Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật vừa xuất bản cuốn sách: “Phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách bao gồm một số bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn báo chí được chọn lọc của đồng chí Nguyễn Phú Trọng liên quan đến chủ đề này.
Trong nội dung cuốn sách, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ðó là một nhà nước đại đoàn kết toàn dân, dựa trên nền tảng của khối liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, được đặt ra như một tất yếu khách quan. Cách mạng tháng Tám thành công, ý tưởng xây dựng một Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đã được khẳng định ngay trong Hiến pháp năm 1946 và tiếp theo là Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là cách thức cơ bản để phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Nội dung cuốn sách đã nêu bật 5 quan điểm cơ bản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước:
Một là, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, dựa trên nền tảng của khối liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, dưới sự lãnh đạo của Ðảng tiên phong của giai cấp công nhân; thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân.
Hai là, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Ba là, quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo và điều hành tập trung thống nhất của trung ương, đồng thời phát huy trách nhiệm và tính chủ động, năng động, sáng tạo của từng địa phương, từng cơ sở, từng tổ chức, từng cá nhân và toàn hệ thống.
Bốn là, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục đạo đức xã hội chủ nghĩa, kết hợp biện pháp hành chính với giáo dục tư tưởng, nâng cao dân trí, kết hợp sức mạnh của pháp luật với sức mạnh của quần chúng.
Năm là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước.
Thông qua cuốn sách, chúng ta thấy được một cách hệ thống hơn những quan điểm, nguyên tắc, cách thức và bước đi trong việc phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam.
Diệp Bích/Chinhphu.vn