Cuộc toạ đàm với các bài thuyết trình và trao đổi đã một lần nữa làm nổi
bật ý nghĩa của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cũng như những thành tựu
trong phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của Việt Nam trong 40 năm
qua.
Nhân dịp 40 năm Việt Nam thống nhất đất nước, Quỹ Rosa - Luxemburg ở
Brandenburg hợp tác với Tạp chí nghiên cứu chính sách quốc tế WeltTrends
của Đức đã tổ chức cuộc toạ đàm, "Saigon giải phóng – Sự phát triển ở
Việt Nam 40 năm sau chiến tranh". Đông đảo giới nghiên cứu, học giả, các
cựu chính trị gia Đức và người quan tâm đã tham dự cuộc toạ đàm.
Diễn giả chính tại cuộc toạ đàm là giáo sư, tiến sỹ Wilfried Lulei - Chủ
tịch Hội đồng cố vấn Hội Đức-Việt với bài thuyết trình "Việt Nam: Hôm
qua-Hôm nay-Ngày mai. Ý nghĩa của chiến thắng Sài Gòn năm 1975."
Mở đầu bài thuyết trình, giáo sư Lulei điểm lại sự kiện lịch sử ngày
30/4/1975 khi chiếc xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng
Dinh Độc lập buộc vị "Tổng thống ba ngày“ Dương Văn Minh phải tuyên bố
đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng tung bay ở Dinh Độc lập và những
nhà ngoại giao Mỹ cuối cùng tháo chạy bằng trực thăng trên mái nhà Đại
sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Hàng triệu người dân trên khắp đất nước Việt Nam
và nhiều quốc gia khác trên thế giới đã mừng vui đón nhận tin chiến
thắng, trong đó Ban nhạc Câu lạc bộ tháng Mười của Cộng hoà Dân chủ Đức
(DDR) đã sáng tác bài hát "Sài Gòn giải phóng“ và đã bài hát này được
hát vang trên các đường phố DDR ngày ấy. Theo giáo sư, cuộc đấu tranh
đầy hy sinh mất mát, song rất huy hoàng của nhân dân Việt Nam kéo dài
hàng chục năm vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước đã kết thúc trong
thành công rực rỡ. Chiến thắng này càng có ý nghĩa hơn khi nhìn lại
lịch sử cuộc đấu tranh trường kỳ của quân dân Việt Nam.
Giáo sư Lulei cũng cho biết, sau khi đất nước thống nhất, Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1976) và Quốc hội
Việt Nam đã thông qua một Chương trình toàn diện nhằm xây dựng Chủ nghĩa
xã hội, trong đó quyết tâm quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai
đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa; thực hiện cách mạng quan hệ sản xuất,
cách mạng khoa học-kỹ thuật và cách mạng trên mặt trận tư tưởng và văn
hoá.
Theo giáo sư Lulei, có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan khiến
nhiều mục tiêu chưa thể hiện thực hoá, đó là hậu quả thảm khốc của
chiến tranh cùng vô vàn những khó khăn, bất lợi như chính sách cấm vận
của phương Tây, sự sụt giảm hỗ trợ của nước ngoài,… Tuy nhiên, Chính
sách đổi mới được áp dụng từ năm 1986 là câu trả lời và hướng đi thuyết
phục của Việt Nam, với các trọng tâm gồm mở cửa chính trị và kinh tế;
thừa nhận bình đẳng 5 thành phần kinh tế; chuyển đổi nền kinh tế tập
trung Xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ
nghĩa; phát triển dân chủ, chống tham nhũng, quan liêu…
Giáo sư Lulei cũng đã điểm lại một số thành tựu đạt được (giai đoạn
1990-2014) sau khi Việt Nam áp dụng chính sách đổi mới như vượt qua nạn
đói, sản xuất lương thực đã tăng gấp đôi, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đạt
từ 6-10%/năm, tỷ lệ lạm phát được kiềm chế và kiểm soát, điều kiện sống
của người dân được cải thiện rõ rệt. Vị giáo sư người Đức cũng cho biết
hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm và tới Việt Nam
đầu tư làm ăn. Trong khi quốc gia Đông Nam Á cũng đã có uy tín quốc tế
cao, là thành viên tích cực trong ASEAN, từng được bầu làm thành viên
không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và hiện là thành viên
của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Bên cạnh những thành tựu kể trên, theo giáo sư Lulei, Việt Nam vẫn còn
nhiều tồn tại và khó khăn như hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa
cân bằng trong cấu trúc kinh tế, còn nhiều chênh lệch giữa đô thị và
nông thôn, giữa giàu và nghèo,… Tuy nhiên, Giáo sư Lulei cho rằng chính
sách cải cách đang mang lại nhiều đổi thay tích cực, đặc biệt khi Đảng
Cộng sản cũng như Chính phủ Việt Nam quyết tâm tiếp tục cải cách theo
hướng ổn định và bền vững. Giáo sư Lulei cũng nêu các mục tiêu cụ thể mà
Việt Nam đặt ra tới năm 2020, đồng thời kết luận rằng 40 năm sau chiến
thắng Sài Gòn, những nỗi đau và mất mát của quá khứ còn đó, song đại đa
số người dân Việt Nam rất lạc quan hướng tới tương lai.
Cuộc tọa đàm còn có bài thuyết trình của ông Đồng Huy Cương thuộc Quỹ
Hoà bình và Phát triển Việt Nam về những thách thức của Việt Nam hiện
nay trong phát triển, kinh tế và xã hội. Toạ đàm còn có cuộc trao đổi
giữa tiến sỹ Hans Modrow (cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng DDR), ông
Achim Reichardt (cựu Tổng Thư ký Ủy ban đoàn kết DDR), nhà khoa học
chính trị Peter Linke, đại diện Quỹ Rosa Luxemburg và Quỹ Michael
Schumann…
Cuộc toạ đàm với các bài thuyết trình và trao đổi đã một lần nữa làm nổi
bật ý nghĩa của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cũng như những thành tựu
trong phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của Việt Nam trong 40 năm
qua./.
(Vietnam+)