Chủ Nhật, 8/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Hai, 19/10/2020 15:59'(GMT+7)

Tọa đàm trực tuyến “Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”

Quang cảnh Tọa đàm trực tuyến “Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”. (Ảnh: Tuấn Anh)

Quang cảnh Tọa đàm trực tuyến “Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tham dự tọa đàm và trả lời Tọa đàm trực tuyến có các đồng chí: GS. TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS. TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; TS. Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm trực tuyến, đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, thực hiện Hướng dẫn số 151-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hôm nay, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”. Kể từ khi đăng tải thông tin về cuộc Tọa đàm trực tuyến “Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” cho đến thời điểm này, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 200 câu hỏi của bạn đọc mong muốn tìm hiểu các nội dung chủ yếu, trọng tâm, cốt lõi trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII cần góp ý trong thời gian tới.

Đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung làm rõ hơn những nhóm nội dung, vấn đề để góp ý, thảo luận, trao đổi sau đây: 

Thứ  nhất, những điểm mới, những nhóm nội dung quan trọng cốt lõi trong Dự thảo các văn kiện: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Thứ hai, những nội dung cơ bản trong các dự thảo các Văn kiện cần lấy ý kiến nhân dân sau:

Một là, những nội dung cơ bản trong Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng cần lấy ý kiến của nhân dân: Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới; tầm nhìn và định hướng phát triển: Quan điểm chỉ đạo; mục tiêu phát triển tổng quát; các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030; Định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế; Định hướng nhiệm vụ, giải pháp trên từng lĩnh vực: giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn hóa, xã hội, con người; định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hai là, những nội dung cơ bản xin ý kiến góp ý nhân dân về Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ năm 2021 – 2030; đánh giá bối cảnh trong nước và thế giới trước và sau Đại hội XI (2011); những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020; Dự báo bối cảnh quốc tế, khu vực, cơ hội, thách thức và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới…; các quan điểm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới; về mục tiêu phát triển…; những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách về văn hóa, xã hội; các biện pháp giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, chính sách tiền lương; hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; xây dựng nền văn hóa, đạo đức con người Việt Nam; giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ…

Ba là, những nội dung cơ bản xin ý kiến góp ý nhân dân về dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025; đánh giá bối cảnh trước và sau Đại hội XII (2016). Những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; bối cảnh quốc tế, khu vực và cơ hội, thách thức tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta 5 năm tới.

Bốn là, những nội dung cơ bản xin ý kiến góp ý nhân dân về công tác xây dựng Đảng, tập trung: (1) Đánh giá ưu điểm, thành tựu và hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đã nêu trong dự thảo Báo cáo, nhất là kết quả thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng; (2) Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhất là 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá.

GS. TS. Phùng Hữu Phú phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Tuấn Anh)

GS. TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Tuấn Anh)

Tại buổi tọa đàm, GS. TS. Phùng Hữu Phú cho biết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Mọi đường lối, chủ trương của Đảng xuất phát từ nơi dân chúng và trở lại với dân chúng. Lời căn dặn có tính chất là phương châm trong hoạt động hoạch định đường lối của Đảng, trong quá trình xây dựng các dự thảo văn kiện thì ngay từ điểm bắt đầu đã tôn trọng ý kiến của nhân dân. Quá trình xây dựng các văn kiện, đặc biệt là Báo cáo chính trị kết hợp cả hai nguồn: Một là, tổng kết thực tiễn. Lần này chúng ta tiến hành tổng kết rất nghiêm túc 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991. Tổng kết thực hiện Cương lĩnh là tổng kết các sáng kiến trong lao động sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân ta. Cái gốc của nó bắt đầu từ ý kiến, sáng kiến của nhân dân; Hai là, xin ý kiến của Đại hội đảng bộ cấp cơ sở, đảng bộ cấp quận, huyện, tỉnh, thành và tương đương. Các cấp ủy đảng cũng là nơi tập hợp, phản ánh nguyện vọng của nhân dân. Lần này, sau khi đã tiếp thu ý kiến các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, Trung ương cho hoàn thiện một bước và công bố rộng rãi để xin ý kiến của toàn dân. 

Lần này là lần lấy ý kiến trực tiếp và rộng rãi nhất của nhân dân. Như thế, chúng ta thấy là quá trình xây dựng nghị quyết của Đại hội, các văn kiện Đại hội XIII từ đầu đến cuối đều tôn trọng nguyên tắc lắng nghe, tiếp thu, xin ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân. Suy cho cùng, đường lối của Đảng chỉ có ý nghĩa khi được quần chúng nhân dân ủng hộ, biến đường lối thành hiện thực.

Đề cập đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nước ta trải qua 3 thời kỳ phát triển chiến lược. Lần thứ nhất là giai đoạn 1991-2000, đề cập tới vấn đề ra khỏi khủng hoảng, ổn định và phát triển đất nước, mà thực chất sau khi thực hiện được 10 năm, chúng ta đã vượt ra khỏi khủng hoảng, trong đó tăng trưởng kinh tế bình quân  7,26%. Lần thứ hai là đưa Việt Nam ra khỏi nước có thu nhập trung bình thấp, về cơ bản chúng ta đã thực hiện được. Lần thứ ba, đặt ra một chiến lược, tạo tiền đề nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nội dung này chúng ta đang thực hiện. Lần này là lần thứ tư 2021-2030, đã có nhiều căn cứ khoa học và sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và có nhiều đổi mới từ: Đánh giá, đặt vấn đề, quan điểm, đột phá, giải pháp…

Nhiều câu hỏi của độc giả đã được chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học giải đáp các thắc mắc được đặt ra trong chương trình. Có thể nói, việc góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng là đợt sinh hoạt chính trị lớn. Qua đó, tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng Dân. Các ý kiến góp ý tại Tọa đàm sẽ góp thêm tiếng nói, góc nhìn nhằm xây dựng Văn kiện vừa có cơ sở lý luận và vừa mang tính thực tiễn cao./.

Nhật Minh

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất