm. Không chỉ vậy, trên đường từ sân bay về thủ đô Sôfia, nhân dân Hungari tràn ra đường chào đón vị Chủ tịch đến từ Việt Nam xa xôi. Tại đất nước Rumani hay thủ đô Đê li (Ấn Độ), nhân dân nước bạn cũng đón chào đoàn diễu hành trên các đường phố.

Báo chí của nước ngoài cũng đã đánh giá rất cao đóng góp của Người cho nhân dân Việt Nam và cho nhân loại. Năm 1954, ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trên trang bìa tạp chí Time. Trong những năm sau đó, cũng có nhiều báo và tạp chí đưa ảnh Người lên trang bìa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tạ thế không chỉ để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho nhân dân Việt Nam mà cho cả nhân dân thế giới. Trong sách có ảnh chụp một đoàn diễu hành tổ chức lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cônggô năm 1969 và rất nhiều lời ghi chép thể hiện sự tiếc thương chân thành đối với mất mát lớn lao này.

Rất nhiều đoàn đại biểu lãnh đạo đã đến thăm Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, những dòng lưu bút tại đây hầu hết đều tỏ lòng tôn kính, tiếc thương, khâm phục Người như một tấm gương lãnh tụ vĩ đại có một tâm hồn cao cả. Đặc biệt, các vị khách hết sức ngạc nhiên và cảm phục lối sống giản dị và thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, phần này còn có những lời nhận xét, những lời lưu bút của các vị lãnh đạo Đảng, lãnh đạo các nước bạn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh như: đồng chí Phiđen Caxtơrô, Bí thư Thứ Nhất BCH TW ĐCS Cuba, và bác sĩ Ôxvanđô Đoócticốt, Tổng thống Cuba ghi năm 1969; đồng chí Phieng Sisulat, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và thể thao Lào; Kawamoto Kunie, Giáo sư trường Đại học Kê I Cô, Nhật Bản… Một phần được trích từ tham luận tại các Hội thảo, một phần trích từ cuốn lưu bút của khách quốc tế tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Ở cuối sách, còn có nhiều bức ảnh chụp những công trình kỷ niệm ghi lại dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhiều đất nước, như: Bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bờ sông Singapo, nơi Người đã đến vào năm 1933; Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên Môngtơrơi (Pháp); hoặc phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường mang tên Người tại thủ đô Mátxcơva (Nga). Trên “Bức tường danh nhân” tại thủ đô Pari (Pháp), nơi lưu giữ chân dung những vĩ nhân đã làm nên thế kỷ XX, trong đó có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Mặc dù có rất nhiều câu chuyện ta đã biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua sách báo, qua những câu chuyện kể và chúng ta đã có một Bảo tàng Hồ Chí Minh với nhiều tư liệu quý giá, các văn bản và ảnh chụp, nhưng tất cả kho tàng khổng lồ đó vẫn chưa nói hết được sự lớn lao của Người. Thông qua những điều mà nhân dân thế giới nói về Người, chúng ta lại càng hiểu hơn tầm vóc của Bác Hồ, không chỉ là một vĩ lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã trở thành vị lãnh tụ của nhân dân lao động cách mạng thế giới.

Với hơn 200 trang sách, cuốn sách là một minh chứng sống động về tình cảm yêu mến của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Không dừng ở sự ngưỡng mộ, Bác Hồ của chúng ta đã được nhiều người coi như tấm gương về ý chí và nhân cách để noi theo. Thông qua cuốn sách, những người biên soạn đã mang tới một góc nhìn mới và nhiều điều chưa biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những bức ảnh và những dòng lưu bút của những vị lãnh đạo khắp năm châu cũng sẽ góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè và nhân dân thế giới cùng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phạm Ngọc Huệ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất