Công trình nghiên cứu của Giáo sư Hà Minh Đức gồm Lời nói đầu cùng 8 chương, rạch ròi hai mảng. Mảng đầu gồm sáu chương, mở ra với: “Mác, Ăngghen, Lênin và hoạt động báo chí” (Chương 1), đến Chương 6 khép lại cùng “Sáng tác văn nghệ và báo chí của Mác, Ăngghen. Lênin bàn về văn nghệ”. Giữa cái khung ấy, tác giả dành bốn chương, bằng phân nửa cuốn sách, đề cập mấy vấn đề cơ bản trong tư duy các nhà kinh điển: Chức năng và đặc điểm của báo chí; Khuynh hướng chính trị xã hội của tác phẩm báo chí; Báo chí dưới chế độ tư bản; và Báo chí của giai cấp vô sản. Hai chương cuối đưa độc giả trở về Việt Nam: Hồ Chí Minh tiếp nhận và vận dụng sáng tạo quan điểm báo chí của Mác, Ăngghen, Lênin (Chương 7), và cuối cùng: Báo chí cách mạng Việt Nam theo đường lối của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chương này cập nhật và làm sáng tỏ thêm quan điểm tác giả diễn giải tại Lời nói đầu: “Những ý kiến của C. Mác, Ph. Ăngghen về báo chí tuy đã lùi xa trên trăm năm nhưng vẫn có giá trị với hiện tại, vẫn là những tri thức mới mẻ” (tr. 10).
Cuốn sách còn có phần Phụ lục in lại bốn tác phẩm tuyệt vời, rất cần thiết để hiểu sâu những vấn đề tác giả giới thiệu trong công trình khoa học: Bài Các Mác của Ăngghen viết năm 1869; bài Phriđrích Ăngghen do Lênin viết năm 1895, sau khi nhận được tin “cây vĩ cầm số 2 bên cạnh Mác” từ trần; cùng hai bài của Hồ Chí Minh về Lênin: Lênin và Phương Đông, viết bằng tiếng Nga đăng báo “Tiếng còi”, Liên Xô, ngày 21-1-1926, và Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, viết theo yêu cầu của tạp chí “Các vấn đề phương Đông” cũng xuất bản tại Liên Xô, kỷ niệm lần thứ 90 Năm sinh nhà lãnh đạo thiên tài Nga (1960). Về hoạt động báo chí, văn học của Bác Hồ, Giáo sư Hà Minh Đức đã có nhiều công trình khoa học toàn diện hơn, trong đó có cuốn Sự nghiệp báo chí, văn chương Hồ Chí Minh công bố năm 2000 nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Người. Lần này chỉ đề cập vấn đề “Bác Hồ tiếp nhận và vận dụng” quan điểm, tư tưởng báo chí của ba nhà kinh điển.
Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin: C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin từng là những nhà báo năng động. Họ trực tiếp làm phóng viên, biên tập, chủ bút nhiều tờ báo, đặc biệt có công lớn sáng lập, định hướng, chỉ đạo cả một nền báo chí kiểu mới. “Đặc điểm chung của tác phẩm báo chí của Mác, Ăngghen, Lênin là giàu chất trí tuệ mà hạt nhân là tư duy triết học, tri thức văn hóa và tri thức kinh tế xã hội” (tr. 16). Các vị lưu lại hậu thế di sản trước tác đồ sộ. Toàn tập Mác-Ăngghen 50 cuốn khổ lớn, Toàn tập Lênin 55 cuốn. Trên thế gian này, ngoài các nhà khoa học chuyên sâu, xin được hỏi có bao nhiêu người đọc hết tác phẩm của các nhà kinh điển? Và cho dù ai đó có hạ quyết tâm làm “mọt sách” đi nữa, đâu có phải đọc là hiểu, nếu người ấy chưa có ít nhiều kiến thức về thời đại cũng như về những vấn đề mà các nhà kinh điển đề cập trong trước tác của họ. Thế cho nên mới có hiện tượng khá phổ biến: viện dẫn sách qua người khác. Người ta trích dẫn lại nhau và cũng chẳng buồn quan tâm xuất xứ, thời điểm ra đời những câu trích dẫn. Những người ấy dẫn kinh điển không để làm cơ sở minh chứng luận điểm của mình, mà chỉ nhằm minh họa những điều mình suy nghĩ, trong đó có ý kiến bản thân tác giả cũng chưa hẳn tin đủ sức thuyết phục, cho nên mới phải cậy nhờ các bậc tiền bối chi viện sức nặng cho. Những lời Lênin bàn về nhiệm vụ của báo chí thời cách mạng Nga còn trong trứng nước và những điều ông nói sau khi chế độ xô viết đã hình thành trên một phần sáu địa cầu rõ ràng khác xa nhau một trời một vực, thậm chí có khi gần như trái ngược nhau. Nếu nhiệm vụ chủ yếu của báo chí Nga trước năm 1917 là phản đối cái đương quyền, là tổ chức quần chúng đấu tranh lật đổ chế độ Nga hoàng, thì sau khi Cách mạng tháng Mười thành công, yêu cầu quán xuyến là thiết lập một chế độ hoàn toàn mới, vừa phê phán cái cũ vừa xây dựng cái mới, xây là chính, chống là để xây. Lẫn lộn thời gian đương nhiên lạc hướng. Trong thời đại mới, “báo chí cách mạng không phải chỉ phê phán mà còn có chức năng xây dựng, với biết bao công việc chồng chất, nặng nề, mới mẻ” (Hà Minh Đức, tr. 29).
Như đón trước nỗi băn khoăn của độc giả, tác giả giải bày tại Lời nói đầu: “Không dễ tiếp nhận và thấu hiểu các lĩnh vực rộng lớn của các nhà kinh điển luận bàn về chính trị, xã hội, kinh tế... Tác giả công trình chỉ tập trung chủ yếu vào những tập sách mà các nhà kinh điển luận bàn về báo chí và các vấn đề liên quan”.
Một chủ đề bao quát một lĩnh vực rộng lớn được nén lại trong chưa tới 300 trang sách. Rất dễ hiểu là không phải (và không thể) gặp nội dung nào tác giả cũng dừng lại để thuyết giải, luận bàn cặn kẽ. Làm theo cách ấy, chắc hẳn phải cần đến nhiều chục công trình. Cái quý của cuốn sách Hà Minh Đức, theo tôi, là trình bày có hệ thống, khái quát cô đúc đồng thời mang tính gợi mở giúp những ai muốn đi sâu hơn vào khía cạnh này vấn đề nọ. Nó còn bao hàm ý ngầm nhắc nhở người đọc chớ nên thỏa mãn với những gì mình đang xem mà phải tìm học rộng hơn, suy nghĩ nhiều hơn nữa.
Bàn về những tố chất của Lênin với tư cách nhà báo, tác giả khái quát vào mấy điểm: tính hợp thời gắn với thực tiễn và có lợi cho phong trào; có nền tảng tri thức và lý luận, nhất là triết học; coi mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc bền vững; và hoạt động báo chí cũng phải dựa vào trí tưởng tượng. Như vậy có nghĩa là, đâu chỉ nhà thơ mới cần trí tưởng tượng để sẵn sàng run với gió, mơ theo trăng và bay bổng cùng mây, mà rất lâu trước nhà thơ trữ tình của chúng ta, vị lãnh tụ thiên tài Nga đã khẳng định nhà toán học cũng cần giàu tưởng tượng. Ông nói: “Ngay cả việc phát minh ra tính vi phân và tính tích phân cũng không thể có được nếu không có trí tưởng tượng”. Lẽ đương nhiên nhà báo càng cần biết tưởng tượng, nếu chưa hơn cũng chẳng nên kém. Tôi chợt nghĩ tới lời bác sĩ Nguyễn Khắc Viện khuyên các nhà báo trẻ, một dịp bàn về nghiệp và nghề báo chí: “Ai chưa thuộc ca dao, Kiều, Chinh phụ, Cung oán... thì hãy tìm mà đọc, mà nghiền ngẫm ngay!”.
