Thứ Hai, 25/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Sáu, 24/9/2010 22:21'(GMT+7)

Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp

Ngày 24/9, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo với quy mô quốc gia về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Hội thảo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức với sự hỗ trợ của Unicef và các tổ chức quốc tế nhằm phân tích thực trạng, nguyên nhân và thống nhất giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em

Mỗi năm hơn 100 vụ giết trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục

Tình trạng bạo lực trẻ em vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Theo báo cáo của các địa phương, trong hai năm 2008 – 2009, cả nước đã xảy ra gần 6.000 vụ. Còn theo báo cáo của Bộ Công an thì bình quân một năm xảy ra trên 100 vụ giết trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục với khoảng 900 em là nạn nhân và 50 vụ bắt cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý hình sự. Dư luận đã biết đến những trường hợp như: Cháu Nguyễn Thị Bình (Hà Nội) bị vợ chồng chủ quán phở hành hạ, Quản Thị Kim Hoa (Đồng Nai) đánh đập trẻ em tại nhóm trẻ gia đình, cháu Nguyễn Hào Anh (Cà Mau) bị vợ chồng chủ trại nuôi tôm Minh Đức hành hạ bằng các hình thức dã man… Phát biếu khai mạc Hội thảo, lời đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân thương xót đề cập đến vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý, 9 tháng tuổi ở Đồng Tháp bị chính mẹ ruột và ông bà ngoại hành hạ, đánh đập dã man…

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, tình trạng bạo lực trong và ngoài trường học ngày càng bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng như: Học sinh đánh học sinh gây thương tích, thậm chí tử vong; giáo viên sử dụng các biện pháp giáo dục có tính chất bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng đối với học sinh, học sinh hành hung thầy, cô giáo, nữ sinh đánh nhau, tung video clip lên mạng…

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đầu năm học 2009 – 2010 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ học sinh đánh nhau. Cứ 5.260 học sinh thì xảy ra 1 vụ đánh nhau, cứ 9 trường thì xảy ra một vụ học sinh đánh nhau. Nhiều vụ việc xảy ra mang tính chất hoặc gây hậu quả nghiêm trọng như việc học sinh nữ đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn, quay phim rồi tung lên mạng coi như là một “chiến tích” (xảy ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, An Giang…), học sinh đánh nhau có sử dụng hung khí, gây thương tích nặng. Năm học 2009 – 2010 đã xảy ra 7 vụ việc học sinh đánh nhau dẫn đến chết người.

Số trẻ em bị buôn bán, bắt cóc vì mục đích thương mại cũng đang có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2008 có khoảng 208 em là nạn nhân của việc buôn bán người thì đến năm 2009, con số này tăng lên khoảng 628 em.

Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng nhanh từ trên 200 em vào năm 2005 lên 1.427 em vào năm 2008, ước tính năm 2010 là 900 em. Tuy nhiên, đây chỉ là số trẻ em bị xâm hại tình dục được trình báo. Trên thực tế, con số này còn cao hơn do công tác quản lý, nắm tình hình còn chưa chặt chẽ, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em bị che giấu do tâm lý mặc cảm của gia đình nạn nhân, sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ hoặc không tố giác do có sự thoả thuận bồi thường giữa hai bên…

Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Chúng ta vẫn thường nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Vậy, hôm nay, chúng ta cần phải hành động vì ngày mai. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham gia Hội thảo cần nhìn nhận và phân tích đầy đủ các nguyên nhân và tác động đến tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, cả về tác động tiêu cực của tăng trưởng kinh tế cũng như những vấn đề xã hội đang và sẽ nảy sinh. Trong đó, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh cần nghiên cứu sâu hơn nguyên nhân về quản lý nhà nước và trách nhiệm của hệ thống chính quyền các cấp. Theo Bộ trưởng, những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em nghiêm trọng đã xảy ra cho thấy có những vấn đề thuộc về thi hành pháp luật, năng lực quản lý, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của các cán bộ, công chức có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em…

Để có các giải pháp bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại lâu dài và bền vững, cần chú trọng việc xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em. Trong đó, có hai nhiệm vụ quan trọng cần đẩy nhanh là củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ xã hội, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, đặc biệt ở cấp xã, phường, thôn, bản, cụm dân cư… Bên cạnh đó, cần gấp rút củng cố, hình thành các dịch vụ xã hội bảo vệ trẻ em có tính hệ thống, liên tục và chuyên nghiệp theo cả hai hình thức công ích Nhà nước và xã hội hoá.

Thủ tướng đã có chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó chỉ đạo những công tác cần ưu tiên thực hiện trong năm 2010 như: Xây dựng và trình Chính phủ Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 10 năm (2011 - 2020), Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em 5 năm (2011 – 2015). Hội thảo này đã cung cấp nhiều thông tin, bài học để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện các chương trình đó.

Dương Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất