(TG) - Thông qua việc tổ chức Ngày
hội Văn hóa - thể thao và du lịch dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ
XV năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và đồng bào các
dân tộc trong việc xây dựng, bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, tôn vinh, quảng bá, giới
thiệu giá trị văn hóa của đồng bào Khmer với đồng bào cả nước...
Từ ngày 25 - 28/11, đúng vào dịp lễ Ok-Om-Bok của đồng bào dân tộc Khmer, Ngày hội Văn hóa - thể thao và du lịch dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XV năm 2023 (Ngày hội) đã được tổ chức với nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc.
Trong các hoạt động của Ngày hội, đua ghe Ngo là “điểm nhấn” không thể thiếu của đồng bào dân tộc Khmer. Theo đó, Lễ khai mạc Ngày hội (diễn ra ngày 27/11) đã được tổ chức tại bờ sông Cái Lớn thuộc huyện Gò Quao bằng hoạt động đua ghe Ngo truyền thống với sự tham gia tranh tài của 22 đội đua đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh, thu hút hàng chục ngàn người dân tham gia, cổ vũ.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung hấp dẫn đã được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra Ngày hội như: tranh giải vô địch Taekwondo tỉnh Kiên Giang, giải bóng đá, bóng chuyền huyện Gò Quao mở rộng; lễ cúng trăng, lễ đút cốm dẹp, biểu diễn văn nghệ, trình diễn nhạc ngũ âm; hội thi giàn thủy lục đẹp, trưng bày hình ảnh, hiện vật xưa của đồng bào Khmer; triển lãm, trưng bày giới thiệu sách; hội chợ thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, hàng tiêu dùng…
Các hoạt động được tổ chức trong không khí trang trọng, vui tươi, tạo ra không gian văn hóa để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, qua đó vừa nhân thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm của đồng bào đối với việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” cũng như hưởng ứng tốt Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Một tiết mục văn nghệ dân gian trong Lễ khai mạc Ngày hội.
Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XV năm 2023 đã thu hút khoảng 300.000 lượt người trong và ngoài tỉnh tham gia, xem, cổ vũ.
Theo Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, thông qua việc tổ chức Ngày hội cũng nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong việc xây dựng, bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào Khmer với đồng bào cả nước. Qua đó góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Kiên Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số với 3 dân tộc chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa cùng chung sống, phát triển nên đã hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng. Là tỉnh có tỷ lệ dân tộc Khmer đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, chiếm trên 12% dân số toàn tỉnh.
Tiết mục múa Khmer cà om xứ Hòn của đoàn nghệ thuật không chuyên Kiên Giang.
Ngoài những đặc điểm chung của cộng đồng các dân tộc thuộc Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, người Khmer ở Kiên Giang còn giữ gìn những loại hình nghệ thuật đặc sắc như: Nghệ thuật sân khấu Dù Kê, nghệ thuật sân khấu Rô Băm, nhạc Ngũ Âm, múa Rom Vong… Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể với những ngôi chùa Khmer to đẹp, lộng lẫy, khang trang, đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói chung và Kiên Giang nói riêng còn đang lưu giữ một kho tàng văn hóa phi vật thể rất quý báu chiếm một vị trí quan trọng và chi phối sâu sắc trong đời sống sinh hoạt - xã hội của đồng bào dân tộc Khmer từ trước tới nay.
Tương tự các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer như Trà Vinh, Sóc Trăng, cứ đến ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, hoạt động Lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer được tổ chức tại huyện Gò Quao. Tại đây, ngoài hoạt động chính là giải đua ghe ngo và Lễ Cúng trăng, trong khuôn khổ lễ hội còn có nhiều hoạt động sôi nổi như: hội thi thả đèn nước, hội chợ thương mại, hội thi ẩm thực, liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê, trình diễn trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, hội thao dân tộc Khmer, lễ hội đường phố... tạo không khí tưng bừng, nhộn nhịp, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan.
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 15/76 ngôi chùa Khmer được trang bị phương tiện âm thanh, nhạc cụ để hoạt động văn nghệ. Tỉnh có đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, 10 câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng Khmer hoạt động hiệu quả. Nghệ thuật truyền thống đồng bào Khmer ở Kiên Giang có âm nhạc truyền thống, gồm các dòng nhạc cưới, nhạc lễ, các điệu ru, làn điệu Àday đối đáp; chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer; múa truyền thống của người Khmer; sân khấu Dù kê; sân khấu Rô băm; nghệ thuật viết chữ Khmer trên sách lá…
Hiện Kiên Giang đã phê duyệt Ðề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Qua đó tiến hành lập hồ sơ khoa học về 4 loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang, gồm: nghệ thuật múa truyền thống Khmer, Lễ hội Ok-Om-Bok, nghệ thuật diễn tấu dàn nhạc ngũ âm Khmer, văn học dân gian Khmer; đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.
MẠNH DUY