(TG) - Mỗi con người mang đến một câu chuyện ở nơi họ sinh sống, những mảnh đời éo le, những câu chuyện rất “đời” đó vẫn ngày ngày tiếp diễn khiến họ phải cất lên tiếng nói của chính họ. Những tiếng nói của họ tại buổi tọa đàm này khiến chúng ta hôm nay phải lắng nghe, thấu hiểu và cùng suy ngẫm.
Buổi tọa đàm và trưng bày các tác phẩm ảnh “Tôi tin tôi có thể - Bước chuyển từ cộng đồng” diễn ra chiều ngày 16/4/2015, tại Hà Nội, là sự kết nối giữa các cộng đồng dân tộc với nhau để cùng nhau tồn taij và phát triển bền vững.
Trong buổi tọa đàm giữa đại diện các dân tộc như: Tày, Nùng, Ê Đê, Gia Rai, Thái, Pa Cô, Mông…nhiều chia sẻ về kinh nghiệm lao động, sản xuất cũng như bảo tồn các phong tục tập quán của mỗi dân tộc đều được đưa ra thảo luận. Thông qua chương trình “Tôi tin tôi có thể” đã có rất nhiều sáng kiến hay, có ích do chính bà con các dân tộc nghĩ ra nhằm giúp cải thiện cuộc sống, tăng năng xuất lao động. Nhiều bà con từ những sáng kiến đó mà thoát nghèo, cuộc sống dư giả, tham gia tích cực vào các hoạt động của địa phương…Trong số đó phải kể tới những sáng kiến như: Mô hình phụ nữ quản lý rừng cộng đồng của chị Nguyễn Thị Lâu, dân tộc Tày (Thái Nguyên).
“Ở nơi tôi sinh sống (thôn Thâm Trung, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương) diễn ra tình trạng chặt phá, đốt rừng bừa bãi. Trước tình trạng đó, tôi đã tổ chức họp chi hội phụ nữ bất thường để lên tiếng. Chị em cũng đồng tình hưởng ước và lên tiếng về những hiện tượng mà các chị em quan sát thấy. Mọi người cùng nhau liệt kê các gia đình liên quan đến việc chặt, phá rừng thì phần lớn đều là thành viên của gia đình chị em phụ nữ. Sau đó chị em về và tuyên truyền cho chồng con rằng, nếu vẫn thực hiện những hành vi đó là vi phạm pháp luật. Các chị em cũng tích cực thông tin cho tôi các hành vi vi phạm, sau đó tôi thông báo cho Lâm nghiệp xã và kiểm lâm. Đến nay chúng tôi ngăn chặn được 03 vụ chặt phá rừng trái phép và 01 vụ cháy rừng. Tôi được bầu làm tổ trưởng tổ quản lý rừng. Chúng tôi tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng hình ảnh minh họa, xây dựng hưởng ứng các hoạt động của thôn bản về quản lý, bảo vệ rừng…Từ khi có mô hình, chúng tôi giữ được rừng, nhiều gia đình có thu nhập từ rừng nhờ có ý thức bảo vệ rừng.” Đó là những chia sẻ của chị Lâu về mô hình phụ nữ quản lý rừng cộng đồng tại địa phương.
Còn anh Lang Mạnh Hùng, dân tộc Thái, tỉnh Đắk Nông chia sẻ về mô hình biogas: "Hiện gia đình anh một năm nuôi 90 – 100 con heo thịt, việc xử lý chất thải tránh ô nhiễm môi trường là một vấn đề lớn với gia đình anh. Vì vậy sau một thời gian đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, anh quyết định áp dụng mô hình biogas bằng việc tận dụng chính nguồn chất thải từ gia súc đó thành phân bón cho cây trồng, mỗi năm anh tiết kiệm được 20 – 25 triệu tiền phân bón, hơn thế lại rất tốt cho sức khỏe…”.
Sáng kiến về việc nghiên cứu hiện tượng buôn bán phụ nữ và trẻ em của anh Má A Pho, dân tộc Mông ở tỉnh Lào Cai đã gây được sự chú ý của đông đảo người nghe. Từ thực tiễn tại địa phương trong thời gian qua ngày càng nhiều chị em phụ nữ bỏ nhà đi không rõ nguyên nhân. Điều đó làm cho nhiều gia đình có con gái lo lắng khi cho con đi học không thấy con trở về nhà. Nhiều gia đình dùng biện pháp không cho con cái đi học nữa khi hết lớp 9 vì lo ngại con đi học xa, phải ở trọ và “mất tích” một cách bí ẩn. Nhiều bậc cha mẹ dân tộc ở Lào Cai lo ngại con cái khi trưởng thành dễ bị các đối tượng buôn bán người lừa gạt và bắt đi. Ngoài ra, có một số trường hợp phụ nữ đã có chồng bỏ nhà đi, để lại những đứa con mồ côi mẹ…Việc anh Má A Pho nghiên cứu để tìm hiểu lý do tại sao xuất hiện nhiều trường hợp phụ nữ mất tích không rõ lý do, thông qua đó tìm cách ngăn chặn các hành vi buôn bán người trái phép, cùng chung tay với các cấp các ngành tại địa phương để tìm hướng giải quyết cho tình trạng này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc...
Những chia sẻ đó chính là thông điệp mà chương trình muốn gửi gắm: “Việt Nam là một đất nước đa tộc người gồm 54 dân tộc anh em cũng sinh sống trên dải đất hình chữ S. Sự khác biệt về văn hóa làm cho chúng ta thêm giàu có. Đa dạng văn hóa cần thiết cho xã hội như đa dạng sinh học cần thiết cho tự nhiên… Dù thuộc tộc người nào, chúng ta cũng là một phần tạo nên dân tộc Việt Nam. Sự tôn trọng, sẻ chia, lắng nghe và thấu hiểu làm cho chúng ta đoàn kết và tạo ra sức mạnh. Sức mạnh dựa trên bình đẳng, khoan dung luôn là nền tảng vững bền để mọi người cùng phát triển, để mỗi chúng ta đều tự hào vì Tôi là người Việt Nam!”.
Xuất phát từ ý tưởng mong muốn có một ngày hội giới thiệu về các phong tục, tập quán, các nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc, giải thích về các hủ tục, hiểu lầm về phong tục, tập quán mà một nhóm lãnh đạo các dân tộc thiểu số nghĩ ra việc tổ chức một ngày hội các dân tộc. Ngày hội sẽ gồm các gian trưng bày các vật dụng, các nhạc cụ, các đồ dùng đặc trưng của mỗi dân tộc, song song với đó là các tiết mục biểu diễn văn nghệ. Thông qua ngày hội này, các nhóm cộng đồng sẽ có sự kết nối, giao lưu, quảng bá các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình nhằm tăng thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc Việt Nam.
Chương trình “Tôi tin tôi có thể” thực sự đã góp phần gắn kết các dân tộc anh em với nhau để cùng chung tay xây dựng một Việt Nam giàu đẹp, đa dạng về văn hóa, dậm đà bản sắc dân tộc, cùng chung sống hòa bình dưới một mái nhà chung./.
Tuấn Anh