Thứ Bảy, 27/7/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 12/10/2018 21:42'(GMT+7)

Toạ đàm ra mắt Tạp chí Nội chính số chuyên đề

Quang cảnh buổi toạ đàm ra mắt Tạp chí Nội chính chuyên đề (Ảnh: TA)

Quang cảnh buổi toạ đàm ra mắt Tạp chí Nội chính chuyên đề (Ảnh: TA)

Buổi toạ đàm góp phần làm rõ thêm các vấn đề lý luận, thực tiễn công tác kiểm soát, thu hồi tài sản góp phần phòng chống tham nhũng ở nước ta và quan trọng hơn là đề xuất các kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng nói chung, trực tiếp phục vụ cho việc sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng trong phiên họp tháng 10 tới đây của Quốc hội. 

Sau gần 2 tháng tập trung cao độ với tinh thần trách nhiệm cao, Tạp chí Nội chính với tư cách là đơn vị chủ trì đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài Ban Nội chính Trung ương cùng các cơ quan ban ngành hữu quan chính thức ra mắt số chuyên đề “Kiểm soát và xử lý tài sản, thu thập trong phòng, chống tham nhũng”.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, đồng chí Đàm Văn Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Nội chính nhấn mạnh: “Hiện nay, ở nước ta tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây bức xúc trong xã hội, tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là cần tiếp tục ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng. Luật phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2005 (sửa đổi, bổ sung vào năm 2007, 2012) được coi là công cụ pháp lý quan trọng nhằm phòng ngừa tham nhũng. Đạo luật này đã quy định nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn, viên chức; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xẩy ra tham nhũng; minh bạch tài sản, thu thập; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán..."

Tổng biên tập Tạp chí Nội chính cũng chỉ ra nhiều quy định để kiểm soát thu nhập như: quy định về thuế thu nhập cá nhân, về thanh toán không dùng tiền mặt, về việc nhận quà tặng và nộp lại quà tặng... đã được thực hiện nhưng chưa góp phần hiệu quả trong kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung. Thực tế cho thấy các cá nhân có thu nhập chưa tự giác kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu nhằm phát hiện, xử lý vi phạm trong trường hợp không kê khai hoặc kê khai không trung thực...

Tổng biên tập Đàm Văn Lợi phát biểu tại buổi toạ đàm (Ảnh: TA)

Tổng biên tập Đàm Văn Lợi phát biểu tại buổi toạ đàm (Ảnh: TA)

Đồng chí Đàm Văn Lợi cho biết, Tạp chí Nội chính với chức năng là “cơ quan ngôn luận, diễn đàn quan trọng về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng; thông tin, tuyên truyền về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng”, những năm qua từng bước trở thành một tài liệu cần thiết phục vụ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ngoài các bài viết nghiên cứu về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng nói chung, Tạp chí đã đăng khoảng 40 bài chuyên sâu về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức... Vì thế việc lựa chọn chủ đề “Kiểm soát và xử lý tài sản, thu thập trong phòng, chống tham nhũng” là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương và Tạp chí Nội chính, nhằm góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.

Tạp chí chuyên đề “Kiểm soát và xử lý tài sản, thu thập trong phòng, chống tham nhũng” gồm 3 nội dung: (1) Những vấn đề lý luận cơ bản về tài sản, thu nhập; kiểm soát và xử lý thu hồi tài sản, thu nhập góp phần phòng và chống tham nhũng ở Việt Nam; quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát và xử lý thu hồi tài sản, thu nhập trong phòng chống tham nhũng; (2) Kết quả công tác kiểm soát và xử lý thu hồi tài sản, thu nhập ở Việt Nam trong thời gian qua; (3) Bài học kinh nghiệm trong công tác kê khai, kiểm soát và xử lý thu hồi tài sản, thu nhập, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng ở một số quốc gia trên thế giới.

Các bài viết trong chuyên đề này không chỉ mang tính lý luận mà từ cơ sở lý luận, soi rọi, đối chiếu với thực tiễn, các tác giả đã nêu những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới qua đó góp tiếng nói vào dự Luật phòng, chống tham nhũng sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội diễn ra trong tháng 10.

Các đại biểu tham dự buổi toạ đàm (Ảnh: TA)

Các đại biểu tham dự buổi toạ đàm (Ảnh: TA)

Tại buổi toạ đàm, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đã có những trao đổi, thảo luận thẳng thắn, khách quan, sâu sắc về công tác phòng chống tham nhũng hiện nay ở nước ta xoay quanh các nội dung như:

Một là, trao đổi, thảo luận làm rõ hơn những nội dung về kiểm soát và xử lý tài sản, thu nhập góp phần vào công cuộc phòng và chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Hai là, những cảm nhận, đánh giá về số Tạp chí Nội chính chuyên đề (ưu, khuyết điểm)

Ba là, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của các đơn vị báo chí khác.

Bốn là, trong thời gian tới, Tạp chí Nội chính mong cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước sẽ cộng tác, phối hợp thông tin, tuyên truyền về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng.

Đồng chí Cao Văn Thống, uỷ viên Ban Kiểm tra Trung ương phát biểu(Ảnh: TA)

Đồng chí Cao Văn Thống, uỷ viên Ban Kiểm tra Trung ương phát biểu (Ảnh: TA)

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất