Thứ Sáu, 29/11/2024
Pháp luật
Thứ Hai, 9/3/2009 22:53'(GMT+7)

Sai phạm trong xuất khẩu lao động - Người lao động “cắn răng” chịu thiệt

Thu tiền vé máy bay của lao động đi Hàn Quốc: Vượt trên 40 tỷ đồng

Qua kiểm tra công tác thu chi tài chính tại Trung tâm Lao động ngoài nước, TTCP phát hiện trung tâm này thu của người có nhu cầu đi XKLĐ 350 USD một vé máy bay đi Hàn Quốc, trong khi giá thực mua chỉ là 320 USD một vé. Như vậy, số tiền vé thực thu chênh lệch so với số tiền vé thực mua là trên 40 tỷ đồng. Việc này đã gây thiệt hại cho hơn 29.000 lao động đã xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, trung tâm này còn thu hơn 16 tỷ đồng tiền lệ phí đào tạo, giáo dục định hướng của NLĐ, nhưng thực chi cho việc này chỉ hơn 7,2 tỷ đồng (chênh lệch trên 8,8 tỷ đồng). Việc thu chi này thể hiện NLĐ đang phải chịu khoản chi phí đào tại giáo dục định hướng cao hơn so với thực tế trung tâm phải chi phí.

Ngoài ra, việc thu lệ phí lý lịch tư pháp với tổng số tiền thu được là trên 4,6 tỷ đồng nhưng đến thời điểm thanh tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện chưa có nội dung chi nào từ khoản thu này. Việc này thể hiện khoản thu lệ phí lý lịch tư pháp là không thực tế, mặc dù ngày 14-5-2008, Bộ LĐTB-XH đã có quyết định bỏ nội dung thu này đối với NLĐ.

Tổng cộng khoản chênh lệch tiền vé máy bay, chênh lệch phí đào tạo giáo dục định hướng và lệ phí lý lịch tư pháp là trên 53 tỷ đồng. Trong khoản tiền này, trung tâm đã nộp Quỹ hỗ trợ XKLĐ là trên 45 tỷ đồng, nhưng theo TTCP, việc nộp quỹ là không đúng. Như vậy, việc quy định một số khoản thu của NLĐ cao hơn thực tế trong thời gian dài với số tiền lớn đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Trong khi đó, thanh tra cũng phát hiện, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã “cắt” 735 triệu đồng của tiền thu được từ phí thẩm định hồ sơ lao động để hỗ trợ Bộ LĐTB-XH tổ chức hội nghị, hội thảo, thăm hỏi, chúc tết… là chưa phù hợp.

Học tiếng tràn lan

Tiến hành thanh tra, xác minh ở các DN XKLĐ, TTCP nhận thấy, công tác tuyển chọn lao động ở các địa phương vẫn gặp nhiều phiền hà. Nếu tuyển chọn theo phương thức liên thông (DN ký hợp đồng với các trung tâm giới thiệu việc làm và các tổ chức chính trị-xã hội) nhiều nơi phải trả một khoản chi phí tuyển chọn từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/NLĐ.

Riêng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc bộc lộ nhiều tồn tại. Việc đưa NLĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc hiện nay được thực hiện theo chương trình phi lợi nhuận. Hàng năm, căn cứ vào thông báo của phía Hàn Quốc về nhu cầu số lượng lao động, Cục Quản lý Lao động ngoài nước trình Bộ LĐTB-XH kế hoạch phân bổ số lượng cho các địa phương, đơn vị để tổ chức cho NLĐ học tiếng, sơ tuyển tiếng Hàn Quốc, làm hồ sơ đăng ký dự tuyển gửi về Trung tâm Lao động ngoài nước.

Sau đó, phía Hàn Quốc sẽ tổ chức thi kiểm tra tiếng Hàn và cấp giấy chứng chỉ. Những hồ sơ đủ điều kiện sẽ được Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc thông báo rộng rãi trên mạng internet để các chủ sử dụng lao động lựa chọn, chỉ những lao động được chủ sử dụng lựa chọn mới được làm thủ tục xuất cảnh đi làm việc.

Từ tháng 8-2004 đến nay, trung tâm đã gửi 40.594 hồ sơ, trong số đó chỉ có 29.245 NLĐ được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Hiện còn 11.349 lao động chưa được đi gây tâm lý không tốt với gia đình và chính bản thân NLĐ.

Ngoài ra, cũng ở thị trường lao động Hàn Quốc còn tồn tại một thực tế, số NLĐ tham gia học tiếng Hàn thường cao gấp 2 thậm chí 3 - 4 lần chỉ tiêu được phân bổ, đã gây ra tình trạng lãng phí thời gian và tiền bạc của NLĐ.

Trong khi đó, không chỉ các trung gian cò mồi, mà một số doanh nghiệp không có chức năng cũng tuyển chọn lao động để thu tiền bất hợp pháp của NLĐ cao hơn so với quy định từ 5 - 12 lần, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình NLĐ cũng như gây bức xúc trong xã hội.

Quỹ hỗ trợ XKLĐ: tồn đọng trên 90 tỷ đồng

Một vấn đề khác, Quỹ hỗ trợ XKLĐ đã được Thủ tướng ra quyết định thành lập từ năm 2004 thuộc Bộ LĐTB-XH nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như NLĐ trong các trường hợp rủi ro cũng như phát triển thị trường mới. Từ khi thành lập đến nay, quỹ đã thu được trên 92 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp 15 tỷ đồng, các DN đóng góp 32 tỷ đồng, Trung tâm Lao động ngoài nước nộp trên 45 tỷ đồng (như đã nói ở trên).

Tuy nhiên, đến nay quỹ mới chỉ chi tổng số gần 2,5 tỷ đồng. Theo TTCP, từ khi thành lập đến nay, quỹ chỉ hoạt động chủ yếu là hoàn thiện tổ chức và xây dựng văn bản, chưa hiệu quả, để lượng tồn đọng quá lớn trên 90 tỷ đồng trong thời gian dài, chưa đáp ứng được mục đích đề ra của quỹ.

Tiến hành xác minh tại một số doanh nghiệp hoạt động XKLĐ, TTCP còn phát hiện NLĐ phải đóng tiền phí môi giới lao động cao hơn so với quy định từ 30 - 50 USD cho các công ty môi giới phía Malaysia.

Thậm chí, họ còn phải chi từ 350 - 1.500 USD một người cho các công ty môi giới lao động phía Đài Loan (Trung Quốc) dù pháp luật Đài Loan quy định không được thu phí môi giới của NLĐ. Dù việc thu này là do đối tác yêu cầu thu phí môi giới của NLĐ không đúng quy định, nhưng TTCP cho rằng, việc chậm được phát hiện để có giải pháp giải quyết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về XKLĐ.

Quang Phương (SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất