(TCTG) - Tôi sinh năm 1992, là cử tri trẻ lần đầu tiên sẽ được cầm trên tay lá phiếu bầu Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, vào tháng 5 này. Biết bao cảm xúc ùa đến trong tâm trạng của một công dân lần đầu tiên được là cử tri.
Tôi chia sẻ cảm xúc hồi hộp của mình với ông nội. Tôi cũng thật tự hào khi trong gia đình tôi có ông nội - năm nay đã 84 tuổi - là cử tri từ khoá I đi bầu Quốc hội năm 1946. Ông tôi kể lại như hồi tưởng cái lần đầu tiên được cầm lá phiếu trên tay. Khi đó, ông tôi là công nhân Nhà máy dệt len Mùa Đông. Đã 65 năm qua, ký ức về ngày bầu cử ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Ông kể: Đây là lần đầu tiên người dân được thực hiện quyền công dân của mình nên nơi nơi đều như ngày hội lớn. Hôm ấy, ngay từ sáng sớm, tại các điểm bỏ phiếu đã có rất người dân mặc quần áo đẹp, đứng xếp hàng chờ bỏ phiếu. Đáng khâm phục là: để mọi người đều được thực hiện quyền công dân cuả mình, các tổ bầu cử còn mang hòm phiếu đến tận giường bệnh trong bệnh viện, đến từng gia đình có người già yếu để những người ốm đau, bệnh tật không thể đi lại vẫn có thể được bầu cử.
Ông bảo: tuy là cuộc bầu cử đầu tiên nhưng do công tác tuyên truyền rất tốt nên các quy định trong sắc lệnh về Tổng tuyển cử năm ấy đã được tất cả mọi người dân nắm vững. Đó là những nguyên tắc về bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín được quy định rất cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu, dễ nhớ, có thể thực hiện được ngay. Thấy tôi thắc mắc về tình hình an ninh lúc đó, ông cười cho biết thêm: Lúc ấy, các thế lực phản động cũng điên cuồng ra sức chống phá cuộc Tổng tuyển cử. Hàng ngày, chúng ôm súng canh gác các ngả đường, các chợ, dọa nạt cử tri, âm mưu bắt cóc, ám sát các ứng cử viên do Việt Minh giới thiệu. Ngay ở Hà Nội, chúng còn ngang nhiên mang cả tiểu liên đến Ngũ Xã ngăn không cho đặt hòm phiếu, cấm nhân dân treo cờ. Nhưng ta vẫn thực hiện thành công cuộc bầu cử, có đến 89% cử tri đi bầu. Đó chính là nhờ sự lãnh đạo khôn khéo tài tình cuả Chính phủ Việt Minh mà đứng đầu là Cụ Hồ…
Cảm xúc tươi mới của ngày bầu cử đầu tiên trong ông đã truyền sang tôi - một cử tri trẻ lần đầu tiên được thực hiện quyền bầu cử. Tôi như thấy được cảm xúc ấy của ông truyền sang mình. Một niềm vui lâng lâng khó tả. Ông tôi là cử tri đầu tiên của Quốc hội khoá I, đồng thời là cử tri của suốt XIII kỳ bầu cử Quốc hội. Còn tôi năm nay là năm đầu tiên sẽ được cầm lá phiếu trên tay. Tôi thấy hồi hộp và rất tự hào hãnh diện: Vậy là năm đầu tiên mình được quyền quyết định bầu chọn những đaị biểu có đủ đức tài, có tâm và có tầm, đứng ra gánh vác trọng trách của đất nước. Tuổi trẻ chúng tôi được gửi gắm niềm tin vào những người mình đã chọn lựa. Tự hào lắm chứ!
Tôi đang là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội. Những ngày này, đội sinh viên tình nguyện chúng tôi cũng đã làm được rất nhiều việc phục vụ cho công việc ý nghĩa ấy: Dọn dẹp đường làng ngõ xóm, căng pa nô, kẻ khẩu hiệu tuyên truyền cho ngày bầu cử. Qua những lời tâm sự của ông nội, tôi hiểu thêm rằng: để có được quyền công dân, là cả một quá trình đấu tranh lâu dài bền bỉ của dân tộc. Để ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946 diễn ra thuận lợi, rất nhiều người thuộc thế hệ ông tôi đã phải đấu tranh trên nhiều mặt trận, kể cả mặt trận không tiếng súng.
Nghĩ đến lúc được cầm trên tay lá phiếu bầu cử, lần đầu tiên thực hiện quyền của một công dân, tôi thấy mình như đã lớn thêm lên. Tôi xác định mình phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phải đóng góp thật nhiều cho đất nước. Điều mong muốn lớn nhất của cử tri trẻ chúng tôi là: những đaị biểu của dân sẽ đem tiếng nói của nhân dân - trong đó có lực lượng tri thức trẻ chúng tôi - những sinh viên đại học - về những quyết sách đúng đắn của đất nước. Vấn đề chúng tôi lưu tâm nhất là tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường được làm đúng ngành nghề lựa chọn, để chúng tôi được cống hiến nhiều hơn cho đất nước theo đúng chuyên ngành mà mình được đào tạo.
Ngày bầu cử đang đến gần, hy vọng với sức xuân, các cử tri trẻ chúng tôi sẽ cùng với cử tri cả nước sáng suốt lựa chọn ra những người có đầy đủ đức tài, để Quốc hội của ta thực sự vững mạnh. Điều đó rất cần thiết ở ý thức trách nhiệm của mỗi công dân với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào ngày 22-5-2011./.
Nguyễn Văn Lân, Sinh viên Khoa Tạo dáng công nghiệp, Viện đại học mở Hà Nội