Ngày 30/4/1975 là ngày đất nước thống nhất. Mơ ước mấy chục năm, ý nguyện của hàng chục triệu người dân Việt Nam khi ấy đã thành hiện thực. Giờ đây, người dân Việt có thể thư thái ngắm nhìn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của Tổ quốc, của giang sơn gấm vóc. Nhạc sĩ Võ Văn Di đã rất nhạy cảm nắm bắt được trạng thái viên mãn ấy. Và “Bài ca thống nhất” ra đời. Chút bâng khuâng, bồi hồi pha trộn tình cảm yêu thương trong niềm vui sum họp của dân tộc khiến bài hát cứ in đậm vào tâm khảm người nghe
Nhạc sĩ Võ Văn Di hình thành bài hát từ việc vẽ nên một bức tranh toàn cảnh thật mĩ lệ về Tổ quốc với nét nhạc khá dàn trải nhưng lại được hát hơi nhanh với tiết tấu của nhịp 2/2: “Biển trời bao la đẹp như gấm hoa. Nước mây muôn màu, những con tàu ra Bắc vào Nam…”. Quả là “nhạc trung hữu họa”. Nhạc sĩ như đứng ở một điểm nào đó rất cao, phóng tầm mắt vừa xa, vừa rộng để bao quát cả núi sông, bờ cõi. Và ông đã dùng hình ảnh “gấm hoa” với “nước mây muôn màu” để miêu tả đất nước. Không gì có thể đẹp hơn - một vẻ đẹp trang trọng, thanh khiết. Tình yêu Tổ quốc ở đây còn được hòa trộn với niềm tự hào, kiêu hãnh của người đang được làm chủ trọn vẹn giang sơn của mình.
Liền sau đó tác giả đã rất khéo léo nói đến “Những con tàu ra Bắc vào Nam” giữa một “biển trời rộn vang tiếng ca” rồi “Bắc Nam một nhà, vui một nhà vang tiếng hò khoan…” vẫn là bức tranh Tổ quốc biểu hiện sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng có lẽ không có hình ảnh nào giàu sức biểu cảm hơn là hình ảnh những con tàu, bởi đây chính là một phương tiện giao thông phổ biến nhất mà bất cứ ai cũng dễ dàng sử dụng. Hơn thế, “những con tàu” này lại đi qua tất cả mọi miền suốt chiều dài đất nước, không bỏ qua một địa danh nào.
Bài ca thống nhất” là bài ca của cuộc sum họp toàn dân tộc - một sự gặp gỡ tự nhiên mà nghẹn ngào như có hẹn trước của lịch sử. Cái tính chất tự do trong cách phát triển giai điệu dễ tạo cảm giác hơi lê thê, dài dòng. Nhưng ở bài này lại như một sự cố ý và khá phù hợp với nội dung bài hát cần biểu hiện: thống nhất, sum họp, mừng mừng, tủi tủi, pha trộn vui buồn. Tuy có ít nhiều tản mạn về kết cấu nhưng tác giả lại triệt để củng cố một chủ đề âm nhạc rất ấn tượng - là những ô nhịp được kéo dài với hai nốt tròn - nên người nghe luôn được tô đậm âm điệu chủ đạo. Chút bâng khuâng, bồi hồi pha trộn giữa tình cảm yêu thương trong niềm vui sum họp của cả một dân tộc với nhiều cảnh ngộ khác nhau khiến cho bài hát cứ in đậm vào ấn tượng người nghe, thật khó phai nhòa.
Tôi nhớ lại kỷ niệm, trong một lần tiếp xúc với một số người Việt Nam ở nước ngoài về quê hương ăn Tết năm 1976, bà con đã cùng đồng thanh hát bài này trong phần văn nghệ. Đây là bài hát tác giả viết cho hát đơn ca, do có nhiều chỗ ngân dài và luyến láy nên rất khó cho việc hát tập thể. Nhưng mọi người vẫn cố gắng hát. Bà con nói đây là bài họ đặc biệt ưa thích vì đã gợi nên những tình cảm về quê hương nồng ấm giản dị, rất đỗi Việt Nam. Nghe hát bài này, ai cũng muốn trở về gắn bó với đất mẹ./.
Theo Nhạc sĩ Nguyễn Đình San/Báo TNVN