Một thí dụ khác. Chương 2 cuốn sách đề cập Chức năng và đặc điểm của báo chí. Một vấn đề cơ bản (và hiện đang gợi lên lắm ý kiến đa chiều). Tác giả đi sâu phân tích bốn vấn đề: Tính thời sự của báo chí; báo chí phải có tính xác thực và trung thực trong hệ thống tin tức; báo chí phải là tiếng nói của nhân dân; báo chí và văn học. Bốn vấn đề to đùng gói trong 20 trang sách. Người đọc có thể bổ sung hoặc bóc tách thành nhiều mặt, dù sao bốn vấn đề cơ bản ấy đủ để tạo dựng cái nền và làm men cho chúng ta suy nghĩ khi gặp và cần xử lý một vấn đề nghề nghiệp nóng hổi. Tôi có cảm tưởng ngày nay hình như không ít đồng nghiệp của tôi hơi bị sa đà tính hiện đại, tính chuyên nghiệp, vv... Đương nhiên đó là việc cần. Nỗ lực tiến lên hiện đại và không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí là tất yếu. Tôi nhấn mạnh “không ngừng”, bởi hiện đại cũng như chuyên nghiệp, vv. là những phạm trù không có điểm dừng. Chúng vận động cùng thời gian và trong không gian xác định. Sẽ sai lầm nếu coi nhẹ tổng kết thực tiễn, mắt đăm đăm hướng ra ngoài tìm khuôn mẫu rồi bắt chước cả những cái đã bị người ta vượt qua mà mình ngỡ vẫn còn mẫu mực. Đến nỗi tại một cuộc hội thảo, có người đã phải thốt lên: Vậy thì rốt cuộc có còn vấn đề bản chất của báo chí nữa hay không? Bản sắc của báo chí Việt Nam nằm ở nơi nao?
Cô đúc và gợi mở, đó là cảm nhận nổi trội của tôi sau nhiều lần lật đi giở lại cuốn sách của Giáo sư Hà Minh Đức, cuốn này tiếp nối công trình ông đã công bố cách đây 30 năm, được tái bản nhiều lần: C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin và một số lý luận văn nghệ. Cảm nhận của tôi còn pha lẫn chút thòm thèm. Song không lo. Bởi vị giáo sư lão thành, nhà giáo nhân dân, nhà phê bình lý luận, nghiên cứu văn học nghệ thuật, báo chí tên tuổi cho dù đã vượt quá ngưỡng tuổi 75 vẫn đang ngày ngày miệt mài nghiên cứu, sáng tạo với hiệu suất cao, để đều đều trình làng những công trình, tác phẩm mới. Nửa thế kỷ qua, Hà Minh Đức đã xuất bản mấy chục đầu sách, kể cả bộ Tuyển tập đồ sộ dày đến ba ngàn trang khổ 16x24 cm (2004). Nhiều tác phẩm của ông trở thành sách gối đầu giường, công cụ không thể thiếu đối với sinh viên, nghiên cứu sinh văn học, báo chí. Bên cạnh đó là một chục công trình nghiên cứu khoa học do ông chủ biên, công trình nào cũng rộng lớn, cần thiết, bổ ích, hợp thời. Nhà giáo nhân dân uyên bác, thâm trầm, nhuần nhị với chỉ số thâm niên đứng lớp cao đã tham gia đào tạo không biết bao nhiêu cử nhân văn chương, báo chí. Riêng ông đã hướng dẫn 22 vị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, một số học trò ông nay nổi tiếng trên văn đàn hoặc trong học thuật. Giáo sư Hà Minh Đức đã và đang là thành viên của nhiều Hội đồng quốc gia về giáo dục, khoa học, lý luận, khảo cứu, thực hành văn học, nghệ thuật, báo chí, truyền thông... Ngoài công việc giảng dạy đại học và sau đại học, ông có thời gian dài cùng lúc nắm giữ và cùng lúc làm tròn hai cương vị đáng nể trọng, thuộc hai tổ chức khác nhau: Viện trưởng Viện Văn học, Ủy ban Nhà nước về Khoa học xã hội và nhân văn, và Chủ nhiệm Khoa báo chí Đại học Quốc gia Hà Nội.
