Tập trung cho y tế dự phòng (YTDP), làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân mới thực sự là biện pháp giải quyết tận gốc căn bệnh quá tải bệnh viện.
“Vì quy mô của bệnh tật mà nước ta đang đối phó rất lớn nên chúng ta không thể kỳ vọng rằng xây thêm bệnh viện (BV) hay nhập thiết bị y khoa hiện đại sẽ giải quyết được vấn đề quá tải BV. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải xây dựng một mạng lưới y tế cộng đồng hay y tế dự phòng. Đơn giản một lẽ là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, các thiết bị hiện đại là để chữa bệnh chứ không thể phòng được bệnh cho người dân”, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, khẳng định.
Theo TS Tuấn, thành công một ca giải phẫu có thể cứu sống một mạng người, nhưng thành công trong một chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống nhiều triệu người, và kéo dài tuổi thọ cũng như nâng cao chất lượng sống cho cả một dân tộc.
Y tế dự phòng không chỉ là công tác phòng các bệnh truyền nhiễm hay suy dinh dưỡng, mà còn bao gồm các bệnh mãn tính như tim mạch, viêm khớp xương, đái tháo đường, cao huyết áp, tai biến, loãng xương, ung thư… Sự phát sinh các bệnh mãn tính là hệ quả của một quá trình tích lũy những rối loạn sinh lí qua phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ. Nếu chủ động can thiệp các yếu tố nguy cơ sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh ở quy mô cộng đồng và tăng khả năng phát hiện bệnh sớm. Khi đó người bệnh chỉ cần điều trị ở tuyến dưới còn các BV tuyến trên có thể “rảnh tay” lo chuyện nghiên cứu, tập trung cho công tác đào tạo…
Đồng tình với quan điểm này, TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, muốn có một nền y tế vững mạnh thì hệ điều trị và hệ dự phòng phải được đầu tư, phát triển cân bằng, mạng lưới y tế cơ sở phải vững mạnh.
Nhưng điều đáng buồn ở nước ta ngày nay là YTDP được quan tâm đúng mức. Nhiều năm nay, mạng lưới y tế cơ sở luôn trong tình trạng không ổn định, liên tục tách, nhập trước những quyết định bất ngờ về thay đổi cơ cấu tổ chức.
Tại tuyến xã, các trạm y tế là nơi gần dân nhất thì ngày càng “đìu hiu”. Đây là nơi vừa làm công tác điều trị, vừa làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nhưng do thu nhập thấp, không có cơ hội phát triển nên xu hướng cán bộ y tế “chạy” lên tuyến trên hoặc chuyển ngành ngày một tăng.
Nhiều trung tâm y tế tại tuyến huyện cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Vì thiếu kinh phí, thiếu nhân lực nên cán bộ YTDP lâu nay chỉ được biết đến với việc loay hoay dập dịch, khó triển khai công tác điều tra nguyên nhân, cảnh báo các biện pháp dự phòng dịch bệnh cho người dân. Nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, tay chân miệng… cứ “đến hẹn lại lên”. Tất nhiên, khi có dịch thì “kịch bản” gia tăng số ca mắc, tử vong lại tái diễn. Lúc này, thì các BV tuyến TƯ đã quá tải lại càng thêm quá tải.
“Thực ra, chúng chưa có chiến lược cụ thể về YTDP, trừ một số vấn đề nổi bật như HIV, tiêm phòng vắcxin cho trẻ dưới 6 tuổi… Nhưng nguy cơ gia tăng bệnh tật còn nằm ở rất nhiều vấn đề khác, ví như vấn đề phòng ngừa viêm gan B chẳng hạn. Hiện tại, có những tỉnh có tới 20% dân số nhiễm viêm gan B, trong khi đây là một nguyên nhân dẫn đến xơ gan, ung thư gan… Vậy vấn đề căn bản là làm thế nào để người dân hiểu, giúp họ phòng tránh các yếu tố nguy cơ chứ không phải là xây dựng BV, tăng cường trang thiết bị để điều trị cho bệnh nhân ung thư gan sau này”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng trăn trở.
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ: “Hệ thống văn bản quy định về YTDP, nhất là về vấn đề đầu tư cho YTDP là rất đầy đủ. Thực hiện công tác YTDP là trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và của mỗi người dân. Cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác YTDP, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn kỹ thuật”.
“YTDP quan trọng như vậy nhưng trên thực tế nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này. Ngay một số cán bộ quản lý còn nhận thức sai lệch về vai trò của YTDP”, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển phân tích.
Nhiều năm nay, chưa có một dự án nào lớn dành đầu tư cho hệ thống YTDP. Trong khi đó, kinh nghiệm tại nhiều quốc gia đã cho thấy đầu tư cho hệ thống YTDP là cách đầu tư hiệu quả nhất. Việc đầu tư xây dựng các bệnh viện, đầu tư các trang thiết bị hiện đại… chỉ là giải pháp tình thế.
“Qua các nghiên cứu cho thấy, nếu điều trị sớm thì 90% bệnh tật có thể điều trị không phải dùng thuốc tây, mà hoàn toàn có thể điều trị bằng các biện pháp như giữ gìn vệ sinh, tập luyện thể thao, tâm lý, phòng chống thói quen xấu và tăng thói quen tốt… Rõ ràng, các bệnh viện không bao giờ làm được những nhiệm vụ đó , đây là công việc của hệ thống YTDP, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vì vậy, nếu quá tập trung cho nâng hạng bệnh viện, phân tuyến kỹ thuật hay xây dựng bệnh viện thì dù có “đổ” thêm bao nhiêu tiền cũng không thể thay đổi được tình trạng quá tải bệnh viện”, TS Trần Tuấn khẳng định.
Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, để điều trị tận gốc “căn bệnh” quá tải BV, ngành y tế cần tăng cường tuyên truyền để mọi người dân đều ý thức được tầm quan trọng của YTDP, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chỉ khi nào YTDP được quan tâm và đầu tư tương đương với hệ thống điều trị thì bài toán quá tải BV mới có cơ may tìm được lời giải hữu hiệu./.
(Phương Liên - Tin tức/TTXVN)