Chính phủ đã ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công an để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Cùng với quá trình hội nhập sâu, hiện đã xuất hiện một số loại tội phạm mới với thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao, hoạt động xuyên quốc gia…
Theo nghị định mới, Tổng cục An ninh được tách thành hai tổng cục chuyên trách về an ninh đối nội và an ninh đối ngoại. Tổng cục Cảnh sát được tách thành ba tổng cục, trong đó mảng điều tra hình sự sẽ được chuyên môn hóa cao hơn, nâng thành Tổng cục Phòng chống tội phạm. Các mảng cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý hành chính (hộ khẩu), phòng cháy chữa cháy, huấn luyện và khai thác chó nghiệp vụ… sẽ được gom vào một tổ chức mới là Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính. Mảng quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, về tạm giam, tạm giữ… sẽ gom vào Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Hai tổng cục hậu cần và kỹ thuật cũ được gộp làm một với tên gọi Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật. Ngoài ra, lập thêm một bộ tư lệnh để điều phối hoạt động của các trung đoàn cảnh sát cơ động.
Các đơn vị khác của Bộ Công an vẫn được giữ nguyên, gồm Tổng cục Xây dựng lực lượng, Tổng cục Tình báo, Bộ Tư lệnh cảnh vệ. Như vậy, Bộ Công an có tám tổng cục, hai bộ tư lệnh - một thay đổi lớn so với tổ chức, bộ máy sáu tổng cục và một bộ tư lệnh theo Nghị định 136/2003/NĐ-CP trước đây.
Trong khi chờ Thủ tướng bổ nhiệm các tổng cục trưởng, bộ trưởng Bộ Công an đã giao một số tướng công an phụ trách các đơn vị này. Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cũ, được giao phụ trách Tổng cục Phòng chống tội phạm. Theo ông Ngọ, tổng cục này có ba cục mới: Cục Truy nã, truy tìm; Cục Đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao và Cục Kỹ thuật nghiệp vụ - đơn vị đặc biệt trước chỉ có bên Tổng cục An ninh.
Theo tướng Ngọ, việc truy nã, truy tìm hiện được giao tản mát cho hai bộ phận truy nã trong Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Vì vậy, cần được tổ chức lại, nâng lên cấp cục. Tương tự, trước nhu cầu đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, đơn vị chuyên trách cấp phòng thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ sẽ được nâng lên cấp cục. Mảng này, ở địa phương, dự kiến trước mắt năm thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) sẽ lập thêm phòng. Ở các tỉnh khác, nếu cần thiết thì lập đơn vị cấp đội, nằm trong các Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ.
Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật, được giao phụ trách Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Tổng cục này được xây dựng trên cơ sở của Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, đồng thời tiếp nhận thêm tổ chức, bộ máy và chức năng quản lý nhà nước về tạm giữ, tạm giam - trước thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Ngoài ra, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp sẽ quản lý cả mảng thi hành án không phải phạt tù - lâu nay bị bỏ ngỏ và hoạt động của cảnh sát bảo vệ, hỗ trợ tư pháp.
Bộ Công an cũng đang khẩn trương xây dựng các quy chế phối hợp, hạn chế những chồng chéo hoặc vùng trống về quản lý an ninh, trật tự. Ngoài ra, theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, tới đây có thể phải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sửa tiếp Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự để giao chức năng điều tra cho Cục Đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao.
Theo Pháp luật TP HCM