|
Các tác phẩm của GS Hà Minh Đức |
|
|
Bước vào mùa thu của cuộc đời, nhà nghiên cứu tự giải tỏa bằng trải lòng qua thi ca. Tập thơ đầu tay của Hà Minh Đức đã khiến nhà thơ Tố Hữu ngạc nhiên: Cho dù không cố ý, thơ Hà Minh Đức mang hơi hướng trường phái tượng trưng. Trong vòng mươi năm, nhà giáo cho ra mắt bạn đọc năm tập thơ với những cái tên gợi cảm: Đi hết một mùa thu, Ở giữa ngày đông, Những giọt nghĩ trong đêm, Khoảng trời gió cát bay, Ngoài trời còn mưa, tập nào cũng có nhiều bài đi vào lòng người đọc. Ông là tác giả nhiều tập ký đầy cá tính, có tập tái bản đôi ba lần. Ký của nhà mô phạm mà không thuyết giảng, không văn hoa, lại đầy ắp hơi thở chân chất đời thường cả về chủ đề, nội dung lẫn bút pháp, như thể ông đang “tản mạn đầu ô” Hà Nội hay “miên man với thu vàng tuyết trắng” bên Nga. Những năm gần đây, ông chuyên tâm vào việc hồi tưởng, suy ngẫm thêm về một số tên tuổi lớn của văn học nước nhà, dựa trên nhiều trang tư liệu mà ông cần mẫn ghi chép suốt mấy chục năm, mỗi lần có dịp trò chuyện với những người trong cuộc. Đó chính là gạch đá vôi vữa cho ông xây đắp nhiều công trình vững chãi. Sau các chuyên đề nghiên cứu về Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Tự lực văn đoàn... đã công bố trước, trong vòng mấy năm lại đây, Giáo sư Hà Minh Đức cho xuất bản một loạt sách về Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tô Hoài..., và hiện ông đang làm cuốn về Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh.
Tôi không dám kể lể nữa, sợ mang tiếng khéo khen phò mã tốt áo. Tuy nhiên, là người cả một đời dấn thân vào báo chí, tôi không thể không nhắc tới với lòng biết ơn công lao ông, trên tư cách một người thầy được giao cùng ba, bốn thầy cô giáo khác, việc đặt nền móng xây dựng Khoa Báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Họ đã đi từ không tới có, để thiết chế này mau chóng cùng với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trở thành hai cái lò chủ chốt đào tạo các nhà báo trẻ, bổ túc kiến thức, nâng cao tay nghề cho không ít ký giả đã có nhiều năm tuổi đời tuổi nghề, đồng thời chuyên lo nghiên cứu khoa học báo chí, truyền thông.
Tôi cảm tạ Giáo sư Hà Minh Đức đã quan tâm gửi cho đọc gần như đủ các công trình, tác phẩm của ông mỗi lần xuất bản hoặc in lại. Một lần, cảm ơn ông qua điện thoại về cuốn sách mới nhận được, tôi buột mồm: “Có lẽ đến phải thửa riêng một cái tủ xếp tác phẩm Hà Minh Đức”. Nói vui mà thật lòng. Làm như vậy cho gọn cho đẹp đã đành, lại dễ tìm khi cần nghiên cứu, tham khảo. Mà tôi thì luôn cần đến sách Hà Minh Đức./
Phan Quang
(Nguồn: VOV)